Home » Cổ truyền, Văn hóa » Đạo “Nhẫn” trong văn hóa truyền thống Trung Quốc
Dân tộc Trung Hoa có một khả năng “Nhẫn” thật vĩ đại. Có thể khoan dung và khiêm nhường với người khác được coi là một mỹ đức của người Trung Quốc kể từ thời cổ đại. Nho gia nhấn mạnh vào sự thần thánh bên trong, Đạo gia nhấn mạnh vào gìn giữ sự nhu hòa, Phật gia giảng từ bi với tất cả chúng sinh. Tất cả đều mang theo nội hàm về chữ “Nhẫn”. Lùi một bước, biển rộng trời trong. Có khả năng “Nhẫn” thì mọi sự tất thành.


Trong «Thượng Thư» (một trong những kinh điển Nho giáo), Chu Thành Vương nói với quần thần: “Nhất định phải Nhẫn mới có thể thành công. Khoan dung thì đức sẽ lớn”. Khổng Tử nói: “Việc nhỏ không nhẫn, tất loạn việc lớn”. Ông cũng nói: “Bậc quân tử không có tranh giành”. Lão Tử nói: “Thiên Đạo không tranh mà Thiện thắng, không nói mà Thiện ứng”. Phật giáo giảng: “Trong sáu phép độ và hàng vạn phương pháp tu hành, ‘Nhẫn’ là đệ nhất”, v.v. Tất cả đều giảng về Đạo “Nhẫn”.

1. Đạo “Nhẫn” trong Nho gia

Có nhiều ghi chép về Đạo “Nhẫn” trong «Luận Ngữ» của Khổng Tử. Ông nói: “Việc nhỏ không nhẫn, tất loạn việc lớn”. Nghĩa là việc nhỏ đã không nhẫn nhịn được thì khi làm việc lớn nhất định sẽ bị hỏng. Ông cũng nói: “Một khi phẫn nộ, quên mất cả người thân và bản thân, há chẳng hồ đồ lắm sao?” Khổng Tử cũng nói: “Bậc quân tử không có tranh giành” và “Quân tử dẫu kiêu cũng không tranh”, đều là nói về “Nhẫn”.

Trong «Luận Ngữ» ghi lại Khổng Tử nhắc nhở Tử Lộ (một môn đồ của Khổng Tử) như sau: “Hàm răng cương ngạnh nên mới dễ bị gẫy, cái lưỡi mềm mại nên mới dễ bảo tồn. Nhu nhuyễn nhất định thắng cương ngạnh, nhỏ yếu mà lại chiến thắng cường đại. Ham tranh đấu nhất định sẽ bị tổn thương, một mực khoe dũng nhất định sẽ dẫn tới diệt vong. Thái độ căn bản để làm mọi chuyện là: Nhẫn nhịn là tốt nhất.”

2. Đạo “Nhẫn” trong Phật gia

Trong kinh thư Phật giáo ghi lại câu nói của Phật Thích Ca Mâu Ni: “Ta hiểu rõ cái tinh túy của ‘không tranh giành’, có thể nói là thiên hạ đệ nhất.” “Trong sáu phép độ và hàng vạn phương pháp tu hành, ‘Nhẫn’ là đệ nhất”.

Trong kinh Phật viết: “Thái độ đối nhân xử thế đoan chính, nét mặt kiền tịnh tinh khiết, phong thái dung mạo tốt đẹp, đây đều là từ trong ‘Nhẫn’ mà đạt được.” Trong kinh thư cũng ghi lại: “Trong quá khứ có người ca ngợi Phật là người có đại phúc đại đức. Một người nghe được rất tức giận, nói: ‘Sinh ra bảy ngày đã mất mẹ, làm sao có thể nói là đại phúc đại đức chứ?’ Người ca ngợi Phật nói: ‘Cả tuổi tác và tư tưởng đều đến thời kỳ cực đỉnh mà vẫn không chết. Ai đánh cũng không tức giận, ai mắng cũng không mắng lại. Như vậy chẳng phải là đại phúc đại đức sao?’ Người tức giận sau đó tâm phục.”

3. Đạo “Nhẫn” trong Đạo gia

Lão Tử nói: “Thượng Thiện giống như nước, làm lợi cho vạn vật mà không tranh”. Đại ý là đức hạnh chí cao vô thượng thì cũng giống như nước vậy, lương thiện ban phúc cho vạn vật mà không hề tranh đấu. Lão Tử cũng nói: “Thiên Đạo không tranh mà Thiện thắng, không nói mà Thiện ứng”. Ý là sự vật phù hợp với quy luật tự nhiên thì không tranh đấu với sự vật khác. Khéo lùi mà lại chiến thắng.

Người tu luyện trong Đạo gia cũng để lại rất nhiều lời bàn về “Nhẫn”. Tử Hư Nguyên Quân nói: “Bỏ qua, bỏ qua, bỏ qua, các chủng các dạng tai họa bỗng chốc biến mất; nhường nhịn, nhường nhịn, nhường nhịn, chủ nợ và kẻ thù từ đó không còn.” Xích Tùng Tử khuyên bảo đệ tử: “Có thể Nhẫn thì không còn bị người khác làm nhục.” Hứa Chân Quân nói: “Gắng Nhẫn điều khó mà Nhẫn được, đi theo người không ngừng tự vươn lên.” Tôn Chân Quân nói: “Nhẫn nhịn có thể khiến những chuyện xấu tự nhiên biến mất, tự phản tỉnh thì tai họa tự nhiên tránh xa khỏi mình.”

4. Đạo “Nhẫn” trong các sách xưa

Quẻ Dịch Tốn nói rằng: “Quân tử dĩ trừng phẫn trất dục”. Nghĩa là người có đức hạnh luôn luôn tự mình cảnh giác để ức chế sự phẫn nộ và dục vọng. Trong «Thượng Thư» cũng ghi lại Chu Công nhắc nhở Chu Thành Vương: “Người xấu oán hận ngài, trách mắng ngài, như vậy ngài cần phải nghiêm túc đức hạnh.” Trong đó cũng nói: “Không phải vì ngài không dám tức giận”. Lại nói: “Còn phải nới rộng chí khí của mình”. Thành Vương bố cáo trước quần thần: “Nhất định phải Nhẫn mới có thể thành công. Khoan dung thì đức sẽ lớn”. Nghĩa là con người ta nhất định phải có tâm nhẫn nại thì mới có được đạo đức cao thượng.

Trong «Tả Truyện» nói: “Một khi vì thẹn mà bất nhẫn, chẳng phải sẽ hổ thẹn cả đời sao?” Ý là một khi bị sỉ nhục đến mức hổ thẹn mà không muốn chịu đựng, chẳng lẽ cảm thấy nhục nhã hổ thẹn cho đến lúc chết hay sao? «Tả Truyện – Chiêu Công Nguyên niên» cũng nói: “Người nước Lỗ cùng nhường nhịn lẫn nhau cai trị quốc gia”. «Tả Truyện – Ai Công 27 niên» viết: “Tri Bá nói với Triệu Mạnh: ‘Đáng trách là ngài lại không có dũng khí. Làm sao ngài có thể xưng là “Tử” (người có đức hạnh) đây? Triệu Mạnh đáp: ‘Bởi vì tôi có thể nhẫn nại. Ông chế nhạo tôi, nhưng đối với Triệu Mạnh tôi đâu có tổn hại gì.”

5. Đạo “Nhẫn” trong ngạn ngữ dân gian

Có câu ngạn ngữ Trung Hoa rằng: “Lấy Nhẫn đối phó với tai họa”, “Phàm việc Nhẫn thì phải Nhẫn. Người khoan dung không phải là kẻ ngốc, kẻ ngốc không giống như người khoan dung”. “Nhẫn được thì Nhẫn, kiềm chế được thì phải kiềm chế. Không Nhẫn không kiềm chế được, việc nhỏ thành việc lớn”. Tất cả đều nói với chúng ta đạo lý sâu sắc rằng “Lùi một bước, biển rộng trời trong, nhường ba phân trời quang mây tạnh.”

Theo tôi, “Nhẫn” là sự cương nghị nội tâm để mà đoạn tuyệt, tức có thể Nhẫn được điều không thể Nhẫn, đây là một loại tu dưỡng và cảnh giới. Trọng Nhĩ lưu vong nhẫn khổ chịu nhục, cuối cùng trở thành Vua nhà Tấn. Nhan Uyên sống cuộc sống giản dị, an bần mà lạc Đạo, cuối cùng trở thành đệ tử hiền đức nhất của Khổng Tử. Hàn Tín mang theo kiếm mà chịu nhục chui háng, cuối cùng trở thành đại tướng quân của Lưu Bang. Tô Vũ chăn cừu 19 năm, trung nghĩa giữ gìn tiết tháo, Nhẫn được điều người thường không thể Nhẫn được, sau trở thành tấm gương cho hậu thế.

Tổng hợp từ  chanhkien

Chuyên đề: , ,

01 ý kiến dành cho “Đạo “Nhẫn” trong văn hóa truyền thống Trung Quốc”

Ý kiến bạn đọc