Home » Thế giới » Khu chợ sinh tồn qua hai trận sóng thần Nhật Bản
Chợ Sakariki-machi nằm trên một con phố nhỏ của thị trấn Ofunato, tỉnh Iwate, đông bắc Nhật Bản, rôm rả tiếng trò chuyện ngay từ khi những người bán bắt đầu mở hàng lúc 6h sáng.

Sakariki-machi đã tồn tại qua hơn hai thế kỷ tại thị trấn ven biển Nhật Bản này. “Nó có ý nghĩa rất quan trọng với chúng tôi”, bà Chioko Shomoto 71 tuổi bán rau tại chợ nói. “Không phải là giá cả chúng tôi bán như thế nào mà điều quan trọng đây là nơi chúng tôi thư giãn, trò chuyện và trao đổi thông tin với nhau”.

Chợ mở dọc một con phố hẹp trong thị trấn, bất kể thời tiết nắng mưa. Chợ rực rỡ với những bông hoa đủ màu sắc, áo quần tự may, cá tươi và rau. Giá cả được viết nguệch ngoạc trên những mảnh giấy nhỏ. Khung cảnh như quay ngược về thời xa xưa, trước khi có Facebook hay những cửa hàng tiện lợi hiện đại.

Ofunato, Iwate Prefecture, northeastern Japan
Chợ Sakariki-machi là một trong những nơi hứng chịu hậu quả nặng nề của động đất và sóng thần hôm 11/3. Ảnh: AP


Đó là một mạng xã hội có thực, một trang web của những tình bạn qua nhiều thế kỷ với những buổi sáng sớm ra mở hàng và vài câu chuyện bông đùa. Với những người đã mất cửa hàng trong trận sóng thần, đó cũng là nơi họ bỏ ra 300 Yen (khoảng 3.70 USD) để thuê một chỗ trên vỉa hè và bán một vài món hàng.

“Tôi đã nghĩ sẽ phải mất vài tháng nữa những người đi sơ tán mới quay về nhưng chỉ 20 ngày sau thảm họa, họ đã quay lại”, bà Yoshihiro Suzuki, 63 tuổi, có gia đình gồm 4 thế hệ đều buôn bán tại khu chợ nói. “Khu chợ mang lại cho mọi người sức mạnh để tiếp tục cuộc sống”.

Suzuki, người có cụ tổ đã đăng ký tư cách pháp nhân cho khu chợ nói rằng chợ này mở cửa từ hơn 200 năm trước, thời còn các Samurai. Ban đầu, chợ là nơi những ngư dân và nông dân trao đổi hàng hóa vật phẩm. Trải qua những thiên tai, trong đó có trận sóng thần 1896 làm thiệt mạng 1/3 dân số thành phố và cả sự phá hủy của chiến tranh thế giới lần thứ II, chợ vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Trận động đất và sóng thần mới đây xảy ra hôm 11/3 một lần nữa cuốn trôi gần như toàn bộ các vùng lân cận và khu trung tâm thị trấn. “Tôi đã rất suy sụp sau trận sóng thần. Tôi thực sự nghĩ đến chuyện từ bỏ và đóng cửa hàng”, ông Hiroshi Sato, 70 tuổi, bán vải tại chợ nói. “Nhưng tôi nghe thấy mọi người ở chợ đang hỏi về tôi và tôi đã quyết định quay lại”, AP dẫn lời ông Sato.

Với một số người, chợ là nguồn thu nhập chính của họ. Kenji Murakami, 62 tuổi, bán hàng hoa và cây cảnh tại chợ đã 25 năm nay nói: “Thực tế là không thể sống dựa vào việc buôn bán ở cửa hàng này nhưng tạm thời tôi cũng có thể đáp ứng được 60-70% nhu cầu hiện tại của mình”.

Giá cả và những lựa chọn ở các khu chợ lớn có thể tốt hơn nhưng vẫn có rất nhiều người trung thành với khu chợ này. “Tôi đã ở đây từ lúc còn bé”, Naoko Nagayama, 40 tuổi, đi mua hàng cùng chồng và hai con gái nói. “Tôi quen những bà cụ bán hàng và họ luôn giảm giá cho tôi”.

Hầu hết những người bán bán hàng ở đây đều là các cựu binh đã luống tuổi. Một vài người cho rằng điều này khiến những thành viên mới khó hòa nhập vào không khí buôn bán ở đây.

Tadamasa Yokoda, 57 tuổi, đã bán giày ở chợ 35 năm nay. Trận sóng thần đã phá hủy toàn bộ cửa hàng và ngôi nhà của ông gần đó. Ông mời chào những người bạn cũ của mình trước một chiếc xe tải nhỏ chật cứng các loại giày dép. “Thật tuyệt vời vì bạn không cần phải thuê cửa hàng hay bất cứ thứ gì khác, rất dễ để có một cửa hàng của riêng mình”.

Anh Ngọc

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc