Home » Kinh doanh » Chân dung lãnh đạo IMF qua các thời kỳ
Trước khi Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde được lựa chọn làm Tổng giám đốc IMF, tổ chức tài chính quyền lực hàng đầu thế giới này đã trải qua 10 đời lãnh đạo toàn nam giới.

Sự kiện ông Dominique Strauss-Kahn từ chức sau khi dính líu tới một vụ bê bối tình dục đã mang lại cơ hội cho người đồng hương bước lên kế nhiệm vị trí cao nhất tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trong 67 năm tồn tại của IMF, người Pháp 5 lần nắm chức Tổng giám đốc, nếu tính cả bà Christine Lagarde.

Dưới đây là chân dung 10 vị Tổng giám đốc IMF theo thống kê của CNBC.

1. Camille Gutt (Bỉ)
Nhiệm kỳ: 6/5/1946 – 5/5/1951

Camille Gutt

Vào thời điểm Quỹ Tiền tệ Quốc tế được thành lập, đã xuất hiện một câu hỏi lớn về vị trí lãnh đạo tổ chức này. Sau khi ứng cử viên của Mỹ là Harry D.White bị loại do bị buộc tội gián điệp, một người Bỉ đứng ngoài cuộc đua là Camille Gutt đã thay thế.

Gutt không phải là một chuyên gia kinh tế, mà vốn là một nhà báo và luật sư. “Ông Gutt hoàn toàn trái ngược với Strauss-Kahn. Ông vô cùng chính trực và trung thực, cả về đời sống chính trị lẫn đời tư”, giáo sư Francois Crombois tại Đại học Mỹ ở Bungary nói. Ông Crombois cũng nói thêm, hoàn cảnh của ông Gutt cũng tương tự bà Christine Lagarde.

Camille Gutt không nổi trội trong những năm 1930 tại châu Âu, nhất là với nguồn gốc Do Thái của mình. Nhưng ông vẫn đảm đương được những trọng trách bộ trưởng khác nhau trong thời kỳ đó. Trên cương vị Bộ trưởng Tài chính, ông đã giành tín nhiệm khi cứu được đồng franc Bỉ trong cả hai thời kỳ trước và sau Thế chiến II.

Vào tháng 3/1939, ông Gutt đã đưa ra quyết định chuyển một phần dự trữ vàng của Bỉ tránh xa khỏi mối đe dọa từ Đức Quốc xã, chuyển chúng đến London (Anh), Mỹ và Pháp. Sau Thế chiến II, ông đã điều hành một cuộc cải cách tiền tệ để đối phó với lạm phát. Ông Crombois cho biết đây là một hình mẫu cho việc đánh giá lại của Pháp và sự ra đời của đồng franc mới vào năm 1959.

2. Ivar Rooth (Thụy Điển)
Nhiệm kỳ: 3/8/1951 – 3/10/1956

Ivar Rooth

Ivar Rooth là một chủ ngân hàng người Thụy Điển đã lãnh đạo IMF từ năm 1951 đến 1956, và trước đó cũng từng giữ vị trí cấp cao tại Ngân hàng Thế giới (WB). Trước khi được IMF lựa chọn làm Giám đốc điều hành, ông Rooth đã bị WB điều tới Iran để giải quyết việc cho nước này vay một khoản tiền lớn để thúc đẩy nền kinh tế.

Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông Rooth đã đặt ra những mục tiêu mới cho IMF. Từ đó, tự do hóa thương mại toàn cầu đã trở thành mục tiêu chính của tổ chức. Trong bài phát biểu giới thiệu vào ngày 11/9/1951, ông đã tuyên bố mình sẽ loại bỏ hoặc điều chỉnh lại các quy định thắt chặt quy đổi tiền tệ và những quy định phân biệt đối xử khác.

3. Per Jacobsson (Thụy Điển)
Nhiệm kỳ: 21/11/1956 – 5/5/1963

Per Jacobsson

Per Jacobsson chủ yếu được nhớ đến là người lãnh đạo IMF trong thời kỳ quỹ này cho Anh vay 561,5 triệu USD và Pháp vay 655 triệu USD. Trước đó, Anh đã thất bại trong dự án kênh đào Suez. Còn Pháp thua trận trong chiến tranh Đông Dương cộng thêm bạo loạn triền miên tại Angeria.

Ngoài ra, ông cũng để lại những dấu ấn đáng kể khác, nhưng không hề liên quan đến sự nghiệp tài chính. Dưới bút danh Peter Oldfeld, ông Jacobsson đã hợp tác với người bạn tên là Vernon Barlett để cho ra đời cuốn “The Death of a Diplomat” năm 1928 và một năm sau đó là “The Alchemy Murder”. Cả hai cuốn này đều là tiểu thuyết tội phạm và đã được chuyển thể thành phim.

4. Pierre-Paul Schweitzer (Pháp)
Nhiệm kỳ: 1/9/1963 – 31/8/1973

Pierr-Paul

Pierre-Paul Schweitzer sinh trưởng trong một gia đình khá nổi tiếng. Ông là cháu trai của người đoạt giải Nobel hòa bình Albert Schweitzer và nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Boston là Charles Much. Ông Schweitzer đắc cử chức Giám đốc IMF vào năm 1963.

Nơi sinh của ông là tại Strasbourg thuộc Đức, nhưng ông Schweitzer vẫn đứng đầu trong danh sách những người Pháp có khả năng trở thành lãnh đạo IMF. Ông cũng là giám đốc đầu tiên của IMF tiếp tục tại vị sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ nhất.

Trước đó, ông đã giữ những chức vụ cao trong hệ thống kinh tế của Pháp như giám đốc Kho bạc của Pháp, phó thống đốc Ngân hàng Pháp. Ngoài ra, ông cũng là một người phản đối mạnh mẽ Thế chiến II.

5. Johannes Witteveen (Hà Lan)
Nhiệm kỳ: 1/9/1973 – 16/6/1978

Johannes Witteveen (Hà Lan)

Trách nhiệm đi kèm với trọng trách giám đốc điều hành IMF thực sự là một gánh nặng lớn. Johannes Witteveen – nhà lãnh đạo đời thứ năm của IMF đã giải tỏa được áp lực đó nhờ vào Hồi giáo mật tông – một tư tưởng được coi là trái tim của đạo Hồi. Giáo lý của đạo này rất phù hợp với lãnh đạo của một tổ chức luôn phải cho những nước khó khăn vay mượn tiền. Ông Witteveen thậm chí đã viết sách về đạo này.

Trong một lần trả lời phỏng vấn tạp chí Time, ông nói rằng với những trọng trách nặng nề như vậy, người ta rất dễ bị căng thẳng. Đồng thời, thiền là một cách để ông quên đi tất cả những gì đã diễn ra trong ngày.

6. Jacques de Larosiere (Pháp)
Nhiệm kỳ: 17/6/1978 – 15/1/1987

Jacques de Larosiere (Pháp)

Năm 1982, khủng hoảng nợ tại Mexico bùng phát dưới thời của ông Larosiere tại IMF. Trước đó, lãi suất gia tăng đã châm ngòi cho cuộc bùng nổ giá dầu và giá hàng hóa vào cuối những năm 1970. IMF đã giúp giải quyết tình trạng trên và tránh được hiệu ứng vỡ nợ dây truyền tại những nước không sản xuất dầu.

Sau nhiệm kỳ của mình, ông Larosiere vẫn tiếp tục nghiên cứu phương pháp cải thiện hệ thống tài chính toàn cầu. Năm 2009, ông đã chủ trì một nhóm các nhà kinh tế đưa ra đề xuất xây dựng một chương trình khung cho các quy định tài chính hiệu quả hơn.

Một trong số những đề xuất đó là việc thành lập Hội đồng Rủi ro có hệ thống châu Âu (ESRC), buộc các nhà lập pháp phải có trách nhiệm hơn trong việc giám sát các cơ quan xếp hạng tín nhiệm hay thậm chí là các biện pháp mạnh tay hơn với các hội đầu tư, được cho là hậu quả của cuộc khủng hoảng năm 2008.

7. Michel Camdessus (Pháp)
Nhiệm kỳ: 16/1/1987 – 14/2/2000

Michel Camdessus (Pháp)

Michel Camdessus có lẽ là nhà lãnh đạo IMF hứng chịu nhiều búa rìu dư luận nhất, nhưng ông cũng là người duy nhất hai lần được bầu lại vào vị trí này.

Trong suốt nhiệm kỳ của ông Camdessus, thế giới đã trải qua hàng loạt khủng hoảng tài chính mà các nền kinh tế đang phát triển bị tác động lớn hơn cả. Chẳng han, khủng hoảng lần hai tại Mexico (1994), khủng hoảng tại Thái Lan (1997), Đông Nam Á (1997 – 1998), Nga (1998) hay Brazil (1999).

Phản ứng của ông Camdessus trước những cuộc khủng hoảng này đều bị chỉ trích nặng nề. Khi IMF áp đặt các cải cách kinh tế kiểu phương tây cho các nước. Chúng bị cho là không gắn với thực tế, và đôi khi còn bị coi như chủ nghĩa thực dân mới.

Ông Camdessus từ chức năm 2000, sớm hơn 2 năm trước khi nhiệm kỳ kết thúc, và trở thành cố vấn cho Giáo hoàng John-Paul II. Kể cả khi đã từ chức, ông vẫn còn bị Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina lên án vì hai nước này phải gánh chịu hậu quả của khủng hoảng.

8. Horst Kohler (Đức)
Nhiệm kỳ: 1/5/2000 – 4/3/2004

8. Horst Kohler (Đức

Ông Horst Kohler sinh ra trong một gia đình Romani tại Ba Lan khi nước này bị quân Đức Quốc xã chiếm đóng. Ông cùng gia đình đã chạy trốn đến Leipzig ở Đông Đức rồi Bade-Wurtemberg tại Tây Đức. Năm 1990, khi Đông và Tây Đức thống nhất, ông được bầu làm Thứ trưởng Bộ Tài chính nước này. Ông đóng góp không nhỏ trong việc thương lượng các điều khoản tái thống nhất và trong hiệp ước Maastricht hai năm sau đó.

Năm 2004, sau khi kết thúc nhiệm kỳ giám đốc IMF, ông đã thành công trong cuộc đua đến với chức Tổng thống Đức – một vị trí gần như chỉ mang tính biểu tượng. Tháng 5/2010, ông đã gây ra tranh cãi sau khi đưa ra bài phát biểu đề cập đến việc rời khỏi chiến trường Afghanistan. Quân đội Đức đã được triển khai tại đây bất chấp phản đối mạnh mẽ từ phía dân chúng. 9 ngày sau, vào 31/5/2010, ông từ chức tổng thống.

9. Rodrigo de Rato (Tây Ban Nha)
Nhiệm kỳ: 7/6/2004 – 31/12/2007

Rodrigo de Rato (Tây Ban Nha)

Rodrigo de Rato là vị giám đốc thứ ba của IMF từ chức. Chỉ sau 3 năm tại nhiệm sở thay thế vị trí của Kohler, ông Rato quyết định rời vị trí lãnh đạo IMF vì lý do cá nhân.

Sau đó, ông tiếp tục làm cố vấn cho Criteria-Caixacorp, Banco Santander – ngân hàng tư nhân lớn nhất châu Âu và Lazard. Năm 2009, ông tuyên bố sẽ từ bỏ những vị trí này để tới Caja Madrid và trở thành chỉ tịch của ngân hàng trên.

10. Dominique Strauss-Kahn (Pháp)
Nhiệm kỳ: 1/11/2007 – 18/5/2011

Dominique Strauss-Kahn

Trước khi hình ảnh bị vụ bê bối tình dục làm cho xấu đi, đóng góp của Dominique Strauss-Kahn trên cương vị Giám đốc IMF đã được công nhận rộng rãi. Ông Kahn đã có công cải cách một phần IMF và cho phép các quốc gia mới nổi được quyền quyết định trong tổ chức này.

Ông Kahn, vốn là một nhà xã hội học và là một giáo sư đại học, đã đảm nhận cương vị trên tại IMF vào năm 2007 sau khi được tổng thống Nicolas Sarrkozy giúp vận động hành lang. Đây được cho là tiền đề để ông tham gia tranh cử tổng thống Pháp vào năm 2012.

Vụ bê bối tình dục tại khách sạn Sofitel ở New York đã đặt một dấu chấm hết cho sự nghiệp của ông Kahn và buộc ông phải từ chức. Đồng thời, nó cũng mở màn cho cuộc đua giữa một người Pháp khác là bà Christine Lagarde và chuyên gia kinh tế người Mexico là Agustin Carstens cho chiếc ghế Giám đốc IMF.

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc