Home » Cổ truyền, Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Mưu trí cha ông ‘đánh bại’ âm mưu xâm lược của địch (kỳ 2)
Sử dụng chiến lược từng bước lui binh, bảo toàn lực lượng, hay cách đánh bất ngờ, thần tốc…, trong binh pháp của “thống soái”, tùy theo bối cảnh chiến sự, để giành thắng lợi trước kẻ thù… đều là chiến lược “độc” bù đắp sự chênh lệch về số lượng giữa ta và địch.
>>Mưu trí cha ông ‘đánh bại’ âm mưu xâm lược của địch (kỳ 1)

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Lịch sử nước ta có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng”.

Trần Hưng Đạo: Chế ngự sức mạnh của địch và phản công khi chúng suy yếu

Trước chiến tranh chớp nhoáng đánh Đại Việt của đại quân Nguyên – Mông, quân ta dưới sự chỉ huy thao lược tài tình của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng tướng lĩnh kiệt xuất của nhà Trần, sử dụng chiến lược từng bước lui binh, bảo toàn lực lượng, bỏ ngỏ kinh thành cho giặc dữ, từ đó củng cố và tăng cường thực lực, phản công, đánh bại hoàn toàn 3 lần xâm lược của kẻ thù.

Trận Đông Bộ Đầu (1258): đánh tan đạo quân xâm lược Mông Cổ tại bến Đông Bộ Đầu (gần cầu Long Biên, Hà Nội ngày nay), kết thúc khánh chiến chống Nguyên - Mông lần thứ nhất. Ảnh minh họa

Tài ba của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn gồm cả văn lẫn võ. Văn ở tầm “đại học vấn, đại uyên bác” với Hịch tướng sĩ: “Ta ngày thường quên ăn, đêm thường quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìạ..” – làm sáng bừng lên nghĩa khí Đại Việt, cuốn thiêu đi cạn hẹp lòng người, truyền khí phách tới ba quân tướng sĩ…

Võ ở tầm nhà chiến lược, quân sự phương Đông, hơn thế, nhà lập thuyết quân sự và bày binh Đại Việt. Lý thuyết và nghệ thuật dùng binh thuở ấy được Trần Hưng Đạo hội nhập và sáng tạo bộ chủ gia binh pháp, gọi là Binh thư yếu lược, từ đó soạn ra Vạn kiếp tông bí truyền thư, làm nền tảng cấu trúc quân đội thời Trần và luyện quân, tập tướng.

Lần thứ nhất với chiến thắng Đông Bộ Đầu vào đầu thế kỷ 13. Nắm bắt được mưu đồ xâm lược của 30 vạn quân Nguyên ào ạt tràn sang xâm lược nước ta, trước thế mạnh của giặc Nguyên, quân ta không dùng đại quân chủ lực mà dùng quân địa phương, dân binh đánh chặn tiêu hao sinh lực, còn chủ lực “ẩn mình” cơ động về Vĩnh Phú, rồi sang Hưng Yên, để chờ thời cơ ra đòn phản công quân địch; đồng thời, thực hiện kế sách “thanh dã” – vườn không nhà trống ở thành Thăng Long. Đến giữa tháng 1/1258, quân Nguyên đã tràn vào Thăng Long bỏ trống và biến thành chiến địa. Sau 10 ngày chiếm kinh thành với vườn trống, nhà không, không tìm ra một cân lương thực nào trong thành Thăng Long, lại bị quân địa phương, dân binh quấy rối… Quân giặc lương thảo cạn dần, sức lực, sĩ khí quân Nguyên sa sút,… lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Quân ta quyết định đêm 24/1/1258 dùng đại quân chủ lực mở cuộc tấn công từ Đông Bộ Đầu (phía Đông hữu ngạn sông Hồng) làm quân Nguyên bị bất ngờ, bỏ chạy tán loạn, hơn 60% binh lực bị tiêu diệt tại trận, tàn quân còn lại tháo chạy về nước.

Lần thứ hai với chiến thắng Chương Dương – Giang Khẩu. Cuối năm 1284, Thoát Hoan chỉ huy 60 vạn quân từ hướng Bắc tràn sang nước ta. Trần Hưng Đạo sau khi đã soạn thảo hai bộ binh thư yếu lược để luyện quân, động viên ba quân bằng “Hịch tướng sĩ” và vận dụng binh pháp “Kiên thủ chờ suy” bảo tồn lực lượng chủ lực chuyển vào ẩn quân ở Thiên Trường, Tam Điệp, Thanh Hóa, đồng thời tăng cường địa phương quân ra sức chặn đánh ngăn chặn phía trước, triệt hậu cần phía sau để cầm chân giặc.

Tháng 5/1285, Trần Hưng Đạo cho quân tổng phản công từ hai hướng Chương Dương và Giang Khẩu và trực tiếp chỉ huy đánh thắng trận đầu ở A Lỗ; liên tiếp thắng lớn trong các trận: Hàm Tử, Chương Dương và Vạn Kiếp. Giặc Nguyên không kịp trở tay. Quân ta đại thắng. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để quân lính khiêng tháo chạy về nước.

Chỉ sau 5 tháng xâm lược nước ta lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng, quân Nguyên lại buộc phải rút chạy và vĩnh viễn từ bỏ mộng xâm lược Đại Việt. Ảnh minh họa

Ba năm sau, vào tháng 1/1288, quân Nguyên Mông tiếp tục tràn vào xâm lược nước ta. Trong lần tấn công lần thứ 3 này, Trần Hưng Đạo vẫn áp dụng kế sách bảo toàn quân chủ lực, nghi binh thu hút địch, dùng quân địa phương nhiều hơn đánh địch khắp nơi. Ngày 22/2/1288, quân Thoát Hoan tiến vào Thăng Long lại không một bóng người, bị dân binh ta bao vây và liên tiếp bị đánh khi đi cướp lương thực; đồng thời cắt đứt nguồn tiếp tế, khiến địch lại lâm vào thế khốn khó, rối loạn. Do vậy, chỉ sau 5 tháng xâm lược nước ta lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng, quân Nguyên lại buộc phải rút chạy và vĩnh viễn từ bỏ mộng xâm lược Đại Việt.

Có thể nói, những trang sử chống ngoại xâm vàng son nhất của Việt Nam đều do công của Trần Hưng Đạo lập ra. Trong khi đội quân bách chiến bách thắng của Thành Cát Tư Hãn làm mưa làm gió gần như khắp thế giới thì Việt Nam là một trong ba nước hiếm hoi cùng với Ấn Độ và Indonesia ngăn chặn được cơn hồng thủy Mông Cổ.

Quang Trung – Nguyễn Huệ: Đánh thần tốc

Điểm nổi bật và cũng là ưu thế tiến hành quân sự của Quang Trung – Nguyễn Huệ là nghệ thuật dụng binh thần tốc, táo bạo và nắm chắc thời cơ. Trong suốt chặng đường chiến đấu, Nguyễn Huệ không chỉ chứng tỏ là nhà lãnh đạo chính trị xuất sắc, mà còn là một nhà cầm quân tài ba. Những gì ông làm, không phải vị tướng nào cũng thực hiện được.

Với trận Rạch Gầm-Xoài Mút (1785) – trận quyết chiến chiến lược của quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, diệt quân Xiêm (Thái Lan) trên sông Tiền Giang, đoạn từ Rạch Gầm đến Xoài Mút – ngoài lợi dụng thủy triều, ông còn áp dụng nghệ thuật nghi binh khá linh hoạt. Các tướng Xiêm biết quân Tây Sơn ít hơn, thế nào Nguyễn Huệ cũng dùng chiến thuật nghi binh, nhưng khi trận đánh xảy ra, chúng lại hoàn toàn bất ngờ.

Với trận Rạch Gầm-Xoài Mút (1785), ngoài lợi dụng thủy triều, Nguyễn Huệ còn áp dụng nghệ thuật nghi binh khá linh hoạt. Ảnh minh họa

Quân Tây Sơn không chỉ mai phục sẵn ở hai bên bờ sông, mà trong đêm trăng mờ mờ, quân của Võ Văn Dũng vừa đánh vừa lui. Một bộ phận quân Tây Sơn hai bên bờ cùng hợp lực với Dũng chặn giặc. Quân Xiêm nhận định: toàn bộ quân Tây Sơn đã lộ diện, vì vậy, không còn gì chần chờ nữa, tướng Xiêm đốc thúc ba quân đuổi theo thủy quân Võ Văn Dũng. Thuyền giặc cứ theo ánh sáng đèn của thủy quân Tây Sơn mà đuổi, chúng không biết rằng trên đường rút lui để dụ địch, thủy quân của Võ Văn Dũng đã dần dần tắt đèn tấp sang hai bên bờ chui vào các ngách sông. Quân Xiêm đuổi tới nơi thì thấy chỉ có mấy chiếc, biết là đã trúng kế Tây Sơn. Khi quân Xiêm lọt vào trận địa bày sẵn, Nguyễn Huệ đốc thúc thủy quân từ các nhánh sông đổ ra đánh. Đồng thời, súng đại bác trên cù lao Thới và hai bên bờ sông nã liên hồi vào thuyền giặc. Tướng Xiêm Chiêu Sương hoảng hốt cho dừng thuyền lại, nhưng bị thủy quân Tây Sơn từ các nhánh sông nhỏ đổ ra vây chặt, gồm: phía trước, phía sau, hai bên và ngay cả trên đầu, dẫn đến bị rối loạn hàng ngũ, quân sĩ lớp nhảy xuống nước bị chết chìm, lớp bị giáo đâm, gươm chém… thất bại nặng nề. Còn đạo quân bộ cũng bị quân Tây Sơn phục đánh tan, tướng Xiêm là Lục Côn bị Bùi Thị Xuân chém rơi đầu. Trong trận đánh này, với lực lượng khoảng ba vạn quân thủy bộ, Nguyễn Huệ đã tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm và 300 thuyền chiến.

Trong cuộc tiến công từ Phú Xuân ra Thăng Long tiêu diệt 29 vạn quân Thanh (1789), Nguyễn Huệ – khi đó đã là vua Quang Trung – chọn cách tấn công vào Thăng Long từ phía Nam. Đó là khu vực quân Thanh bố phòng cực kỳ kỹ lưỡng. Nhưng đó cũng là hướng quân Thanh chủ quan nhất, vì chúng đinh ninh rằng ít có khả năng bị tấn công, thế nên Nguyễn Huệ đã quyết định ra đòn phủ đầu. Và đợt phản kích quân Thanh theo hướng này diễn ra rất chóng vánh: chỉ trong vòng 6 ngày, kể từ khi xuất binh (Đêm 30 tết) đến khi tiêu diệt hoàn toàn quân Thanh trong trận Đống Đa (ngày mồng 5 tết).

Ở đây phải nói, chính yếu tố bí mật, địch quân không nắm được lực lượng của ta lại thêm thói khinh thường, đến khi ta bất ngờ tấn công thì không kịp chống đỡ, đã làm nên chiến thắng Đống Đa lịch sử của vua Quang Trung.

Như vậy, cách đánh bất ngờ, thần tốc là tâm điểm trong binh pháp của Quang Trung – Nguyễn Huệ. Đó là cách để bù đắp sự chênh lệch trước những đội quân đông hơn mình gấp nhiều lần…

Theo tintuc


4 ý kiến dành cho “Mưu trí cha ông ‘đánh bại’ âm mưu xâm lược của địch (kỳ 2)”

  1. Van Dung 19/06/2011

    Mình nhớ là trận đánh quân Nguyên Mông lần I thì vai trò lãnh đạo chủ yếu là của Thái sư Trần Thủ Độ cơ mà, lúc đó Trần Hưng Đạo vẫn là một tướng trẻ. Đến hai lần sau thì vai trò quá Hưng đạo vương mới đc thể hiện rõ.

    BBT: Cảm ơn góp ý của bạn, chúng ta đã có chỉnh sửa cho chính xác

    Reply
  2. cool games 20/06/2011

    lịch sử nước ta mà dựng thành phim thì còn gì bằng toàn các trận đánh hay và mưu trí

    Reply
  3. thanh thanh 25/06/2011

    Lịch sử VN mà dựng thành phim cổ trang hay làm game tương tự như Empire chắc cool lắm nhỉ. Do chúng ta không đủ kinh phí và trình độ thôi.

    Reply
  4. Nguyễn Văn Thành 26/06/2011

    Khi quân Mông Cổ xâm lược nước ta lần thứ nhất, Trần Quốc chắc là còn trẻ, chưa đóng vai chủ chốt, lúc đó tướng Lê Phụ Trần có tầm nhìn chiến lược, đề xuất thay đổi cách đánh, không bày trường trận, không trực tiếp đối đầu với giặc.
    Ta thấy kỳ lạ ở chỗ một vài tôn thất nhà Trần nắm giữ binh quyền rất lớn, đã đầu hàng giặc. Thế mà nhà Trần vẫn lãnh đạo nhân dân đánh thắng Nguyên Mông.
    Tôn Sĩ Nghị đã nói một câu dường như là chân lý:”..luyện binh đâu chỉ một vài ngày..”. Thế nhưng vua Quang Trung vừa hành quân vừa tuyển mộ binh lính, chỉ vài ngày luyện tập mà đánh thắng quân Thanh.

    Reply