Home » Thế giới » Kinh tế Nga u ám, Putin cô độc
Hơn 100.000 doanh nhân ngồi tù, khoảng 30 nhà đối lập chờ ngày lãnh án, cố vấn thân cận nhất bỏ rơi, uy tín mất dần, tăng trưởng kinh tế từ 5% rơi xuống còn 1 %. Đó là tình hình nước Nga một năm sau ngày ông Vladimir Putin trở lại điện Kremlin.

 

Cánh nay một năm, vào ngày 07/05/2012, sau 4 năm làm thủ tướng, Vladimir Putin trở lại điện Kremlin với nhiệm kỳ tổng thống thứ ba dài sáu năm, qua một cuộc bầu cử bị công luận tố cáo là có gian lận.

Tổng kết thời gian 12 tháng qua, giới phân tích đưa ra hai nhận xét : thứ nhất là « Nga hoàng Vladimir » đã thành công « bịt miệng đối lập ». Theo AFP, cảm thấy phong trào phản kháng với hàng trăm ngàn người biểu tình chống độc tài, tham nhũng và gian lận trong hai cuộc bầu cử Quốc hội cuối năm 2011 và bầu cử Tổng thống năm 2012 đe dọa quyền lực, Vladimir Putin ra sức đàn áp bằng biện pháp hình sự.

Kết quả là có khoảng 30 nhà đối lập đang chờ ra tòa với bản án « gây mất trật tự ». Hai nhân vật lãnh đạo là luật sư Alexei Navalny có thể lãnh án 20 tù với tội danh « trốn thuế » còn chủ tịch Mặt Trận Cánh Tả Serguei Oudaltsov bị đe dọa 10 năm lưu đày vì « tham gia bạo động ».

Vừa trấn áp phong trào công dân phản kháng, tổng thống Putin cũng không nhẹ tay với chính phủ. Tuần trước, theo Reuters, trong cuộc họp với nội các, ông Putin đã « lên lớp » toàn bộ nội các từ các bộ trưởng cho đến Thủ tướng Dmitri Medvedev, một kẻ trung thành giữ ghế tổng thống cho Putin trong 4 năm từ 2008 đến 2012.

Trong một động thái chứng tỏ vị thế « độc tôn », chủ nhân điện Kremlin đã truy vấn từng bộ trưởng trước ống kính truyền hình . Cả nội các không ai dám phản ứng kể cả ông Medvedev, trừ một người : phó thủ tướng Vladislav Surkov, một nhà tỷ phú, cố vấn, lý thuyết gia của chế độ bàn tay thép.

Hậu quả là ngày hôm sau, Vladislav Surkov, nhân vật được trọng dụng suốt 12 năm và đặc biệt trong giai đoạn trấn áp phong trào phản kháng bị bắt buộc từ chức.

“Putin không mạnh như xưa”

Theo giới phân tích thì từ 4,5 năm nay, Vladimir Putin chỉ trọng dụng những nhân vật xuất thân từ các cơ quan mật vụ như ông. Trong hai năm trở lại, những khuôn mặt có tiếng là cải cách, tự do đã biến mất.

Một trong những người thân cận trước đây của tổng thống Nga nhận định : tuy quyền lực vẫn còn nắm trong tay nhưng Putin không còn mạnh như xưa. Cô đơn về mặt chính trị, uy tín của « Nga hoàng Vladimir » cũng mất dần theo tỷ lệ kinh tế đi xuống.

Gia tăng đàn áp đối lập trong bối cảnh nội bộ rạn nứt và quốc nạn tẩu tán tài sản, có lẽ tổng thống Nga đang lúng túng do tình thế rối ren, không rõ đâu là nhân đâu là quả: kinh tế xuống dốc, chính quyền bất lực, tham nhũng gian lận.

Theo nhà tranh đấu nhân quyền Ludmila Alexeieva thì chế độ hiện nay « đang sử dụng lại những biện pháp trấn áp xã hội công dân của thời Stalin ». Từ Maxcơva, nhà báo Nguyễn Minh Cần phân tích thêm :

« Phong trào phản kháng tại Nga đang ở trong thời kỳ khó khăn nhất vì đường lối đàn áp quyết liệt bằng mọi giá của tổng thống Putin. Trong các cuộc biểu tình, cảnh sát cơ động, an ninh tạo dựng nên những cuộc khiêu khích để gây mất trật tự và dựa vào đó bắt hàng loạt người. Trong suốt năm qua…. hai người đã bị án, 15 người bị bắt và 17 người bị truy tố…

Nhưng chính quyền cũng lâm vào tình thế rất khó khăn. Vì khi ra ứng cử, ông Putin hứa hẹn rất nhiều, hứa tăng lương cho tất cả, giải quyết vấn đề xã hội, những lời hứa rất hoành tráng nhưng thực tế một năm qua những lời hứa ấy là lời hứa suông.

Theo thăm dò dư luận thì chưa bao giờ tỷ số tín nhiệm ông Putin xuống thấp như vậy từ 80%, 70% xuống còn 37%.

Tình hình kinh tế Nga chựng lại, không kêu gọi được đầu tư nước ngoài cho nên lời hứa hiện đại hóa kinh tế, rất cần thiết, không được nước ngoài tham gia. Thiếu hutk ngân sách liên bang, nợ chính quyền địa phương quá lớn, chưa nói đến tình trạng 110.000 doanh nhân ngồi tù ,theo con số chính thức. Số tư bản chạy ra nước ngoài chỉ trong quý một năm nay là 50 tỷ đôla.

Ngay trong nội bộ chính quyền cũng có vấn đề mâu thuẫn, người ta nói ngay giữa cặp bài trùng Putin-Medvedev cũng đang « canh chẳng lành cơm chẳng ngọt ».

Phải nhẹ tay với phong trào phản kháng, phải trả tự do cho các doanh nhân đang bị ngồi tù, phải nới rộng dân chủ… nếu tiếp tục như hiện nay thì Nga đi vào con đường bế tắc ».

Họa vô đơn chí : Kế hoạch chấn hưng kinh tế và cải cách chế độ lương bỗng hay phục vụ công ích xã hội của Putin đều dựa trên nguồn dầu hỏa và khí đốt xuất khẩu . Thế nhưng, theo dự báo của Cơ quan năng lượng quốc tế AIE ngày 14/05/2013 vừa qua thì tiềm năng to lớn của dầu và khí đá phiến của Hoa Kỳ đang được khai thác đã gây một « cơn sốc » làm thỏa mãn nhu cầu thế giới trong năm năm tới. Nói cách khác, giá năng lượng sẽ giảm và những quốc gia xuất khẩu dầu khí như Nga sẽ bị thất thu không tránh khỏi.

Theo rfi

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc