Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Niềm tin đối với Đảng
Trong những ngày kỷ niệm mùa thu năm 1945 và 69 năm ngày Quốc khánh, mùng 2/9, một lần nữa, vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN được truyền thông tập trung ca ngợi. Thế nhưng niềm tin của dân chúng cũng như của chính các đảng viên có thay đổi hay không sau gần 7 thập niên?

“Lỗi là ở gốc rễ”

Truyền thông trong nước những ngày qua đồng loạt đăng tải thông tin nhắc nhớ về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng CSVN lãnh đạo đã làm nên một trang sử vẻ vang, giải phóng nhân dân VN khỏi chế độ thực dân, phong kiến. Nước VNDCCH được ông Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập vào ngày 2/9/1945 với một Nhà nước của dân và vì dân. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh trong một bài viết nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc Khánh sau 69 năm rằng chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng chứ không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất. Ông Trương Tấn Sang còn nhắc lại câu nói của Nguyễn Trãi “làm lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước” cũng như ông Hồ Chí Minh từng nói “dân là gốc” cho nên mối quan hệ máu thịt, sinh tử giữa Đảng với nhân dân phải được chăm lo ở tầm cao mới, chất lượng mới để đất nước phồn vinh và trường tồn.

Một đảng viên Đảng CSVN không muốn nêu tên chia sẻ suy nghĩ của mình sau khi đọc bài viết tâm huyết của vị Chủ tịch nước đương quyền trên Tạp chí Cộng Sản:

“Có đến 80% không tin rằng Đảng còn vững mạnh nữa. Nói chung đã trải qua nhiều thứ rồi. Bây giờ bọn mình cứ đọc báo, kệ các ông nói gì nói. Ví dụ đơn giản cái nghị quyết Trung ương 4 mà vẫn cứ phải học nhưng bây giờ một đảng bộ chỉ đi học một nửa, còn lại một nửa chỉ đọc báo. Nói chung niềm tin cũng không còn nhiều vào Đảng nữa nhưng mà bắt buộc người ta vẫn phải ở trong Đảng. Còn nhân dân thì mất niềm tin nhiều hơn đảng viên.”

Nghị quyết Trung ương 4 có tiêu đề “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” đang được triển khai với kỳ vọng Đảng sẽ có sức mạnh mới xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

Trong khi các bộ ngành, địa phương được cho là đang thực hiện nghiêm túc nghị quyết Trung ương 4 thì dân chúng ngày càng đón nhận tin tức có nhiều đảng viên lần lượt tuyên bố ra khỏi Đảng CSVN. Những người tuyên bố ra khỏi Đảng đều giống nhau ở điểm họ không còn lòng tin vì Đảng CSVN mà họ từng thề tuyệt đối trung thành đã không đi theo đúng tôn chỉ, mục đích như lúc ban đầu là đem lại độc lập, tự chủ, hạnh phúc, dân chủ khi Đảng CSVN hình thành cách nay xấp xỉ một thế kỷ. Tiến sĩ – Bác sĩ trung tá quân đội Đinh Đức Long là người vừa công khai ra khỏi Đảng hồi cuối tháng 8 nói “lỗi là ở gốc rễ”.

Nhồi nhét không thực tế

Một thầy giáo ở Hà Nội, yêu cầu tiết lộ danh tánh, vừa được trường học nơi mình giảng dạy đề cử đi học lớp “đối tượng Đảng” cho đài ACTD biết trong suốt 1 tuần tham gia, Ban Tuyên giáo và giảng viên trường Đảng nhồi nhét những điều không thực tế. Trong khi công nghệ thông tin phát triển một cách mạnh mẽ mà những “cảm tình viên” phải bị nhồi sọ rằng “yêu Đảng mới đồng nghĩa với yêu Tổ quốc”“vào Đảng vì mục đích xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng đất nước chứ không phải vì mục đích tư lợi cá nhân, vì thăng quan tiến chức” càng khiến cho bản thân mất “cảm tình” với Đảng. Thầy giáo này lên tiếng:

“Thật ra, trước khi đi học, Hiệu trưởng đã dặn 1 câu là ‘người ta có dạy như thế nào cũng cấm cháu không được giơ tay phát biểu. Để cho người ta dạy’. Bởi vì người ta rất hiểu bây giờ thông tin đa chiều nên có nhiều điều người ta nói sai lệch. Có thể cán bộ xã ở vùng sâu vùng xa người ta thích nghe nhưng đối với mình việc nhồi nhét những điều không thực tế, không chính xác vào đầu thì cảm thấy rất là lố bịch. Vào lớp học người ta dạy đúng như một con vẹt. Mình cũng là một giáo viên, dạy thế nào thì phải rất khéo léo. Thời buổi này đâu có thể thích nói hưu nói vượn là được. Mình đi học thì mới biết được trong lớp học là như thế. Chắc chắn là học để biết thôi. Không vào Đảng.”

Khi đề cập đến Đảng CSVN, hơn bao giờ hết, đại đa số người dân trong nước đều cho rằng đó là tập hợp của một nhóm người “ăn trên ngồi trước”. Những người tham gia vào Đảng ngày nay thường vì mục tiêu tư lợi cho bản thân, dễ dàng trong con đường quan lộ hơn là thực tâm cống hiến và phục vụ cho xã hội, cho nhân dân như lý thuyết vốn dĩ ban đầu được đề ra của Đảng CSVN. Trong thời gian gần đây, Đảng CSVN được dư luận đánh đồng với “lợi ích nhóm”.

Câu hỏi đặt ra có phải nhiều đảng viên của Đảng CSVN vào Đảng đúng theo như nhận xét của công luận? Người đảng viên không muốn nêu tên cho biết thêm:

“Cái này nói chung không phải mình mà rất nhiều. Người ta tham gia thì có rất nhiều yếu tố, như cho tương lai. Như bọn mình có thẻ Đảng thì nhiều cái có lợi hơn trong công việc hay có một lý lịch sạch, chẳng hạn. Đơn giản vậy thôi.”

Lời bộc bạch này không đại diện cho tất cả đảng viên Đảng CSVN. Tuy nhiên, nỗi lo sợ niềm tin của người dân đối với Đảng bị đánh mất mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề cập đến không phải là không có cơ sở. Trong bài viết “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch” của ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh Nhà nước của dân, do dân và vì dân được toàn dân ủng hộ nhưng Chủ tịch nước đã không bàn đến phương hướng chuyển đổi mà lòng dân đang trông đợi thì con thuyền chở 90 triệu dân VN do Đảng CSVN lèo lái chắc chắn sẽ chìm vì thời đại nào sức dân cũng mạnh như nước.

Hòa Ái

Theo rfa

Chuyên đề: ,

5 ý kiến dành cho “Niềm tin đối với Đảng”

  1. Phanphitieu 06/09/2014

    Đừng noí còn tin vào đảng mà phaỉ hỏi còn bao nhiêu người tin vaò đảng, hay có mấy triệu đảng viên mới tin vào đảng.

    Reply
  2. mini 07/09/2014

    Hồi 1954 bố mẹ tôi khi tham gia cách mạng nói “đến đời con cháu sẽ sướng rồi”. Nhưng họ không biết rằng, rồi cũng “sướng” bằng họ mà thôi, có khi lại còn khổ hơn. Ví dụ: xưa dân có ruộng, nay ruộng bị lấy làm khu CN, xây nhà thương mại… nếu còn thì là ruộng của Nhà nước. ĐCS hiện đã trở thành bộ phận đối lập với toàn dân. Tôi ghét họ.

    Reply
    • Nguyễn Minh Tiến 07/09/2014

      “Tôi ghét họ”
      Họ ở đây bao gồm cả Bố, Mẹ @ đã tham gia cách mạng để xây dựng nên chế độ hiện nay.

      Sao @ không băm cho họ vài nhát?

      Reply
      • Phong 07/09/2014

        Không hiểu mini nói gì à? Tôi ghét họ là ghét ĐCS, còn bố mẹ mini là bị lừa bởi lời nói “đến đời con cháu sẽ sướng rồi”.

        Reply
        • Nguyễn Minh Tiến 09/09/2014

          Trong đoạn văn của mini có câu: “Hồi 1954 bố mẹ tôi khi tham gia cách mạng…”

          Từ câu trên có thể hiểu là Bố, Mẹ mini đã tham gia cách mạng từ năm 1954 nghĩa là đã cùng ĐCS đánh đuổi thực dân Pháp giành lại chính quyền và “có thể” cũng là Đảng viên Đảng cộng sản nũa cũng nên, mới có niềm tin “đến đời con cháu sẽ sướng rồi”.

          Đối với mini, chẳng lẽ thay vì tự hào gia đình mình có công với đất nước lại đi thừa nhận Bố, Mẹ mình đã bị lừa khi tham gia Cách mạng, biết thế năm 1954 Bố, Mẹ nên đi làm Việt gian cho con hài lòng vì cái chế độ do Bố, Mẹ đổ xương máu mới giành được lại bị chính con của mình chối bỏ..

          Các bậc lão thành Cách mạng, những người có công với đất nước chẳng bao giờ giáo dục con em mình suy nghĩ như vậy. Chẳng biết Bố, Mẹ mini ngày xưa có tham gia Cách mạng đến ngày thắng lợi hay không?

          Reply

Ý kiến bạn đọc