Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Luật sư Võ An Đôn bảo vệ người dân, không sợ cường quyền
Theo thống kê trong vỏn vẹn 3 năm từ 10/2011 đến 9/2014) đã có 226 trường hợp người dân bị tử vong trong đồn công an cũng như các trại tạm giam làm dư luận bàng hoàng, nhiều người đặt dấu hoài nghi khi nguyên nhân cái chết được thông báo là do “bệnh lý” và “tự sát”.

Nhiều trường hợp bị đánh ép cung đến mức tử vong, điển hình của việc ép cung là người bị án oan 10 năm Nguyễn Thanh Chấn mô tả “mày có khai không, tao cho mày chết” (theo vnexpress).  Ông Chấn bị ép khai nên ông bị án oan 10 năm, nhưng giả sử như ông không khai thì khả năng ông cũng sẽ bị đánh tử vong như bao nghi phạm khác.

Khi nạn nhân tử vong trong đồn công an, người dân cũng khó mà cầu cứu ai bởi đa phần các luật sư không muốn gặp rắc rối với công an. Điển hình như vụ hơn 100 người mang quan tài nạn nhân bị đánh chết đến Ủy ban Nhân dân Phường Bình Ngọc (Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) đòi công lý, nhưng cũng không thu được kết quả gì.

gieu quan tai 2

Ngày 18/10/2014 Người dân đem quan tài biểu tình phản đối công an Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đánh chết người và tạo chứng cứ giả để trốn tránh trách nhiệm. Ảnh của người dân chụp

Vậy người dân biết tìm công lý ở đâu, ai sẽ là người bảo vệ họ?

Luật sư của người dân

Một luật sư trẻ đã bỏ qua công danh sự nghiệp, bất chấp rủi ro nguy hiểm đã đứng ra bảo vệ giúp đỡ miễn phí cho người dân, đó là luật sư Võ An Đôn. Từ khi có được chứng chỉ hành nghề luật sư, ông đã  hỗ trợ pháp lý cho 200  người nghèo mà không lấy của họ một đồng nào, đặc biệt vụ án nhạy cảm liên quan đế công an đánh chết người, hành động này được người dân Phú Yên quê ông cảm phục.

Trong vụ án nạn nhân Ngô Thanh Kiều bị 5 công an ở Phú Yên dùng nhục hình đánh đến chết, nhiều công an khác vẫn thản nhiên trước kêu thét vì đau đớn của nạn nhân, khi nhận giúp cho gia đình nạn nhân vụ án này, phóng viên Báo Pháp Luật TPHCM hỏi “Khi đối đầu với công an, luật sư có lo ngại gì không?”, luật sư Đôn thừa nhận: “Tôi bị rất nhiều áp lực. Trước hết là áp lực từ những người thân trong gia đình, bạn bè, kể cả đồng nghiệp nói rằng không nên làm vì công việc rất khó khăn, đụng chạm đến lực lượng công an. Thế nhưng tôi nghĩ người làm đúng thì không việc gì phải ngại người làm sai”.

Trong phiên tòa sơ thẩm luật sư Đôn đã đề nghị truy tố ông Lê Đức Hoàn lúc ấy đang là Phó Giám đốc Công an TP Tuy Hòa, là người trực tiếp yêu cầu các công an điều tra lấy lời khai dẫn đến bức tử anh Ngô Thanh Kiều.

ngày 24 tháng 11 năm 2014, VKSND Tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố ông Hoàn về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngay sau phiên tòa sơ thẩm này luật sư Đôn bị ba cơ quan là Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án TP Tuy Hòa gửi kiến nghị đến Đoàn Luật Sư yêu cầu rút chứng chỉ hành nghề luật sư của ông vì có hành vi mà ba cơ quan này gọi là “thiếu văn hóa”.

Hành vi gọi là “thiếu văn hóa” này là do tại phiên tòa sơ thẩm xử vụ 5 công anh đến chết nạn nhân Ngô Thanh Kiều, luật sư Đôn đã có nhiều lời lẽ xúc phạm đến người tham gia tố tụng, và sau phiên tòa luật sư Đôn trả lời báo chí trong ngoài nước đã có những lời lẽ “mất trật tự an ninh chính trị”. Kiến nghị cũng có cáo buộc luật sư Đôn “vi phạm đạo đức nghề nghiệp”.

Thế nhưng sự thật trong phiên tòa luật sư Đôn dùng lời lẽ đúng chức phận của một luật sư, và sau phiên tòa ông chỉ trả lời phóng vấn báo chí sự tình vụ án thôi.

Sau khi biết sự việc này nhiều người dân đã lên tiếng ủng hộ luật sư Đôn. Nhiều người cho biết đây là đòn thù nhắm vào luật sư. Trong số những người ủng hộ có cả báo chí và giới chuyên môn, hàng trăm người đã đứng tên viết thư gửi cho các cơ quan hữu trách.

Trong lúc kiến nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư chưa giả quyết xong thì Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên lại quyết định thanh tra văn phòng luật sư Võ An Đôn.

Đây được xem là một hành vi trả đũa nữa nhắm vào luật sư Đôn, vì ông đã đưa ra ánh sáng vụ công an dùng nhục hình dẫn đến cái chết của Ngô Thanh Kiều. Luật sư Đôn nói với Báo Người Lao Đông rằng: “Dường như họ cố làm tôi phân tâm, không còn tâm trí ra tòa bảo vệ quyền lợi cho gia đình nạn nhân”

Trả lời kiến nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề của luật sư Đôn, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tuyên bố luật sư Võ An Đôn hoàn toàn không có sai phạm gì cả. Kết luận này cho thấy dũng khí của luật sư trẻ cộng với tiếng nói của công luận đang tạm thời chiến thắng các thế lực muốn trù dập ông.

Sau khi có thông báo của Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, nhiều phóng viên đã chia sẽ niềm vui với luật sư Võ An Đôn, ông chia sẻ với báo RFA rằng: “đối với em thì em vui mừng ít ít thôi bởi vì đây cũng là chiến thắng tạm thời con đường phía trước còn rất nhiều chông gai vì người ta sẽ tìm mọi cách để trả thù em tiếp, thua keo này họ bày keo khác thôi. Đối với em thì phía trước là cạm bẫy, một con đường rất là chông gai không biết điều gì xảy ra với em trước được.”.

Gia cảnh của luật sư trẻ

Luật sư Võ An Đôn sinh năm 1977 có một văn phòng luật sư và cũng là ngôi nhà nhỏ bé nằm ở vùng quê hẻo lánh xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.

vo an don

Anh nông dân Võ An Đôn. Ảnh VOA

Chị Ngô Thị Tuyết là chị ruột của anh Ngô Thanh Kiều người bị 5 công an tra tấn tới chết kể lại việc luật sư Đôn bào chữa cho gia đình mình trên trang RFA: “Từ khi nhận bào chữa cho gia đình tới giờ luật sư Đôn thấy gia đình nghèo mà cháu nhỏ lại mồ côi cho nên Đôn nhận làm miễn phí từ đầu đến giờ. Trải qua bốn phiên tòa rồi thậm chí mua một chai nước cho Đôn mà Đôn cũng không uống nữa. Nói chung cái nghề chánh ở vùng quê này thì nghèo lắm nhà ai cũng vậy hết, nhà của luật sư Đôn thì cũng như nhà bọn em thôi cũng nghèo lắm, cũng làm nông cũng làm mấy công ruộng, nuôi bò nuôi gà, vịt để sống thôi.

Còn Đôn tiếng là luật sư nhưng mỗi một lần em đến nhờ viết đơn giùm thì em cũng thấy nhiều gia đình đến nhờ tư vấn pháp luật nhưng Đôn làm miễn phí hết lý do là vì người ta cũng nghèo như mình chị à. Hoàn cảnh của Đôn rất là khó khăn đặc biệt. Cha Đôn 85 tuổi rồi nhưng bệnh thường xuyên bây giờ cũng đang nằm bệnh viện ở Sông Cầu còn vợ Đôn mới vừa sinh con nhỏ nay khoảng hai tháng còn cháu lớn mới có mấy tuổi thôi.”

Dù là luật sư nhưng do bào chữa và tư vấn miễn phí cho người nghèo, nên để kiếm sống luật sư Đôn cũng phải cày bừa, trồng trọt, cuốc đất để nuôi gia đình. Hàng ngày hai vợ chồng vừ chăm sóc 2 con nhỏ, vừa chăm sóc 2 sào ruộng cùng đàn bò.

Biết hoàn cảnh luật sư Đôn khó khăn, một số đồng nghiệp ở Sài Gòn và Hà Nội muốn luật sư đến hai nơi ấy làm việc, một là để bớt khó khăn, hai là để tránh bị trù dập bởi các quan chức địa phương, nhưng anh đã từ chối:điều kiện hoàn cảnh của em hiện tại thứ nhất là có con nhỏ, hai con còn quá nhỏ, hai nữa cha quá già công việc đồng áng làm nông không thể nào bỏ đi được. Nhưng cái mà em nặng lòng nhất đối với quê hương hiện tại là tỉnh của em rất là nghèo. Đồng bào gặp sự cố, đối tượng cần trợ giúp pháp lý rất nhiều nếu em bỏ đi thì em sẽ không giúp được gì cho người ở quê hương mình cho nên tuy vào đó thì công việc tốt cho em nhưng mà về mặt gia đình và xã hội thì không gúp được gì cho nên em không đi và ở lại để giúp bà con thuận lợi hơn.” Luật sư chia sẻ trên RFA.

gia dinh vo an don 2

Gia đình luật sư Võ An Đôn. Ảnh nld

Gia đình của luật sư mới thêm thành viên là cô con gái nhỏ, luật sư Đôn đặt tên là Võ Thị Công Lý, bởi lẽ ‘công lý’ là điều mà luật sư Đôn luôn theo đuổi bảo vệ dân nghèo.

chan bo

Sau giờ lên tòa, công việc của LS Đôn là phụ vợ chăm con và đàn bò. Ảnh nld

Biết gia cảnh luật sư Đôn gặp khó khăn, bố lại bệnh nặng. Giới luật sư trong nước và bạn đọc đã hỗ trợ gia đình anh 40 triệu đồng. Nhờ số tiền này mà luật sư Đôn mới có tiền đưa bố điều trị tại bệnh viện chức năng Long Thủy và mua sữa cho con nhỏ.

Con đường vẫn tiếp tục phía trước

Mới đây luật sư Võ An Đôn cùng với luật sư Trần Văn Đạt lại tiếp tục bảo vệ miễn phí cho gia đình em Tu Ngọc Thạch 14 tuổi, học sinh cấp 2 ở Khánh Hòa bị công an xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh đánh chết vào năm 2013.

Cuối tháng 3 vừa rồi, Tòa án đã kết thúc phiên phúc thẩm, chấp nhận hủy án sơ thẩm để xem xét lại. Nhưng lời đề nghị của luật sư Đôn khởi tố tòa án cấp dưới vì đã “ra bản án trái pháp luật,” “bao che tội phạm,” “giảm nhẹ hình phạt” cho các bị cáo công an lại không được chấp nhận.

Ông Tu Ngọc Hoài, bố của em học sinh lớp 9 Tu Ngọc Thạch bị công an đánh chết ở Khánh Hòa xúc động cho VOA biết: “Luật sư Đôn ở Phú Yên tư vấn, biện hộ cho gia đình tôi miễn phí không lấy một đồng bạc nào hết. Luật sư Đạt cũng vậy. Hai luật sư này có tấm lòng quảng đại lắm. Gia đình tôi rất cảm ơn. Hai luật sư đã biện hộ giúp lấy lại công bằng cho đứa con tôi đã chết. Tôi mong họ mau sớm điều tra vụ việc của con mình. Vụ này mà bị bỏ lơ thì vụ khác họ lại bắt chước. Vụ này mà làm sáng tỏ thì làm gương cho những kẻ khác. Luật sư Đôn và luật sư Đạt vừa có tài vừa có đức, mình không biết dùng lời nào để cảm ơn họ. Tôi mong muốn, yêu cầu pháp luật, chính quyền Việt Nam, những nhà lãnh đạo làm sao phải minh chính, minh bạch, công minh, công lý. Tôi và vợ tôi lúc nào cũng đau đớn vì đứa con mình không có tội lỗi gì hết, nó là người nhỏ vô tội mà, đâu biết gì đâu mà họ đánh đập tàn bạo như vậy. Gia đình tôi đau đớn, lúc nào cũng đau buồn, thậm chí không thể nào mà bước chân đi làm.”

Và con đường tìm lại công lý cho người dân nghèo của luật sư Võ An Đôn lại tiếp tục, đầy chông gai và nguy hiểm, đồng hành ủng hộ với luật sư Đôn là các luật sư đồng nghiệp và tiếng nói của cộng đồng người dân.

Cập nhật thông tin:

Mới đây trên facebook của mình, luật sư Võ An Đôn thông báo mình đã bị xóa tên khỏi luật sư đoàn. Facebbok thông như sau:

Sau khi Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên xóa tên tôi khỏi danh sách Đoàn luật sư, về danh nghĩa tôi không còn là luật sư.

Vì yêu nghề và muốn giúp người dân nên tôi tiếp tục hành nghề luật: tư vấn pháp luật; soạn thảo đơn thư khiếu nại, tố cáo, khởi kiện; nhận ủy quyền cho nguyên đơn và bị đơn đến tòa tham gia tố tụng; tranh tụng tại tòa với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, hành chính, lao động, kinh tế thương mại, vay mượn tài sản.

Theo qui định pháp luật thì tôi chỉ khác luật sư duy nhất một điều: Tôi không được làm luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo trong vụ án hình sự (người bị kết án tù).

Bà con, cô bác, anh chị gần xa có nhu cầu về pháp lý hãy đến với tôi. Riêng đối với người nghèo, người cô thân yếu thế, người đồng bào dân tộc thiểu số, người bị oan, trẻ em dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai bị ức hiếp, phân biệt đối xử… hoàn toàn miễn phí.

Địa chỉ liên hệ: khu phố Phước Thịnh, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Điện thoại: 0932554399.

 

Ánh Sáng


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc