Home » Xã hội » Các đại biểu QH kiến nghị cần tinh giản bộ máy quản lý

Sáng 29-3, các đại biểu quốc hội đã đưa ra những ý kiến thẳng thắn về việc nên giảm bớt các tổ chức đoàn thể, nhất là các đoàn thể sử dụng ngân sách nhà nước bằng cách hợp nhất lại, bớt cán bộ trung gian, cán bộ phong trào.

ĐBQH Đỗ Văn Đương: Chi lương 1 triệu tỷ đồng, lấy đâu cho đầu tư phát triển?

ĐB Đỗ Văn Đương (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Phát biểu tại QH sáng 29-3, ĐB Đỗ Văn Đương nói ngân sách tính riêng cho việc chi lương cả khối viên chức, lực lượng vũ trang thì tới 1 triệu tỷ đồng/năm, bằng ngân sách cả một năm của đất nước, thế thì ăn hết rồi lấy đâu ra mà đầu tư phát triển?

Sáng 29/3 Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao. Các đại biểu đã thẳng thắn cho ý kiến về các vấn đề cần tinh giản biên chế; ngăn chặn vấn nạn mua bán chức quyền…

Bộ máy cồng kềnh

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh), Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế nói hạn chế của Chính phủ là bộ máy vẫn cồng kềnh, nhiều trùng lắp, chồng chéo các lĩnh vực quản lý giữa các bộ như Bộ Nông nghiệp với Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Thông tin – Truyền thông với Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch; Bộ Giáo dục – Đào tạo với Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội…

Ông Phúc đề nghị nhiệm kỳ tới phải tinh giản bộ máy quản lý trên cơ sở ngân sách do Quốc hội quyết định, không nên cứ “đẻ” ra bộ máy rồi lại trình duyệt ngân sách nuôi bộ máy ấy. Chính phủ nhiệm kỳ mới cần phải lập lại kỷ cương kỷ luật, ý thức chấp hành, thượng tôn pháp luật, xử lý nghiêm minh công chức vi phạm.

Còn đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng “hiện tượng “phình” ra, số người sống dựa vào ngân sách là từ các khối cơ quan khác nhau. Ngân sách tính riêng cho việc chi lương đã khoảng 400.000 tỷ đồng/năm, tính chung cả khối viên chức, lực lượng vũ trang thì tới 1 triệu tỷ đồng/năm, bằng ngân sách cả một năm của đất nước, thế thì ăn hết rồi lấy đâu ra mà đầu tư phát triển?”- ĐB Đương đặt câu hỏi.

Theo ĐB Đỗ Văn Đương, cần phải cắt giảm bộ máy hành chính bằng nhiều biện pháp; nhất thể hoá một số cơ quan Đảng với chính quyền, chẳng hạn như ở Lào là huyện trưởng, tỉnh trưởng để nói đi đôi với làm, tránh nói một đằng, làm một nẻo, không sợ quyền lực tập trung vào một người. “Tôi chỉ sợ nói không đi đôi với làm và sợ trách nhiệm. Đấy là cái người ta sợ nhất” – ông Đương nói.

Mặt khác, nên giảm bớt các tổ chức đoàn thể, nhất là các đoàn thể sử dụng ngân sách nhà nước bằng cách hợp nhất lại, bớt cán bộ trung gian, cán bộ phong trào. “Trực tiếp làm ra sản phẩm, làm lấy mà ăn, không làm được thì thôi, đừng có dựa dẫm ăn bám nhà nước”– ĐB Đương nói thẳng.

Ông Đương dẫn chứng, riêng việc thực hiện luật tổ chức chính quyền địa phương đã làm phát sinh thêm hàng chục ngàn biên chế ở Hội đồng nhân dân các cấp. Trong khi đó, việc rà soát để tinh giản biên chế lại chỉ đưa ra con số 1% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ mà dư luận vẫn hiểu rằng có tới 1/3 công chức “cắp ô”, không làm gì. Đó chính là những nghịch lý khiến bộ máy không ngừng phình ra và tiền chi lương vẫn ngốn lớn.

Chạy chức, chạy quyền dễ dẫn đến tham nhũng

Về chạy chức chạy quyền, theo ông Đương, người dân đang đặt những câu hỏi nghi vấn, đó có phải là sự thật, vì sao người ta thích chạy và vì sao chạy được đến giờ vẫn chưa có lời giải đáp.

“Chạy dẫn đến nhiều bất công rất lớn, cần xem lại xem có việc chạy chức, chạy quyền không vì đó không chỉ là chỗ tham nhũng lớn mà còn là nơi “đẻ” ra tham nhũng vì khi đã bỏ tiền “chạy”, đầu tư ban đầu thì người đầu tư sau đó ắt phải vơ vét để bù lại. Tệ nạn này như vi khuẩn, virus đã xâm chiếm nhiều quá rồi, nếu không bốc thuốc đúng, virus kháng thuốc thì còn phát triển hơn nữa” – ông Đương ví von.

Theo daikynguyenvn.com

Chuyên đề:

2 ý kiến dành cho “Các đại biểu QH kiến nghị cần tinh giản bộ máy quản lý”

  1. Ba Lap 01/04/2016

    Không nên lải nhải vấn đề này nữa! Nên thay câu này bằng câu “Đả đảo tăng biên chế”!

    Reply
  2. Đồng Bằng 01/04/2016

    Cán bộ đoàn thể là biên chế Nhà nước đã là trái quy luật tổ chức Nhà nước rồi. Hồi đầu CM cán bộ đoàn thể làm gì có lương mà vẫn phát huy tác dụng tốt. Bây giờ nên Lập Bộ Thanh niên và đưa MTTQ thuộc Chính phủ trong đó kiêm việc của các ban thuộc CP như Ban tôn giáo và làm những viêc quản lý Nhà Nước về các đoàn thể và phối hợp vớ Bộ thanh niên. Các đoàn thể còn lại hoạt động theo phương thức xã hội hóa. Từ đó mà suy ra các tổ chức khác gom lại hoặc giải thể.

    Reply

Ý kiến bạn đọc