Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Sinh viên đi du học nước ngoài nhưng trở lại nước làm thì ít
Đa phần các sinh viên đi du học nước ngoài thường không muốn trở về nước , phục vụ cho nước mình . Vậy nguyên nhân là do đâu?

>> Vì sao du học sinh Việt Nam một đi không trở về

>> Vì sao nhân tài cứ phải ra đi

Người tài – đi nhiều, trở lại ít.

Chuyện 12/13 quán quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, nhận học bổng đi học ở nước ngoài, xong đã không về nước làm việc một lần nữa lại làm nóng hội trường Quốc hội

Dư luận lại bàn ngược, bàn xuôi chuyện vì sao người tài ở nước ta, ra nước ngoài học đã “đi nhiều, trở lại ít”.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa – ĐBQH đoàn TP Hồ Chí Minh tại nghị trường Quốc hội ngày 2.11 nói rằng, đó là điều đáng tiếc, lãng phí nguồn nội lực quý báu, và cũng bởi do chúng ta thiếu những cơ chế phù hợp để khai thác và phát huy nguồn lực này.

Không phải đến bây giờ chuyện “lãng phí nguồn nội lực quý báu” mới được khơi lại. Hẳn không nói thì ai ai cũng hiểu vì sao. Và nếu có trở lại thì cũng chỉ là những con số thật nhỏ nhoi.

40 năm qua, nước chúng ta có 228 lượt thí sinh đi tham gia Olympic Toán quốc tế, đoạt 52 HCV, 94 HBC và 67 HCĐ, 4 bằng danh dự và 1 giải đặc biệt.

Một con số mà các quốc gia nhìn vào phải kính nể.

Nhưng các học sinh ấy sau khi được đào tạo ở nước ngoài, họ đã thành những giáo sư, tiến sĩ mà tên tuổi gắn liền với các trường đại học danh giá trên thế giới, là những công trình nghiên cứu được đánh giá cao.

Và cũng chỉ có “lẻ tẻ” nhân tài ấy về nước như GS Hoàng Lê Minh, Đỗ Đức Thái, Lê Bá Khánh Trình, Phan Thị Hà Dương…

Người tài - đi nhiều, trở lại ít - 1

Phần lớn các du học sinh đi học tại nước ngoài không muốn về nước (Ảnh minh họa)

Và cũng đã có câu hỏi, phải chăng những nhân tài ấy không yêu nước?

Nhưng, đừng vội “đổ tội không yêu nước” cho những tài năng, những nhà khoa học mà thế giới cũng phải “nghiêng mình” ngưỡng mộ như GS Ngô Bảo Châu, Lê Tự Quốc Thắng, Đàm Thanh Sơn, Ngô Đặc Tuấn…

Chúng ta hãy nghe lời “trần tình” đầy khách quan của Giáo sư Toán học Cedric Villani ( Pháp), giành giải thưởng Fileds 2010: Việt Nam luôn được vinh danh là một quốc gia có nhiều tài năng toán nhất trên thế giới.

Nhưng lại rất ít nhà toán học lại chọn làm việc tại Việt Nam.

Ngược lại, ở nước Pháp thì, phần lớn các tài năng toán học lại chọn việc phụng sự quốc gia.

Tuy Việt Nam có xuất phát điểm về tài năng toán học nhiều hơn Pháp, nhưng lại thiếu “điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc tài năng”.

Nói tóm lại là các tài năng toán học có về nước thì cũng thiếu hoặc là không có “đất để dụng võ”, không có điều kiện để phát triển tài năng.

Giả sử nếu như GS Ngô Bảo Châu về nước, liệu rằng ông có điều kiện để trở thành người nổi tiếng, hàng đầu về toán học?

Trong khi đó, ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH&CN thì thẳng thắn: Mời những nhà nghiên cứu về làm việc ở nơi không thiết bị, thiếu những điều kiện làm việc tối thiểu nhất, không đồng nghiệp cùng trình độ thì chắc chắn tài năng của họ cũng thui chột dần.

Còn “người trong cuộc” cũng đã từng lo lắng, liệu về nước có rơi vào cảnh “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, liệu có chen chân vào được vị trí là việc mà những cuộc thi tuyển chỉ mang tính hình thức, trong khi “ luồn cửa sau” chắc chân hơn “thi cửa trước”.

Cuộc thi tuyển dụng công chức TP Hà Nội năm 2015 có đến 50% thủ khoa, thủ khoa xuất sắc trong nước và có bằng loại giỏi nước ngoài không đạt khi sát hạch.

Và cuộc thi tuyển công chức ở Vụ Quản lý thị trưởng (Bộ Công Thương) thì lộ ra toàn con với cháu trúng tuyển. Chuyện ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) có “cả họ làm quan”, rồi Ngân hàng NBPTNT thì “tặng không” 30 điểm cho con cán bộ trong ngành…

Nạn “Chạy công chức” khiến người tài không có đất dụng võ.

Thật nghịch lý, trong khi các địa phương, bộ, ngành đang chi cả nghìn tỷ đồng từ ngân sách để bồi dưỡng nguồn nhân lực, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước, nhưng nhân tài ở nước ta vẫn cứ là “Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu”.

Hút nhân tài, trọng dụng người tài không chỉ là những lời hô hào mang tính khẩu hiệu.

Theo GS toán học Cedric Villani nước Pháp rất thành công trong việc giữ và hút người tài là do Chính phủ đã sử dụng hiệu quả chính sách hỗ trợ tài chính cho người tài. 

Việt Nam chỉ khi triệt tiêu được tận gốc vấn nạn “con ông cháu cha”, tổ chức tuyển dụng minh bạch, công khai, có chính sách lương thưởng xức đáng, may ra người tài mới có chỗ để dừng chân về nước và cống hiến tài năng.

Lê Nguyễn
Theo khampha.vn

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc