Home » Xã hội » Thực trạng thi tuyển công chức hiện nay
Tháng 4 vừa qua Bộ Chính trị đã cho công bố nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Điều này cho thấy bộ máy cán bộ công chức cồng kềnh đang là vấn nạn cần giải quyết hiện nay.

thi cong chuc

Nghị quyết 39 nhằm tinh giản biên chế, tạo ra bộ máy công vụ gọn hẹ, hoạt động hiệu quả, và đánh giá chính xác năng lực công chức, trong đó việc đánh giá công chức qua thi tuyển rất quan trọng.

Về thi tuyển công chức báo chí trong nước vừa đưa tin Sở Nội vụ Hà Nội công bố kết quả thi công chức năm 2015, có 30 thí sinh thuộc dạng đặc cách xét tuyển đã không qua được kỳ sát hạch.

Dạng đặc cách xét tuyển là không phải thi tuyển, nhưng phải qua một cuộc sát hạch.

Trong số 30 thí sinh này, thì 5 người có bằng thạc sĩ loại giỏi và xuất sắc ở nước ngoài các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, quản trị tài chính, kỹ thuật hóa học và ngữ văn. Các thí sinh còn lại đều là thủ khoa xuất sắc trong nước, cử nhân bằng giỏi nước ngoài.

Vậy sát hạch cụ thể là gì mà dạng đặc cách xét tuyển bị rớt nhiều đến thế? Nội dung sát hạch cụ thể bao gồm kiến thức về công vụ, công chức, quản lý nhà nước chuyên ngành, sọan thảo văn bản.

Nhiều người không ngạc nhiên về kết quả thi này vì những thí sinh học ở nước ngoài về dù giỏi về kiến thức nhưng lại không hiểu về các thủ tục hành chính trong nước, trong đề thi có cả luật hành chính, công vụ không liên quan đến kiến thức của họ.

Các thí sinh học nước ngoài về chưa làm cho cơ quan nhà nước bao giờ nên không hiểu về guồng máy tổ chức thì chắc chắn họ làm bài không tốt so với những người có kinh nghiệm làm việc trong guồng máy này.

Ở nước ngoài việc thi tuyển công chức chỉ qua phỏng vấn, chứ không thi về thủ tục hay luật, vì những thứ đó chỉ trải qua làm việc là nắm được.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: Nhân đây cũng cần xem lại cách tổ chức thi tuyển công chức, viên chức. Trước hết, cần xem nội dung thi tuyển có thật sự phù hợp với vị trí cần tuyển dụng không” (Báo Dân Việt).

Ông Dong cũng chia sẻ trên Báo Dân Việt rằng: “Thi công chức như ta từng làm chưa chắc đã chính xác, khó tìm được người giỏi. Hơn nữa, đây không phải là cách thi tuyển công chức mẫu mực. Do đó, để người giỏi làm việc phải dựa vào năng lực cụ thể. Ngược lại, nếu tuyển dụng dạng “công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” vào làm việc sẽ “chết” bộ máy hành chính sự nghiệp”.

GS.TS Phạm Huy Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Thăng Long lại cho Báo Dân Việt biết rằng: “nên xem lại cách thức thi tuyển có thật sự khách quan, tránh làm theo hình thức. Tuy vị trí đó còn “chỗ”, nhưng lại “nhắm” cho người khác từ trước.”

Lời phát biểu của ông Dũng là có cơ sở, qua thanh tra việc thi tuyển công chức thì ngành nào cũng có tiêu cực, nhiều kỳ thi công chức bị hủy kết quả.

Ví như vào đầu năm nay thanh tra Bộ Nội vụ đã hoàn tất thanh tra tuyển công chức của Bộ Công thương, phát hiện nhiều vi phạm trong chấm thi cũng như bảo mật đề thi.

Đoàn thanh tra đã kiểm tra việc thi tuyển từ tháng 8/2011 đến tháng 8/2014, Bộ Công thương đã tổ chức 16 đợt thi, nhưng có đến 6 đợt thi không công bố công khai, 11 đơt thi không thông báo đầy đủ. Hồ sơ dự tuyển không đúng theo quy định, có trường hợp bằng cấp không đúng với chuyên môn dự tuyển nhưng vẫn thi và đậu.

Việc chấm thi cũng nhiều sai phạm như không có biên bản chấm thi, có 2 kỳ thi không chấm thi tại điểm quy định, tổ chức chấm phúc khảo trái quy định. Và còn rất nhiều các sai phạm khác.

Đặc biệt thực tế hiện nay hầu như nơi nào cũng có tự ý tổ chức thi tuyển công chức mà không xin ý kiến cơ quan chủ quản, nhiều đơn khiếu nại về tệ nạn thi tuyển công chức nhưng không được xem xét.

Từ thực tế đó cho thấy việc tuyển công chức hiện nay chưa có một cơ chế thích hợp để tuyển được người giỏi, đồng thời còn nhiều sai phạm tạo điều kiện cho công ông cháu cha hay chạy chức chạy quyền lọt vào bộ máy công chức nhà nước.

Nếu không có thay đổi, thì với hiện trạng như nhiện nay việc tuyển chọn người giỏi sẽ ít, mà con ông cháu cha thì nhiều. Và vấn nạn công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” vẫn tồn tại.

Ngọn Hải Đăng

Theo daikynguyenvn


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc