Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Giáo viên thất nghiệp ngày càng tăng, số phận các trường sư phạm sẽ ra sao

Ngày 9/11, tại Hà Nội, Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức tọa đàm “Vai trò các trường cao đẳng sư phạm trong những năm tới”.

ĐH Sư Phạm

Trường ĐH Sư Phạm ở Sài Gòn. Ảnh youtube

Thực trạng

Mở đầu cuộc tọa đàm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho biết tình trạng đào tạo giáo viên ồ ạt, phân bổ giáo viên thì nơi thừa nơi thiếu. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, khó hội nhập quốc tế.

TS.Lê Viết Khuyến – Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học cho biết, theo thống kê ngành giáo dục, năm 2014, cả nước thừa 35.000 giáo viên cấp THCS và THPT (chưa tính đến giáo viên mầm non và tiểu học).

Nếu như năn học 1995 – 1996 có 492.000 giáo viên, đến năm học 2013-2014 con số này đã đạt 855.000,tương ứng với 14,9 triệu học sinh.

Trước đó là năm học 2012-2013, tổng số giáo viên là 847.000 tương ứng với 14,74 triệu học sinh. 

Số lượng giáo viên tăng nhanh, trong khi đó số lượng học sinh tăng rất chậm, thậm chí không tăng, khiến cho số lượng giáo viên thừa rất nhiều.

Trong khi giáo viên đang thừa, nhưng hệ thống đào tạo giáo viên vẫn mở rộng với 108 cơ sở đào tạo giáo viên, trong đó có 9 trường đại học sư phạm và 1 trường đại học giáo dục, 31 khoa sư phạm đại học, 35 trường cao đẳng sư phạm, 19 khoa sư phạm cao đẳng, 3 trường trung cấp sư phạm.

Dù ngành sư phạm đã giảm chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng số lượng chỉ tiêu còn rất nhiều. Hệ đại học chính quy từ 22.500 đến 23.000, còn hệ cao đẳng sư phạm chính quy là 24.500 đến 26.000.

Do đó, số lượng giáo viên đã thừa rất nhiều, nhưng sau mỗi năm lại có thêm rất nhiều giáo viên mới ra trường, khiến số lượng giáo viên thừa đều tăng cao qua mỗi năm, tình trạng giáo viên thất nghiệp tăng mạnh.

Ông Khuyến dẫn chứng theo báo cáo của PGS.TS Bùi Văn Quân thì đến năm 2020 sẽ thừa đến 70.000 giáo viên gồm: 41.000 giáo viên tiểu học; 12.200 giáo viên THCS, 16.900 giáo viên THPT.

Nhưng nếu các trường giảm tiếp chỉ tiêu đào tạo thì không đủ kinh phí để tồn tại, như vậy có cần đóng cửa các trường đào tạo giáo viên hay không đang là một dấu hỏi lớn.

Tại buổi tọa đàm, đại diện Trường Cao đẳng Nghệ An băn khoăn đặt câu hỏi: Nghị quyết Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục có yêu cầu từ năm 2020,  giáo viên tiểu học, THCS phải có trình độ ĐH. Vậy cao đẳng sư phạm đào tạo gì?

Các phương án được đề xuất

Ông Nguyễn Ngọc Vũ – Vụ trưởng Vụ kế hoạch- Tài chính thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo gợi ý việc quy hoạch lại, chỉ giữ lại một ít trường có chất lượng cao. Các trường dư ra có thể sáp nhập vào các cơ sở đào tạo khác.

Ông Khuyến cũng cho biết trên thế giới họ tính toán số lượng giáo viên về hưu hàng năm, tỷ lệ thừa bao nhiêu, cần bổ sung bao nhiêu từ đó ổn định quy mô đào tạo nhưng Việt Nam chưa làm việc này. 

Không thực được như các nền giáo dục trên thế giới, ông Khuyến đưa ra giải pháp phân tầng hệ thống trường sư phạm thành các trường đại học sư phạm (đại học giáo dục) trọng điểm, các trường/khoa đại học sư phạm địa phương, các trường/khoa cao đẳng sư phạm địa phương. 

Thực hiện đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chủ yếu theo địa chỉ (không theo cơ chế thị trường). 

Hiện nay ngành giáo dục đào tạo giáo viên không theo nhu cầu, chính vì thế mà số lượng đào tạo luôn vượt số cầu, khiến số lượng giáo viên thất nghiệp ngày càng cao.

Văn Nhanh tổng hợp

Theo daikynguyenvn.com

Bài liên quan:

>> Các nền giáo dục tiên tiến tuyển chọn và đào tạo giáo viên thế nào

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc