Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Người nghèo chỉ được nhắc đến khi ra văn bản xin hỗ trợ cứu đói

Cứ cuối năm vào dịp cận tết, nhiều tỉnh lại gửi công văn xin gạo cứu đói. Năm nay đã có 12 tỉnh xin hỗ trợ gạo dịp tết nguyên đán, 3 tỉnh xin hỗ trợ lúc giáp hạt với, tổng số gạo xin hỗ trợ là 17.000 tấn.

>> 12 tỉnh xin cứu đói bên cạnh những tượng đài nghìn tỷ

Người dân nhận gạo cứu trợ do ảnh hưởng sự cố môi trường biển tại Quảng Bình. Ảnh: Minh Tuấn - nld.com.vn

Người dân nhận gạo cứu trợ do ảnh hưởng sự cố môi trường biển tại Quảng Bình. Ảnh: Minh Tuấn – nld.com.vn

12 tỉnh xin gạo cứu đói dịp tết nguyên đán gồm  Cao Bằng 625 tấn, Tuyên Quang 310 tấn, Yên Bái 397 tấn, Lào Cai 247 tấn, Thanh Hóa 650 tấn, Nghệ An 1.766 tấn, Quảng Trị 1.486 tấn, Quảng Ngãi 1.718 tấn, Bình Định 1.992 tấn, Ninh Thuận 1.134 tấn, Đăk Nông 400 tấn, Kon Tum 577 tấn; 3 tỉnh xin cứu đói lúc giáp hạt là Lai Châu, Lạng Sơn và Hà Nam.

Việc xin gạo cứu đói đã thành định kỳ suốt nhiều năm qua, cứ vào dịp giáp tết là các tỉnh lại gửi công văn xin cứu đói. Một số tỉnh được xem là có truyền thống vì thường xuyên xin gạo như Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An.

Tỉnh có nguồn thu cao cũng xin gạo

Giải thích cho việc này, các tỉnh cũng đều có các lý do khác nhau. Ví như Nghệ An dù có truyền thống cứu đói, nhưng được giải thích là lượng gạo xin để cứu đói đã giảm dần qua từng năm “Do nguồn thu hằng năm tăng, đời sống của người dân khá dần lên nên lượng gạo xin cứu đói trong dịp Tết nguyên đán của Nghệ An cũng giảm dần. Năm trước tỉnh xin hỗ trợ trên 3.500 tấn, năm nay còn khoảng 1.700 tấn” (ông Nguyễn Bằng Toàn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Nghệ An chia sẻ trên báo Người Lao Động ngày 5/1/2017).

Con số 1.766 tấn gạo xin cứu đói của Nghệ An tương đương với hơn 20 tỷ đồng, đây là một con số nhỏ so với con số dự toán thu ngân sách tỉnh năm 2016 là 10.310 tỷ đồng .

Dù thuộc một trong số các tỉnh có nguồn thu ngân sách thuộc diện cao trong cả nước, nhưng Nghệ An cũng được xem là tỉnh rất “chịu chi”. Năm 2015 Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Nghệ An đưa tin tỉnh đã có kế hoạch xây dựng khu trung tâm hành chính với chi phí xây dựng 2.200 tỷ nằm trên khu đất vàng 52.000 m2, gồm 2 tòa tháp cao 27 tầng.

Tuy nhiên cuối năm 2011, Thủ tướng đã ra văn bản yêu cầu ngưng xây dựng các trụ sở từ ngày 24/11 nên việc xây trụ sở này không thực hiện được. Số tiền 2.200 tỷ đồng này còn cao hơn rất nhiều lần số gạo cần cứu đói là 20 tỷ đồng .

Tại cuộc họp đánh giá tình hình thu chi ngân sách 2015, Sở Tài chính Tỉnh cho biết năm 2015 thu của Nghệ An là 10.038 tỷ đồng, nhưng chi còn cao hơn gấp đôi 20.783 tỷ đồng. Nên mặc dù là tỉnh có nguồn thu cao trong cả nước nhưng Nghệ An luôn bị bội chi ngân sách địa phương.

Một tỉnh khác có thu ngân sách 2016 cao là Thanh Hóa, sáng ngày 23/12 Cục Thuế tỉnh tổ chức tổng kết năm 2016 đã công bố nguồn thu ngân sách tỉnh trong năm là 11.300 tỷ đồng, đây là mức thu cao nhất của tỉnh từ trước đến nay, thế nhưng cuối năm tỉnh này vẫn nằm trong danh sách xin gạo cứu đói.

Ông Ngô Hoàng Kỳ, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa giải thích trên báo Người Lao Động rằng: “Thu ngân sách được bao nhiêu đều chuyển hết về trung ương, sau đó sẽ cân đối lại. Việc thu ngân sách là nằm ở mục thu, còn chi phải dựa trên cơ sở duyệt chi thì mới được phân bổ ngân sách, chứ có phải thu được bao nhiêu thì chi bấy nhiêu tùy thích đâu” .

Các tỉnh gặp nhiều thiên tai đến nay vẫn chưa xin cứu đói

Quảng nam là tỉnh thường xuyên xin cứu đói trước đây, thế nhưng năm nay việc này đã không còn lập lại. Theo thông tin từ báo Quảng Nam, thu ngân sách tỉnh năm 2016 đạt gần 20.000 tỷ đồng, tăng 39% so với năm ngoái và vượt 44% mức dự toán. 

Thừa thiên Huế là một trong bốn tỉnh miền trung chịu ảnh hưởng môi trường biển, thời gian qua chịu ảnh hưởng liên tiếp của mưa lũ, thế nhưng cho đến nay tỉnh vẫn chưa có công văn xin trợ cấp gạo .

Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động lý giải rằng trên báo Người Lao Động rằng: “Sau các đợt lũ dồn dập, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã xin hỗ trợ 1.000 tấn gạo cho người dân. Riêng gạo cứu đói vào dịp Tết, chủ trương của tỉnh là các huyện phải thẩm tra nhu cầu, tự lo cho dân, nếu vượt quá khả năng thì tỉnh sẽ hỗ trợ trước khi xin trung ương”.

Thứ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Trọng Đàm cho biết 20/1 là ngày cuối cùng các địa phương gửi văn bản xin hỗ trợ, vì thế con số 15 tỉnh xin hỗ trợ vẫn chưa phải là cuối cùng.

Người nghèo chỉ được nhắc đến khi ra văn bản xin hỗ trợ cứu đói

Cuối năm là dịp các địa phương đều tổ chức báo cáo tổng kết cuối năm và được đăng tải lại trên các website địa phương mình. Các báo cáo đều nêu bật thành tích đạt được trong năm, những tồn tại hạn chế chỉ nêu các vấn đề về đầu tư cũng như quản lý. Vấn đề người nghèo chỉ tổng kết những lần tặng quà, hỏi thăm.

Còn đời sống cụ thể của người dân ra sao, khó khăn thế nào thì không thấy nêu trong báo cáo cưối năm, chỉ được nhắc đến trong các văn bản khi cần hỗ trợ xin cứu đói.

Tỉnh xin trợ cấp gạo số lượng nhiều nhất là Bình Định, năm nay tỉnh này xin trợ cấp gần 2.000 tấn gạo cứu đói. Thế nhưng trong cuộc họp đánh giá cuối năm tình hình kinh tế xã hội chỉ nói về thành tích tăng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) 7,5% năm 2016, không thấy đề cập đến cuộc sống của người dân.

Ninh Thuận cũng là địa phương xin trợ cấp số lượng gạo cao 1.134 tấn. Trong cuộc họp HĐND cuối năm cũng chỉ đưa ra báo cáo các con số mức độ chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch năm, mà không thấy đề cập đến cuộc sống người dân ra sao.

Ánh Sáng

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc