Home » Danh nhân, Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Thần cơ thương pháo của nhà Hồ đối đầu với 80 vạn quân Minh: (P1) vũ khí “nhất thiên hạ”

Trong cuộc chiến của nhà Hồ chống lại sự xâm lược của quân Minh, dù thất bại nhưng điểm sáng duy nhất được lưu lại chính là Thần cơ thương pháo của Hồ Nguyên Trừng khiến quân phương bắc phải kinh hồn bạt vía.

Thần cơ thương pháo

Súng thần công được trưng bày tại Viện Bảo tàng Lịch sử Quân đội, Hà Nội (Ảnh từ archives.gov.vn)

Thần cơ thương pháo “nhất thiên hạ”

Nói đến Hồ Nguyên Trừng là nhắc đến Thần cơ thương pháo, vào thời điểm những năm 1400 thì đây là siêu vũ khí mạnh bậc nhất thế giới bấy giờ do Hồ Nguyên Trừng sáng chế ra. Lúc này trên thế giới đang phôi thai về súng đại bác, thì uy lực của Thần cơ thương pháo khiến quân Minh phải kinh hoàng.

Sử nhà Minh ghi chép rằng trong cuộc chiến với Giao Chỉ đã bắt được “súng thần”, “pháo thần” xem vũ khí này là “nhất thiên hạ”. Minh sử có ghi chép rằng: “Trong cuộc bình Giao Chỉ, nhà Minh đã bắt được súng thần, pháo thần của Giao Chỉ được coi là vũ khí nhất thiên hạ… Súng “thần công” có được gần đây dùng sắt làm tên, bắn đi bằng lửa, đi xa ngoài 100 bước, nhanh chóng kỳ diệu như thần, nghe thấy tiếng là lửa đã đến”. 

Loại vũ khí này có lớn, có nhỏ, nhỏ thì vác vai mà bắn, lớn hơn thì làm bánh kéo hoặc gắn cố định trên thành. Minh sử ghi chép rằng: “Dùng đồng đỏ ở mức độ giữa sống và chín, nếu dùng sắt thì sắt xây dựng mềm hơn, sắt Tây kém hơn. To nhỏ khác nhau, thứ lớn dùng xe, thứ nhỏ dùng giá, dùng bệ, vác vai. Thứ lớn lợi cho phòng thủ, thứ nhỏ lợi cho chiến đấu, tùy nghi mà sử dụng, là thứ vũ khí chủ yếu khi hành quân”

Khi quân Minh dùng vũ khí này đánh Mông Cổ, Minh sử ghi chép rằng: “Khi (Minh) Thành Tổ thân chinh Mạc Bắc dùng súng thần An Nam vừa bắt được, kẻ địch một người tiến lên, lại hai người nữa chết theo, đều trúng súng (đạn) mà chết”.

Thần cơ thương pháo

Các viên đạn bằng đá của thần cơ thương pháo được khai quật tại thành Tây Đô (Thanh Hóa). (Ảnh từ Trí Thức Trẻ)

Vậy nếu Thần cơ thương pháo lợi hại đến vậy, thì vì sao nhà Hồ lại không chống nổi quân Minh. Thực tế trong cuộc chiến này Thần Cơ thương pháo khẳng định được uy lực của mình, nhà Hồ thua là do yếu tố “con người” chứ không phải do vũ khí. Vũ khí hiện đại đến mấy nhiều khi cũng không thể thay thế con người được.

Vậy cụ thể cuộc đối đầu giữ Hồ Nguyên Trừng cùng Thần cơ thương pháo với quân Minh như thế nào? Yếu tố con người ra sao khiến quân nhà Hồ phải thua trận?

Quân Minh đưa 80 vạn quân tiến đánh Đại Ngu

Năm 1400 Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, đổi tên nước từ Đại Việt thành Đại Ngu. Sở dĩ Hồ Quý Ly chọn đặt tên này là vì cho rằng họ Hồ là con cháu Ngũ Thuấn – một trong Ngũ Đế thời “Tam Hoàng Ngũ Đế”. Khi Chu Vũ Vương lật đổ Trụ Vương của nhà Thương, thì tìm con cháu của Ngu Thuấn là Công Mãn phong làm vua ở nước Trần (một nước chư hầu của nhà Chu), đổi sang họ Hồ với tên là Hồ Công Mãn.

Tuy nhiên các phân tích cho rằng Hồ Quý Ly đã nhận sai, theo Sư Ký Tư Mã Thiên thì dòng dõi vua Thuấn chỉ có chi họ Diêu và họ Quy chứ không có chi nào họ Hồ; và Hồ Công mãn là thủy tổ họ Trần chứ không phải họ Hồ. Hồ công Mãn chỉ là một cách gọi tắt, cách gọi đầy đủ là Trần Hồ Công Quy Mãn. Công là tước hiệu, Hồ là thụy hiệu chứ không phải họ.

Hồ Quý Ly

Hồ Quý Ly. (Ảnh từ kienthuc.net.vn)

Theo Minh sử cũng như Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép lại thì quân minh tiến đánh Đại Ngu có đến 80 vạn quân, nhưng các nhà phân tích sau này thì cho rằng con số 20 vạn thì xem ra hợp lý hơn.

Hồ Quý Ly sau khi lập ra nhà Hồ thì lên ngôi Thượng Hoàng, trao ngôi Vua lại cho con là Hồ Hán Thương. Quân nhà Hồ dựa vào thành trì và chiến lũy dọc sông Thao, sông Lô, sông Hồng mà bày trận thủy bộ dựa vào nhau lập thành thế trận phòng thủ.

Theo ghi chép từ lịch sử thì quân Minh theo hai đường Vân Nam và Quảng Tây tiến sang, mỗi cánh 40 vạn quân, hai cánh quân lên đến 80 vạn nhanh chóng vượt qua biên giới rồi hợp nhất lại ở Bạch Hạc, dựng doanh trại ở bờ bắc sông Cái kéo dài đến tận Phú Giang.

Con trai cả của Hồ Quý Ly là Tả tướng Hồ Nguyên Trừng đóng quân dọc sông Hồng, lập chiến lũy thủy bộ chắc chắn ngăn quân Minh. Chỉ huy quân Minh là danh tướng Trương Phụ, đây là viên tướng có nhiều kinh nghiệm và rất thận trọng. Quan sát thế trận quân nhà Hồ, chưa tìm được điểm yếu thì Trương Phụ không dám khinh xuất tấn công.

Hồ Nguyên Trừng cũng áp dụng chiến thuật mà Hưng Đạo Vương khi xưa dùng để đánh bại quân Mông Thát là “vườn không nhà trống”, các vùng quân Minh chiếm đóng người dân đều di dời, nhằm khiến quân Minh không cướp được lương thực.

Hai bên dàn quân không bên nào dám khinh xuất tấn công trước. Lúc này Trương Phụ nắm tình hình biết nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần không được lòng dân, qua mấy năm cai trị thực hiện các chính sách cũng không được dân ủng hộ, so với trước thì cuộc sống người dân càng khó khăn hơn nên lòng người oán thán.

Vì thế Trương Phụ cho khắc vào các tấm ván kể tội nhà Hồ, đồng thời nêu rõ quân Minh tấn công là nhằm diệt nhà Hồ vá tìm hậu duệ nhà Trần lên ngôi Vua, Rồi cho thả các tấm ván này theo sông vào vùng dân chúng và doanh trại quân nhà Hồ.

Nhiều người dân dù đọc được thông tin này vẫn kiên định thực hiện “vườn không nhà trống” nhằm tuyệt nguồn lương cho quân Minh. Nhưng một số binh lính cũng như một số bậc trí thức đem cả gia quyến ra hàng quân Minh, các tướng Mạc Thúy và Nguyễn Huân đem 10.000 quân ra hàng phục, đồng thời nói rõ tình hình cũng như cách bố trí thế trận phòng ngự của Hồ Nguyên Trừng, nhờ đó quân Minh nắm hết cách bố trí điểm mạnh và yếu của quân nhà Hồ. Trong hàng ngũ quân nhà Hồ nhiều người cũng dao động.

Nhờ sự hàng phục của một số tướng nhà Hồ, quân Minh tìm ra điểm yếu và tấn công vào bãi sông Bạch Hạc, quân nhà Hồ bị đánh gấp, viện binh không tới kịp đành rút về phía nam sông Hồng phòng thủ. Quân Minh chiếm được Việt Trì và phía bắc sông Bạch Hạc.

Đêm 15/1/1407, quân Minh cho thuyền vượt sông tiến xuống phía nam, thủy quân nhà Hồ ra nghênh chiến đánh mạnh, quân Minh thua chạy phải quân rút chạy về rồi lên bờ. Tướng quân Minh liền đem những binh sĩ bỏ chạy xử theo quân pháp, một số lớn bị chém để răn đe, khiến sau này quân Minh cũng liều chết mà cố xông lên chứ không dám tự ý rút về.

Đêm 17/1/1407 Trương Phụ cho quân rất âm thầm bí mật tấn công bãi sông Mộc Hoàn ở bờ nam (nay là xã Cổ Đô huyện Ba Vì, Hà Nội). Đây là vị trí chiến lược quan trọng nên quân nhà Hồ chủ yếu là quân tinh nhuệ. Để tấn công vào đây Trương Phụ cho quân tấn công vào ban đêm hành quân lặng lẽ bí mật áp sát. Thế nhưng tướng nhà Hồ là Nguyễn Công Khôi không đốc thúc quân tuần tra phòng bị, đêm hôm lại chỉ lo vui nữ sắc, khiến quân Hồ bị đánh bất ngờ trở tay không kịp, quân nhà Hồ bị tiêu diệt gọn, các chiến thuyền bị cháy gần hết. Trận đánh ở bãi sông Mộc Hoàn diễn ra nhanh đến nỗi quân nhà Hồ đóng gần đấy cũng không thể ứng cứu kịp.

Hỏa tiễn của quân Minh. (Ảnh từ motthegioi.vn)

Hỏa tiễn của quân Minh. (Ảnh từ motthegioi.vn)

Quân Minh cho quân bắc cầu phao sang bờ nam để tiếp tục tiến đánh, Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng cho quân rút vào thành Đa Bang cố thủ.

Thành Đa Bang nằm ở xã Cổ Pháp, tổng Thanh Mai, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây cũ (nay là khoảng địa bàn các xã Phú Đông, Phong Vân và Vạn Thắng huyện Ba Vì, Hà Nội).

Hồ Nguyên Trừng cùng Thần cơ thương pháo đối mặt quân Minh

Tướng nhà Minh là Mộc Thạnh rất cẩn trọng dùng binh, qua quan sát thế trận đã bàn với Trương Phụ rằng: “Những hàng rào gỗ mà bên địch dựng lên đều sát liền sông, quân ta không thể tiến lên được. Chỉ có Đa Bang là nơi đất cát bằng phẳng có thể đóng quân, chỗ ấy tuy thành đất khá cao, bên dưới có mấy tầng hào, nhưng khí giới đánh thành của ta đều đầy đủ, đánh mà chiếm lấy cũng có phần dễ”.

Chỉ cần vượt qua thành Đa Bang quân Minh sẽ tiến được vào thành Đông Đô (nhà Hồ cho đổi tên thành Thăng Long thành Đông Đô), nơi đây tập trung dân cư có thể cướp bóc được của cải lương thực.

Vì tính chất quan trọng này Trương Phụ tập trung quân tướng khích lệ rằng:  “Quân giặc chỉ cậy có thành này, mà chúng ta lập công cũng ở một trận này; tướng sĩ nào trèo lên thành được trước, sẽ đặc cách hậu thưởng không câu nệ theo thứ bậc thông thường”.

Đồng thời răn đe quân lính không được tự ý rút chạy khi chưa có quân lệnh, nếu làm trái quân lệnh sẽ bị xử chém.

Vũ khí quân Minh

Vũ khí quân Minh

Đến đêm tối Trương Phụ trập trung toàn quân chia 2 cánh tiến đánh thành Đa Bang, quân Minh đông như kiến lớp lớp tấn công thành.

Trong thành Đa Bang là Hồ Nguyên Trừng cùng Thần cơ thương pháo, phía trước là muôn vạn đại quân Minh đang kéo đến, sau lưng là thành Đông Đô với nhiều khu vực dân cư được dời về nơi đây tránh giặc.

Được tin báo quân Minh tấn công, Hồ Nguyên Trừng lệnh cho đội thần cơ thương pháo chuẩn bị nhả đạn.

(còn nữa)

Trần Hưng

Theo trithucvn.net


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc