Jack Ma từng tuyển cả các hacker có thể tấn công chính Alibaba về làm nhân viên, áp dụng hàng loạt chính sách khác để biến Alibaba trở thành vùng cấm nơi mà không một Hacker Trung Quốc nào dám động vào.
Tập đoàn Alibaba được thành lập vào năm 1999 và từ đó đến nay đã trở thành tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất tại Trung Quốc. Không chỉ đi đầu về thương mại điện tử, trong giới công nghệ tại Trung Quốc còn coi Alibaba như một “pháo đài” bất khả xâm phạm, nơi mà không một hacker Trung Quốc nào dám động đến. Vậy Jack Ma đã làm những gì để khiến tập đoàn thương mại điện tử này đương đầu được với tất cả Hacker danh tiếng tại Trung Quốc?
Thực ra, không phải Alibaba bị giới hacker “chừa ra” mà tập đoàn này vẫn thường xuyên bị tấn công mạng, tuy nhiên, phần thắng cuối cùng đa phần đều thuộc về Alibaba. Sau nhiều lần thử nghiệm, giới hacker thấy rằng để tấn công Alibaba quá khó khăn, có thể làm được nhưng sẽ phải trả cái giá quá đắt. Hơn nữa, những năm qua, những biện pháp phòng chống tấn công mạng của Tập đoàn Alibaba rất toàn diện và đạt độ bảo mật cao, khiến hacker chỉ muốn nghĩ thôi cũng đã chẳng dám tấn công Alibaba một chút nào.
Biểu tượng bộ phận an ninh mạng của Alibaba
Ali Thần Thuẫn – Cơ quan an ninh mạng hùng mạnh
Đây là yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất để tạo nên sức mạnh an ninh thông tin của “ông trùm công nghệ” Alibaba. Trong những năm qua, Tập đoàn Alibaba có thể vận hành một cách trơn tru không gặp vấn đề lớn về an ninh mạng như vậy, không phải do Alibaba có Jack Ma mà bởi Alibaba có những con người cực kỳ tinh anh, xuất sắc, trong đó quan trọng bậc nhất là đội ngũ an ninh mạng của Alibaba – “Ali Thần Thuẫn” (Chiếc khiên thần Alibaba).
Biểu tượng Ali Thần Thuẫn
“Ali Thần Thuẫn” được thành lập năm 2005, đây được coi là bộ phận thần bí nhất của tập đoàn Alibaba. Phạm vi nhiệm vụ của “Ali Thần Thuẫn” rất rộng, gồm các lĩnh vực như: bảo vệ bản quyền, bảo vệ an toàn tài khoản, chủ yếu phòng chống đăng ký tài khoản ảo, bảo vệ an toàn giao dịch, phòng chống gian lận giao dịch, loại bỏ các bình luận ác ý, đảm bảo an toàn thông tin, bảo vệ quyền riêng tư và ngăn chặn rò rỉ thông tin, đảm bảo an toàn kỹ thuật số, kiểm soát Big Data…
Ali Thần Thuẫn được chia thành 02 bộ phần gồm Tổ Phân tích và Tổ hành động. Trong đó Tổ Phân tích phụ trách xử lý các báo cáo an ninh hàng ngày, nghiên cứu ngành công nghiệp chất xám, Tổ Hành động phụ trách xử lý các mối nguy hại liên quan an ninh mạng, giải quyết các vấn đề về tài khoản, giao dịch, thông tin…Bên cạnh đó, Ali Thần Thuẫn còn phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an Trung Quốc về tác chiến điện tử, khiến lực lượng và quyền hạn càng trở nên hùng hậu hơn.
Đội ngũ Ali Thần Thuẫn với những chỉ huy tài ba
Đội ngũ an ninh mạng của Alibaba được chỉ huy bởi 04 thành viên cốt cán: Tiêu Lực – chuyên gia nghiên cứu an ninh mạng, Phan Ái Dân – chuyên gia kỹ thuật mạng xã hội và Lưu Gia Vĩ – kỹ sư công nghệ và cuối cùng là Ngô Hạn Thanh – hacker mũ trắng, chuyên gia an ninh mạng.
Trong đó, chàng kỹ sư sinh năm 1985 Ngô Hạn Thanh, thường được người trong giới hacker gọi là Tiểu Hắc, 16 tuổi đã là một trong những hacker mũ trắng nổi tiếng nhất Trung Quốc, dân mạng Trung Quốc luôn truyền nhau một câu khẩu ngữ “Tiểu Hắc muốn hack nhà ai thì đêm nay nhà đó mất ngủ”. Năm 21 tuổi khi chưa tốt nghiệp đại học, với việc hack thành công mạng nội bộ Alibaba từ phòng phỏng vấn, Ngô Hạn Thanh lập tức được Jack Ma tuyển chọn và trở thành một trong những người được coi trọng nhất công ty.
Ngô Hạn Thanh
Công việc bình thường của họ cũng rất “đơn giản”, chỉ là lãnh đạo đội ngũ của mình đảm bảo hệ thống không bị đình trệ khi vài trăm triệu người truy cập cùng lúc, đồng thời phát hiện lỗ hổng tiến hành sửa chữa, mỗi ngày xử lý rất nhiều vụ tấn công từ bên ngoài. Tiêu Lực, Ngô Hạn Thanh cùng đồng sự đã xây dựng “Tường lửa Alibaba” vô cùng vững chãi, hệ thống ngăn chặn tấn công DDos, và hàng loạt hệ thống an ninh khác…hiện nay hệ thống an ninh mạng của Alibaba có thể đạt đến trình độ như vậy không thể tách rời với những đóng góp của những chàng chuyên gia trẻ tuổi này.
Do công tác an ninh mạng cũng liên quan rất nhiều đến pháp luật, Alibaba còn tuyển dụng hơn 20 chuyên gia khác từng làm việc trong hệ thống tư pháp, luật pháp, công an…của Trung Quốc. Họ cung cấp một lượng kiến thức vô cùng lớn, linh hoạt trong việc xử lý bất cứ vấn đề gì liên quan luật pháp của Alibaba.
Nguồn lực tài chính dồi dào
Jack Ma là người giàu nhất Trung Quốc và hiện đang đứng thứ 18 trên thế giới (tạp chí Forbes bình chọn tháng 8/2017) với tổng tài sản lên đến 37.4 tỷ USD. Tập đoàn Alibaba cũng là một trong những tập đoàn lớn nhất Trung Quốc, mỗi biến động của Alibaba đều có ảnh hưởng đến hệ thống tài chính của quốc gia này. Chính bởi vậy, như đã nói ở trên, Alibaba có sự hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của chính phủ, đặc biệt là Bộ Công an. Hacker tấn công Alibaba đã khó, lại còn dễ bị phát hiện, hơn nữa khi vướng vào vòng lao lý sẽ có nguy cơ chịu án phạt cao hơn nhiều so với khi tấn công các tổ chức khác. Do đó, giới Hacker thường rỉ tai nhau rằng tấn công Alibaba thật là lợi bất cập hại.
Với nguồn tài chính dồi dào của mình, Alibaba không tiếc tiền thâu tóm, mua lại các công ty công nghệ, an ninh thông tin không chỉ tại Trung Quốc mà trên toàn thế giới. Năm 2015, Alibaba đã khiến cho rất nhiều người ngạc nhiên khi mua lại Công ty an ninh mạng Hàn Hải Nguyên, sau đó người ta mới nhận ra với sự gia nhập của Hàn Hải Nguyên, Alibaba nghiễm nhiên có được công nghệ phòng ngừa tấn công APT, giúp hệ thống an ninh mạng của Alibaba được nâng lên tầm cao mới.
Không chỉ vậy, nguồn lực tài chính vững mạnh còn cho phép Alibaba tuyển dụng được các chuyên gia an ninh mạng tốt nhất nhờ mức lương vô cùng cạnh tranh. Cụ thể bảng lương của các chuyên gia an ninh mạng tại Alibaba đã được tiết lộ cao ngất trời.
Mức lương của chuyên gia kỹ thuật là 400.000 – 600.000 NDT/năm (1,3 tỷ – 2 tỷ VND), họ được nhận 1.000 cổ phiếu và toàn quyền sử dụng sau 4 năm. Mức lương của chuyên gia cao cấp là 600.000 – 1.000.000 NDT/năm (2 tỷ – 3,4 tỷ VND) kèm 2.000 cổ phiếu, toàn quyền sử dụng sau 4 năm. Chuyên gia lâu năm có mức lương cao hơn, từ 1 triệu đến 1,2 triệu NDT/năm (3,4 tỷ – 4,1 tỷ VND). Nhân viên ở vị trí này còn có quyền thương lượng số cổ phiếu muốn nhận.
Mối quan hệ tốt với chính phủ và các tổ chức cá nhân khác
Thực chất, Alibaba đã từng rất nhiều lần bị hacker tấn công, cụ thể: 20-21/12/2014, một công ty game sử dụng hệ thống Yundun của Alibaba bị tấn công DDoS khiến hệ thống bị đình trệ 14h liên tục. Tháng 6/2015 hacker đã tấn công, lấy đi 99 triệu thông tin tài khoản Taobao, trong đó hơn 20 triệu tài khoản có giao dịch thường xuyên và sử dụng bảo mật tăng cường…Tuy nhiên những thông tin đó, đa phần đều đã được giấu kín và chỉ được thông báo sau khi khắc phục hoàn toàn hậu quả. Nguyên nhân xuất phát từ mối quan hệ mật thiết giữa Alibaba và chính quyền cũng như giới truyền thông Trung Quốc.
Khi trở thành một trong những tập đoàn lớn mạnh nhất Trung Quốc thì Alibaba cũng nhận được sự bảo hộ đặc biệt từ phía chính phủ nước này. Chính phủ Trung Quốc cho tới giờ vẫn thực hiện rất nhiều giao dịch giữa các cơ quan ban ngành thông qua nền tảng của Alibaba như một cách để đảm bảo tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng cho Alibaba. Đương nhiên, Chính phủ Trung Quốc sẽ ngăn chặn các thông tin Alibaba bị tấn công mạng (trừ khi tung ra với mục đích nào đó) để đảm bảo rằng những thông tin này không ảnh hưởng đến Alibaba cũng như hệ thống tài chính của Trung Quốc. Đồng thời cho thấy Alibaba là một trong những tập đoàn có hệ thống an ninh tốt nhất, nhằm “nâng tầm” ngành an ninh thông tin của Trung Quốc trên toàn thế giới.
Mặc Hàn
Theo Trí Thức Trẻ
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!