Home » Cổ truyền, Văn hóa » Đất nước có được người tài đức thì bình an, mất người tài đức thì loạn lạc

Thời đại của Đường Huyền Tông vừa là thời đại “Khai Nguyên thịnh thế” và cũng là thời “Loạn An Sử” (An Sử chi loạn) trong lịch sử, là một ví dụ điển hình của nguyên tắc “Có được người tài đức thì đất nước bình an, đánh mất người tài đức thì thiên hạ loạn lạc”.

Đường Huyền Tông Lý Long Cơ, khi còn nhỏ có chí lớn, từng lời nói từng việc làm đều rất có chủ kiến sáng suốt, nhờ bình định được “Vi thị chi loạn” (cuộc nổi loạn của nhà họ Vi) mà được lập làm Thái tử. Sau khi lên ngôi vua, ông đầu tiên quyết tâm diệt trừ bè đảng của Thái Bình công chúa chuyên quyền bạo ngược, còn xử lại các nghi án để giải oan cho người vô tội. Ông đổi niên hiệu thành Khai Nguyên, chứng tỏ rõ ý muốn tự mình chăm lo việc nước, quyết tâm phục hưng sự nghiệp vĩ đại của nhà Đường.

Ông thấy lúc ấy tác phong và uy tín của quan lại thời ấy rất hỗn loạn, triều chính thì hủ bại, liền tỏ ý muốn chọn người hiền tài làm Tể tướng. Mọi người đều nói ông “Có con mắt sắc sảo biết chọn người hiền đức”, các vị Tể tướng tài giỏi nổi tiếng như Diêu Sùng, Tống Cảnh, Trương Cửu Linh, Hàn Hưu đều là do ông tự mình tuyển chọn và bổ nhiệm cả.

Diêu Sùng làm việc quyết đoán, bởi tâu trình 10 điều kiến nghị rất có ích cho đất nước nên được coi trọng, được phong làm Tể tướng. 10 điều kiến nghị ấy bao gồm: Tạo điều kiện để mọi người được tự do ngôn luận và phát biểu ý kiến xây dựng, ban thưởng xứng đáng cho các vị đại thần chính trực, và chớ lấy quyền hành mà mưu lợi cá nhân. Đường Huyền Tông đều nghe theo những lời đề nghị của Diêu Sùng.

Sau Diêu Sùng đến Tống Cảnh. Tống Cảnh cũng rất coi trọng việc tuyển chọn và bổ nhiệm nhân tài. Mặc dù ông nắm giữ quyền cao chức trọng trong triều đình, nhưng không bao giờ vì tình riêng mà làm trái pháp luật, mà ngược lại, đối với thân thích của mình có yêu cầu còn nghiêm khắc hơn nữa. Một lần, một người chú họ của ông trong cuộc tuyển chọn người làm quan cho Bộ lại, nói với quan chủ trì việc tuyển chọn về mối quan hệ của mình với Tống Cảnh, hy vọng nhờ thế mà được chiếu cố đặc biệt. Chuyện này đến tai Tống Cảnh, chẳng những ông không nói tốt cho người chú họ mà còn bảo Bộ lại không được để cho ông ta làm quan.

Đường Huyền Tông không chỉ biết chọn lựa mà còn biết kính trọng người tài đức. Diêu Sùng, Tống Cảnh một lòng lo cho đất nước, Đường Huyền Tông xem họ cũng giống như các vị quan Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối nổi tiếng những năm đầu thời đại nhà Đường. Mỗi lần gặp, Đường Huyền Tông đều đứng dậy tiếp đón, lúc họ rời đi thì vua cũng đích thân tiễn biệt.

Trương Cửu Linh được người ta gọi là “Tể tướng áo vải”, cũng chính là nhờ tài đức xuất chúng của bản thân mà được Đường Huyền Tông trọng dụng. Trương Cửu Linh sau khi làm Tể tướng cũng giống như Đường Huyền Tông, trọng người tài đức chứ không quan tâm đến xuất thân và gia thế. Ông luôn luôn chủ trương cần phải công bằng trong việc tuyển chọn người tài, chú trọng vào Đức hạnh. Đồng thời, đối với những lỗi lầm của Đường Huyền Tông, ông cũng kịp thời chỉ ra và khuyên can, chứ không vì ơn đề bạt mà giấu diếm sự thật.

Đầu thời Đường Huyền Tông bởi vì giỏi việc nhìn người và chọn người hiền đức làm quan, còn hết lòng trọng đãi họ, cho nên xung quanh nhà vua lúc ấy tụ tập rất nhiều người hiền tài. Lúc ấy tình hình chính trị rất sáng sủa, xã hội yên ổn, kinh tế phồn vinh hơn bao giờ hết. Triều đại nhà Đường tiến vào thời kỳ cực thịnh, người đời sau gọi là “Khai Nguyên thịnh thế”. Trong sử sách có ghi chép lại: vào những năm Khai Nguyên ấy “Trong nước giàu có, giá cả hàng hóa rất phải chăng. Trên đường cái có rất nhiều cửa tiệm phục vụ rượu thịt cho người đi đường. Bưu điện có nhiều con lừa chở thư, đi hàng ngàn dặm mà không cần lính đưa thư”. Nhà thơ Đỗ Phủ trong tác phẩm “Ức tích” có viết: “Nhớ ngày thịnh vượng thời Khai Nguyên ấy, một thị trấn nhỏ cũng có đến hàng vạn gia đình. Gạo lúa trĩu hạt còn bắp ngô trắng nõn, kho lương thực của công hay của tư đều tràn đầy hàng hóa”.

Nửa sau thời Đường Huyền Tông, nhà vua càng ngày càng kiêu ngạo, càng ngày càng ưa nghe lời a dua xu nịnh, ham thích hưởng lạc, tin tưởng mù quáng và trọng dụng bọn gian thần Lý Lâm Phủ, Dương Quốc Trung, cuối cùng dẫn tới loạn An Sử, thời đại thịnh thế huy hoàng thuở trước đã không còn nữa.

Lý Lâm Phủ rất rành suy đoán tâm ý của Đường Huyền Tông. Có lần Đường Huyền Tông muốn từ Lạc Dương về Trường An, nhưng Tể tướng Trương Cửu Linh nói thu hoạch vụ lúa mùa thu còn chưa hoàn thành xong, nếu mà đi như thế sẽ làm quấy rối dân chúng, ảnh hưởng đến việc sản xuất. Thừa dịp Trương Cửu Linh đã rời đi, Lý Lâm Phủ nói với Đường Huyền Tông rằng Trường An và Lạc Dương là Đông cung và Tây cung của bệ hạ, bệ hạ muốn đi muốn về lúc nào tùy thích, không cần phải đợi chờ về sau. Còn nếu gây trở ngại cho việc thu hoạch vụ thu của người nông dân, thì chỉ cần miễn thu thuế của họ là được. Đường Huyền Tông thích chí, theo ý của Lý Lâm Phủ cứ thế mà đi, lại còn càng ngày càng tín nhiệm ông ta. Lý Lâm Phủ tìm cơ hội vu cáo hãm hại nhóm các đại thần trung nghĩa Trương Cửu Linh, khiến Đường Huyền Tông bãi chức họ và đưa Lý Lâm Phủ lên thế chỗ.

Sau khi Lý Lâm Phủ lên cầm quyền thì đố kỵ người tài đức, kết bè kết đảng, bài trừ những người trái ý, hãm hại người tốt. Ngoài miệng thì lời ngon tiếng ngọt, nhưng trong lòng thì nham hiểm ác độc. Câu thành ngữ “Khẩu Phật tâm xà” cũng là từ đây mà sinh ra. Ông ta bịt miệng dư luận, có lần còn đe dọa các quan rằng: “Các ngươi bình thường chắc cũng đã từng thấy con ngựa dùng để tế lễ rồi chứ? Chỉ cần ngoan ngoãn theo lệnh làm việc, thì có thể được ăn bổng lộc của quan tam phẩm, đãi ngộ cao. Còn nếu mà hí vang, thì lập tức sẽ bị loại bỏ, đến lúc đó có hối hận cũng không kịp”.

Sau khi Lý Lâm Phủ bệnh chết thì Dương Quốc Trung lên cầm quyền, làm cho chính trị xã hội càng thêm đen tối rối ren hơn nữa. Đường Huyền Tông cưng chiều Quý phi Dương Ngọc Hoàn, bỏ bê việc triều chính, cuộc sống vô cùng xa xỉ suy đồi. Dương Quốc Trung là anh của Dương Quý Phi, quyền thế không ai so bằng, đã là Tể tướng lại còn kiêm thêm hơn 40 chức vụ khác nữa. Cả nhà họ Dương bắt đầu lên như diều gặp gió.

Dương Quốc Trung 1 tay che trời, triều chính hỗn loạn. Lúc trời mưa to ầm ầm, Huyền Tông hỏi các quan về tình hình thiên tai, Dương Quốc Trung lại tìm một cây mạ giống to khỏe đưa cho Huyền Tông ngó xem, bảo rằng trời mưa to nhưng không có ảnh hưởng gì đến thu hoạch mùa màng. Ở dưới có viên quan báo cáo tình hình thiên tai, thỉnh cầu nhà vua cứu trợ. Dương Quốc Trung nổi khùng cách chức người ấy, ra lệnh phải trừng trị nặng tay. Từ đó về sau không ai còn dám nói lời chân thực nữa. Hắn kéo bè kết đảng, tham ô ăn hối lộ, không việc xấu nào không làm.

Khi các mâu thuẫn trong xã hội trở nên ngày càng gay gắt, thì nhóm quân phiệt An Lộc Sơn và Sử Tư Minh làm ra “Loạn An Sử”, đem quân làm phản lại nhà Đường. Bởi vì quân đội nhà Đường có quá nhiều tướng lĩnh ngang ngược tàn ác, cho nên quân đội không có chút nhuệ khí nào, không đánh mà chạy. Quân phản loạn rất nhanh chóng chiếm được một vùng đất rộng lớn, trực tiếp uy hiếp Đồng Quan – một “cửa lớn phía Đông” của kinh thành. Trong triều không ai dám đương đầu với quân địch, Huyền Tông đành phải triệu mời vị tướng già đã về hưu là Ca Thư Hàn, tạm thời cầm 20 vạn quân chắp vá ô hợp ra tiền tuyến để trấn giữ Đồng Quan.

Ca Thư Hàn dâng sớ lên nhà vua nói: “An Lộc Sơn không được lòng dân, chỉ cần chúng ta giữ vững thành trì, thì nội bộ của chúng sẽ phát sinh mâu thuẫn đấu đá lẫn nhau. Đợi đến khi chúng đã suy yếu, chúng ta mới xuất quân đánh dẹp, nhất định có thể chiến thắng. Bây giờ mà xuất binh chắc chắn sẽ rơi vào ổ phục kích của chúng”. Lúc đó tại Hà Bắc xa xôi, Quách Tử Nghi và Lý Quang Bật cũng dâng thư gấp cho vua, nói: “Đồng Quan là nơi hiểm yếu, đủ để cố thủ vững vàng, không thể xuất kích. Đợi quân cứu viện tới, chỉ cần một trận là có thể thắng được”. Nhưng, Dương Quốc Trung đố kỵ quyền cao chức trọng của Ca Thư Hàn, sợ ông sau này sẽ thành chướng ngại bất lợi đối với mình, bèn nhiều lần xúi giục Đường Huyền Tông sai Ca Thư Hàn xuất quân ra đánh. Đường Huyền Tông tin lời Dương Quốc Trung, liên tiếp hạ chiếu ra lệnh Ca Thư Hàn phải xuất binh. Ca Thư Hàn đành phải ra khỏi cửa đón đầu địch, quả nhiên trúng phải mai phục, quân Đường thua to. Ca Thư Hàn bị bắt, bởi quyết không chịu đầu hàng nên bị An Lộc Sơn giết hại. Đồng Quan thất thủ.

Đường Huyền Tông kinh hoảng chạy trốn qua Tứ Xuyên. Trên đường đi tướng sỹ quân cấm vệ nổi loạn, yêu cầu Đường Huyền Tông phải hành quyết Dương Quốc Trung và Dương Ngọc Hoàn ngay lập tức, rồi tạ tội với đất nước. Đường Huyền Tông không còn cách nào khác, đành phải giết 2 anh em họ Dương. Lúc ấy triều Đường đã suy sụp, chiến loạn liên miên, dân chúng lầm than cơ cực.

Nhìn chung trong lịch sử, việc có được hay đánh mất những người hiền tài có quan hệ mật thiết đối với sự an nguy của quốc gia. Bất kể là trong thời cuộc nào, chỉ cần kẻ cầm quyền kiêu căng cậy tài, thất Đức làm bừa, gần kẻ tiểu nhân xa người quân tử, thì sớm muộn gì cũng đi đến diệt vong. Bởi vì không có Đức là mối họa lớn nhất của con người. Lấy lịch sử mà soi xét, lấy người ta mà soi xét, thì chỉ có chú trọng việc tu thân dưỡng tính mới có thể bảo trì được tâm hồn tỉnh giác và trong sáng, mới có thể phân biệt đúng sai, đi theo cái thiện lánh xa điều ác. Không để cho người xấu có đất hoành hành, mới có thể đem lại thái bình thịnh vượng cho đất nước, tạo phúc cho nhân dân, được người đời sau ca ngợi.

Trí Chân

Theo minhhue.net


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc