Home » Kinh doanh » ‘Sữa ngoại đang thao túng thị trường sữa Việt Nam’
Sữa ngoại chiếm đến hơn 70% thị phần sữa bột Việt Nam, trong đó đứng đầu là Abbott, Dutch Lady (tức FreislandCampina hiện nay), Dumex, Nestle… Cứ hãng này tăng giá, lập tức các nhãn hiệu khác điều chỉnh theo.

“4 hãng sữa lớn của nước ngoài là Abbott chiếm 32% thị phần sữa bột, Dutch Lady (16%), Dumex (8%), Nestle (4,2%). Với tỷ lệ này, 4 hãng sữa hoàn toàn có thể dẫn dắt thị trường và quyết định giá bán”, Vụ trưởng Vụ công nghiệp nhẹ Bộ Công thương Phan Chí Dũng cho biết tại hội thảo Những cơ hội thách thức với sự phát triển của ngành sữa Việt Nam hôm 29/10 tại TP HCM.

Dù giá sữa không phải là chủ đề chính của hội thảo nhưng đại diện Bộ Công Thương vẫn dành thời gian khá nhiều trong phần phát biểu của mình để giải thích vấn đề này.

Theo ông Dũng, hiện nay trong thị trường sữa bột, hàng ngoại chiếm đến khoảng hơn 70%. Thương hiệu nội Vinamilk tăng 6% giá bán sữa bột ngày 12/2, trong khi đó cũng vào đầu năm Cô gái Hà Lan tăng đến 10%, Abbott lên giá 17,4% đợt 1 ngày 5/1 và đợt 2 khoảng 10% vào ngày 1/10. Các hãng khác như MeadJonhson, Dumex, XO… cũng tăng tương tự cùng mức với Abbott.

Hầu hết hãng sữa đều có động thái tăng giá, chứ ít khi thấy giảm giá, cùng lắm là duy trì giá bán như Nestle làm với dòng sữa Lactogen và Gấu thời gian qua.

Dù nhấn mạnh sữa ngoại chiếm lĩnh thị trường nội địa, Vụ trưởng Dũng vẫn khẳng định: “Việc tăng giá trong thời gian qua chỉ diễn ra ở phân khúc thị trường sữa bột nhưng các thông tin khiến mọi người đều lầm tưởng tất cả sản phẩm sữa đều tăng giá cao. Ngoài ra, sở dĩ giá sữa luôn thất thường là do không có nguồn nguyên liệu ổn định chứ không phải các hãng sữa cấu kết để tăng giá”.

Việt Nam đang thiếu nguyên liệu sữa

Việt Nam đang thiếu nguyên liệu sữa. Ảnh: Hoàng Hà


Điều đặc biệt, theo đại diện Bộ Công thương, giá sữa ngoại dù cao nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn chọn mua vì tâm lý “sính” hàng ngoại, hàng đắt tiền chất lượng mới tốt, ngoài ra chính thương hiệu của các sản phẩm ngoại cũng làm tăng giá bán.

“Với sản phẩm sữa bột, chúng ta đang thua ngay chính trên sân nhà của mình. Các nhà chế biến sữa trong nước vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài, vì ngành chăn nuôi bò sữa nội địa vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu chế biến. Lượng sữa tươi trong nước chỉ thỏa mãn 22-25% nhu cầu nguyên liệu”, ông Trịnh Quý Phổ, Tổng thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam đồng tình.

Mức tăng trưởng sản lượng sữa các loại giai đoạn 2006-2010 đều đạt thấp hơn chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là sữa bột (khoảng 48% đến 92%). Về cung cấp nguyên liệu sữa tươi, mục tiêu kế hoạch đề ra đến năm nay phải tự túc khoảng 40% nhưng thực tế không thực hiện được, ước năm 2010 chỉ được khoảng 24%.

Đánh giá thách thức và sự phát triển của ngành sữa Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu trong nước, các chuyên gia cho rằng vấn đề cốt lỗi nằm ở chỗ phải làm sao thúc đẩy mạnh hơn nữa việc chăn nuôi bò sữa cả nước.

Trên 95% số bò sữa hiện nay được nuôi phân tán trong nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, tính chuyên nghiệp chưa cao, nguồn thức ăn cho chăn nuôi bò sữa còn hạn chế, phải nhập khẩu đến 80% là thực trạng của ngành chăn nuôi bò sữa hiện nay ở Việt Nam.

“Điển hình như Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng vẫn phải nhập cỏ họ đậu ở vùng ôn đới về để nuôi bò sữa cao sản”, ông Đỗ Kim Tuyên, Trưởng phòng gia súc lớn, Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói.

Năm 2009, số bò sữa cả nước là hơn 115.000 con, mục tiêu đến năm 2015, số này phải đạt 300.000 và 2020 là gần 500.000 con. “Mối quan ngại khác cần được quan tâm đúng mức là giữa nhà chế biến và người chăn nuôi, thiếu tính bền vững và tin tưởng nhau nên nhà chế biến chưa mạnh dạn đầu tư cho người nuôi”, ông Trần Văn Minh Văn, Giám đốc điều hành Công ty Vinamilk góp ý.

Ông Lưu Văn Tân, đại diện Công ty FrieslandCampina cho rằng một khó khăn nữa là hiện Chính phủ chưa có quy hoạch và chính sách dài hạn cho vùng chăn nuôi bò sữa.

Nguyên nhân tăng giá sữa, theo báo cáo thanh tra chấp hành pháp luật về giá vào tháng 9/2009 của Bộ Công Thương:

1. Các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối sữa đã chi các khoản bán hàng quá lớn, thậm chí vượt quy định góp phần đẩy giá sữa, đồng thời tạo cạnh tranh không lành mạnh.

2. Chi phí quảng cáo quá cao như sữa XO dành cho quảng cáo, tiếp thị chiếm 20% tổng chi phí. Chi phí này với Mead Jonhson và Nestle là 30%.

3. Việc quản lý giá cả, thị trường của các cơ quan quản lý nhà nước còn lỏng lẻo.

Thanh Nhật

Theo VnEpress

Chuyên đề: , , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc