Home » Văn hóa » Bệnh “nói hay làm dở”
Một trong những chuyện nóng trong ý kiến của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII là chuyện bauxite khi mà sự cố “bùn đỏ” ở Hungari đã làm cho mọi người thêm lo lắng. Những ý kiến đó đề nghị xem xét kỹ tính an toàn và vấn đề bảo vệ môi trường khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Đã xuất hiện những đề nghị nên thu hẹp dự án và mạnh hơn đề nghị dừng dự án, dù tốn kém chi phí đã bỏ ra còn hơn tốn kém để xử lý hậu quả về môi trường khó có thể đánh giá được.
Boxit Tay Nguyen

Nhiều hạng mục đã hoàn thành chuẩn bị cho dự án bauxite ở Tây Nguyên hoạt động Ảnh: T.L

Bên lề kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã trả lời với dư luận và báo chí về sự cố “bùn đỏ” ở Hungari cho biết, Bộ đã thẩm định kỹ việc trữ “bùn đỏ” ở Tây Nguyên và nói sẽ “lập tổ giám sát (gồm Bộ TN-MT, Công thương, UBND các tỉnh và các cơ quan chức năng) giám sát hàng ngày, ghi nhật ký xây dựng và giám sát… Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên còn nhấn mạnh, “đứng về mặt Bộ” có thể khẳng định bảo đảm tốt độ an toàn, song Bộ trưởng cũng không quên “mở ngoặc”, đó là đứng trên phương diện lý thuyết. Nói như thế khiến nhiều người nghe cảm thấy chưa có sự khẳng định độ an toàn tuyệt đối trong xử lý “bùn đỏ”. Còn nếu như chẳng may sự cố xảy ra hoặc việc bảo vệ môi trường không làm tốt… thì khi đó, như Bộ trưởng đã nói “đó là đứng trên mặt lý thuyết”. Liệu mỗi người chúng ta có thể yên tâm khi xây dựng ngôi nhà riêng của mình với độ an toàn chỉ là về “phương diện lý thuyết”?

Thực tế, như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã có lần phát biểu: giữa lý thuyết và thực tế có một khoảng cách rất xa. Bao nhiêu dự án đầu tư đều thuyết trình và báo cáo đầy đủ về bảo vệ môi trường nhưng thực hiện không tương xứng. Cũng thấy, càng ngày ta càng phát hiện ra nhiều doanh nghiệp đổ xả chất thải trực tiếp ra môi trường, khi mà có tới hơn 70% khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có khu xử lý chất thải tập trung… Trong khi đó, về pháp chế, bộ máy tổ chức quản lý, điều hành, giám sát về bảo vệ môi trường có đủ cả, từ Trung ương cho đến địa phương mà vẫn để xảy ra tình hình như vậy. Mới xảy ra một vụ Vedan mà Bộ TN-MT cùng với bao các cơ quan chức năng xử lý mãi mấy năm vẫn chưa xong, huống hồ ‘bùn đỏ” độc hại, tác hại không kém gì dioxin, cho đến nay mới chỉ có giải pháp chôn lấp mà chưa có giải pháp khử độc tố của chúng, sẽ giải quyết ra sao nếu chúng gây ô nhiễm môi trường?

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên có lẽ tâm đắc với giải pháp lập “tổ giám sát liên hợp” và khẳng định, “giám sát hàng ngày”… Không hiểu tổ “sẽ giám sát hàng ngày” như thế nào trong suốt mấy mươi năm tồn tại của nhà máy chế biến bauxite? Những điều gì, tổ chức gì nằm ngoài những qui định, điều lệ của pháp chế thì thường chỉ mang tính tình thế, chỉ có hiệu quả trong một thời gian ngắn nhất định và chỉ tồn tại trong những tình huống đó thôi. Vì vậy ai dám chắc hoạt động của “tổ giám sát quốc gia” là hiệu quả?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) còn đưa ra 6 “căn bệnh” của nền kinh tế, trong đó có “căn bệnh” nói giỏi hơn làm, nói một đằng làm một nẻo. Ngay trong các báo cáo của các ngành, các cấp bao giờ cũng có 6 đến 7 biện pháp rất chu đáo, chỉn chu nhưng thực hiện được bao nhiêu? Vậy thì liệu những giải pháp mà Bộ trưởng Bộ TN-MT đưa ra vừa qua có làm yên lòng cử tri một khi giữa nói và làm, giữa lý thuyết và thực tế đối với nước ta là “một khoảng cách rất xa”, là “căn bệnh”?

Sáng ngày 2-11, phát biểu trước Quốc hội, ĐB Dương Trung Quốc, nhấn mạnh rằng, các giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi trường vừa trình bày tại Quốc hội cũng chỉ là những giải pháp cũ, không có gì mới, không thể làm yên lòng dân khi những tồn tại và vướng mắc về bảo vệ môi trường lẫn hiệu quả kinh tế ngày càng bộc lộ rõ hơn. Đó là chưa kể, công nghệ khai thác bauxite được áp dụng vào Việt Nam hiện nay là công nghệ lạc hậu sử dụng cách đây đã 40-50 năm, nay nhiều nước không còn áp dụng nữa.

Xử lý “bùn đỏ” ở Tây Nguyên chỉ là một mặt trong chuyện lớn hơn là việc phải sớm hoàn thiện một cơ chế để khắc phục tình trạng “nói một đằng làm một nẻo”, căn bệnh “nói hay làm dở”, “để xảy ra rồi mới chạy theo giải quyết” như những vụ đã từng gặp: xây dựng thủy điện vừa và nhỏ, xây dựng sân golf, khai thác khoáng sản, lấy đất nông nghiệp tràn lan, cho nước ngoài thuê đất rừng nơi phên dậu của đất nước… Căn bệnh đó, cơ chế đó không những gây thiệt hại lớn mà còn ảnh hưởng đến nhiều đời con cháu mai sau.

Mẫn Hà Anh

Theo Daidoanket

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc