Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Nga – NATO: Hợp tác về lưới phòng thủ chiến lược

Nga đã đồng ý hợp tác với hệ thống phòng thủ tên lửa Châu Âu theo đề nghị của NATO. Tuy nhiên Tổng thống Nga Medvedev khẳng định rằng, Nga sẽ đổi ý nếu không được đối xử như một đối tác bình đẳng.
Tổng thống Nga và các nhà lãnh đạo NATO tại Lisbon.

Bước ngoặt

Hội nghị thượng đỉnh Nga – NATO đã diễn ra hôm 20.11 tại Lisbon (Bồ Đào Nha) ngay sau Hội nghị thượng đỉnh NATO. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của NATO có Nga tham dự kể từ cuộc chiến Nga – Gruzia hai năm trước, đánh dấu sự thay đổi vô cùng lớn lao trong quan hệ hai bên. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói: “Cuộc gặp này không chỉ chôn vùi bóng ma quá khứ đã săn đuổi chúng ta trong thời gian quá dài, mà còn tạo ra khởi đầu mới”. “Đây là lần đầu tiên hai bên sẽ hợp tác để bảo vệ chính mình” – ông nhấn mạnh.

Một ngày trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã giành được sự ủng hộ của NATO về việc xây dựng lưới phòng thủ tên lửa Châu Âu – một kế hoạch đầy tham vọng. Theo kế hoạch này, một hệ thống giới hạn gồm các tên lửa đánh chặn và radar của Mỹ đã được lên kế hoạch lắp đặt tại Châu Âu – gồm tên lửa đánh chặn ở Romania và Ba Lan và có thể cả radar ở Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ được kết nối với hệ thống phòng thủ tên lửa riêng của Châu Âu.

Ngoài vấn đề lưới phòng thủ tên lửa, Hội nghị thượng đỉnh Nga – NATO đã nhất trí bắt đầu một giai đoạn hợp tác mới, hướng tới xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược thực sự. Các nước thành viên Hội đồng Nga – NATO (gồm 28 nước thành viên NATO và Nga) có trách nhiệm hành động với tư cách 29 đối tác bình đẳng, phát triển đối thoại và hợp tác thực tế xuất phát từ lợi ích chung. Nga đồng ý cho phép NATO thực hiện nhiều chuyến hàng hơn qua lãnh thổ Nga để cung cấp cho lực lượng NATO tại Afghanistan. Hai bên cũng tăng cường hợp tác về chống khủng bố, chống vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống cướp biển và ma túy. Nga-NATO còn ủng hộ việc nhanh chóng thông qua Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược START mới giữa Nga và Mỹ.

Đối tác bình đẳng

NATO đã mời Nga tham gia hợp tác về hệ thống phòng thủ tên lửa và ông Rasmussen cho biết: “Tôi rất hài lòng vì Tổng thống Medvedev đã chấp thuận đề nghị”. thỏa thuận này – ông nói, có tầm quan trọng chính trị thực sự và đúng là một bước ngoặt. Hai bên sẽ trao đổi thông tin về các mối đe dọa trên bầu trời Châu Âu, sẽ hợp tác để bắn rơi tên lửa đe dọa.

Nói về hội nghị Nga – NATO, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev phát biểu: “Thời kỳ quan hệ căng thẳng khó khăn giờ đã qua”. Tuy nhiên ông cảnh báo: “Nhiều chi tiết của kế hoạch phòng thủ vẫn còn chưa chắc chắn và kế hoạch này chỉ có thể hòa bình nếu nó mang tính toàn cầu”.

Tổng thống Mỹ Obama đã hoan nghênh quyết định của Nga tham gia lưới phòng thủ tên lửa. Ông nói rằng, việc này đã “biến nguồn phát sinh những căng thẳng trong quá khứ thành nguồn phát sinh những hợp tác tiềm năng chống lại mối đe dọa chung”. Ông khẳng định: “Chúng tôi coi Nga là đối tác, không phải đối thủ”.

Hiện vẫn còn hai câu hỏi chưa được trả lời về lưới phòng thủ tên lửa: Liệu nó có hiệu quả không và các quốc gia Châu Âu có đủ sức trang trải chi phí không. Các thành viên NATO hiện giờ tạm đặt hai vấn đề này sang một bên để có được một thỏa thuận nhằm thúc đẩy sự đoàn kết của NATO.

Chính ông Medvedev cũng biết rõ những vấn đề này. Ông nói: “Rõ ràng ngay cả người Châu Âu cũng không có hiểu biết đầy đủ về việc lưới phòng thủ này sẽ ra sao, sẽ tốn bao nhiêu tiền. Nhưng mọi người đều hiểu rằng một hệ thống phòng thủ tên lửa cần phải toàn diện”.

NATO nói rằng, chi phí cho hệ thống này là tương đối rẻ khi tất cả 28 thành viên EU cùng chung sức – khoảng 200 triệu euro hoặc 260 triệu USD trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích thì cho rằng đây là một gánh nặng với Châu Âu vốn chưa vượt qua cuộc khủng hoảng nợ.

Vĩnh Nguyên(Theo AP, BBC)

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc