Home » Thời nay, Văn hóa » Nỗi niềm nhân ngày Nhà giáo
Giáo dục xuất phát từ điều kiện và yêu cầu phát triển kinh tế, nhưng giáo dục cũng đòi hỏi phải nhìn xa, đi trước để trở thành động lực kinh tế – xã hội quan trọng hàng đầu.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm, đủ loại hoa đua sắc về hội tụ trên tay các thầy, cô giáo do cha mẹ và chính học sinh trân trọng trao tặng. Hoa chia sẻ niềm tự hào của thầy, cô giáo đã cố gắng duy trì và cải tiến ngành giáo dục Việt Nam trong những điều kiện cam go, đời sống giáo viên đạm bạc, khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu; nội dung chương trình học quá tải, cải cách giáo dục chưa đồng bộ; chia sẻ với thầy cô giáo ở các trường học ở 3 tỉnh miền Trung Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và các tỉnh Nam Trung bộ như Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đang phải nỗ lực khắc phục hậu quả của những cơn lũ thần vừa qua…

Nói chung, đa số giáo viên của chúng ta xứng đáng nhận những hàm ý tin yêu và biết ơn của nhân dân theo truyền thống của dân tộc: “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.

Nhưng hoa cũng giúp gửi đến các 20/11 nói riêng và cả ngành giáo dục nói chung sự quan tâm và nỗi lo âu của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Ngày càng nhiều học sinh bỏ học; thảm họa lũ lụt chưa từng có trong lịch sử ở miền Trung và Nam Trung bộ tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua làm nhiều trường học đổ nát, học sinh phải bỏ học; giáo viên bỏ nghề, giáo viên cấp I, mầm non ở miền núi còn thiếu, hướng nghiệp dạy nghề ách tắc; nhiều trường ở miền núi và Tây Nguyên không có học sinh. Lỗi đó không phải là do ngành giáo dục.

Nhân dân chung mối lo với các thầy, cô về chất lượng giáo dục toàn diện, về kiến thức văn hóa, lao động thực hành, đến đạo đức, tư tưởng trong thanh thiếu niên, học sinh. Nhưng trước hết, nếu chỉ có 40 – 50 % tỷ lệ giáo viên khá, giỏi hàng năm ở các nhà trường thì làm sao nâng cao chất lượng dạy tốt, học tốt? Việc tập trung ưu tiên đào tạo một số nhân tài lúc này cũng là cần thiết, nhưng đừng quên nền tảng giáo dục rộng rãi.

Nhà nước nên coi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sản xuất. Chiến lược con người cũng cần có vốn, có tiền chứ không thể thực hiện bằng biện pháp chắp vá, nhỏ giọt… Có thể bớt đầu tư xây dựng hội trường, trụ sở, nhà hàng, khách sạn, giảm chi tiêu công để xây dựng trường lớp.

Tương lai của nước nhà phụ thuộc vào hiệu quả giáo dục, đào tạo con em chúng ta. Giáo dục xuất phát từ điều kiện và yêu cầu phát triển kinh tế, nhưng giáo dục đòi hỏi phải nhìn xa, đi trước để trở thành động lực kinh tế – xã hội quan trọng hàng đầu. Nhân dân ước mong việc xã hội hóa giáo dục, dân chủ hóa nhà trường, nghề nghiệp hóa thanh niên, đa dạng hóa loại hình dạy học, hiện đại hóa nội dung và phương pháp giáo dục nhanh chóng đi vào cuộc sống./.

Trần Thông

Theo vov

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc