Home » Thế giới » Trung Quốc trầy trật trong việc xây dựng các đô thị ‘xanh’

Sơ đồ đô thị xanh Đông Than tại Thượng Hải. Ảnh chụp ngày 28/01/2008.

Sơ đồ đô thị xanh Đông Than tại Thượng Hải. Ảnh chụp ngày 28/01/2008. REUTERS/ Nir Elias

Nhân Hội nghị quốc tế về khí hậu đang diễn ra tại Cancun, nhật báo Pháp La Croix tìm hiểu xem nước thải khí nguy hại hàng đầu thế giới là Trung Quốc, đã có những nỗ lực như thế nào, đặc biệt trong lãnh vực đô thị hoá. Theo La Croix, dù đã thực sự cố gắng phát huy các đô thị xanh, Trung Quốc hiện vẫn chưa vượt qua được các khó khăn về môi trường.

Theo thông tín viên La Croix tại Bắc Kinh, từ một vài năm nay, Trung Quốc đã loan báo hàng chục đề án đầy tham vọng về đô thị xanh sẽ được thực hiện khắp nước. Đấy là những thành phố mới, được thiết kế với mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đảm bảo việc tái xử lý rác và nước bẩn, hạn chế nạn ô nhiễm môi trường. Thế nhưng theo nhật báo Pháp, các đô thị xanh đó vẫn chưa thấy ra đời.

Thậm chí một số dự án lớn đã bị bỏ rơi, ví dụ như công trình đô thị mới Đông Than trên một hòn đảo ngoài khơi Thượng Hải. Chính quyền Trung Quốc đã triển khai một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ thông qua các phương tiện truyền thông báo chí để mô tả địa điểm được cho là sẽ trở thành đô thị xanh nhất thế giới. Đó là nơi mà cư dân sẽ chỉ tiêu thụ rau bio, tức là trồng theo phương pháp thuần túy sinh học, di chuyển hoàn toàn bằng các phương tiện chạy bằng điện, nơi các tòa nhà sẽ tiết kiệm được 70% mức tiêu thụ năng lượng.

Ngày nay, người ta chỉ thấy vài ngôi nhà và vài cây cột tua bin gió nổi lên, không xa vùng đầm lầy còn ngập nước. Giấc mơ đã bị gián đoạn khi ông Trần Lương Vũ, nhân vật lãnh đạo chính của dự án, cựu bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Thượng Hải, đã bị bỏ tù vì tham nhũng, với hệ quả là mọi khoản đầu tư bị đình chỉ.

Thiên Tân cũng có đô thị “xanh” nhưng với tiêu chuẩn bị hạ thấp

Giờ đây, đến lượt thành phố Thiên Tân đảm đương thách thức của việc xây dựng một đô thị theo hướng phát triển ‘bền vững’: đô thị sinh thái Trung Quốc – Singapore. Nếu tin vào những gì bà lãnh đạo sở môi trường Thiên Tân nói ra, thì nơi này sẽ tiếp đón 350.000 cư dân, trên một diện tích 30 cây số vuông, và hầu như sẽ không có tác động gì về môi trường. Quan chức này nêu ra ví dụ : “tất cả các tòa nhà trong đô thị sẽ là 100% xanh”. Trong thực tế, thuật ngữ ‘’xanh’’ chỉ có nghĩa rằng các ngôi nhà phải bao gồm ít nhất một đặc trưng tôn trọng môi trường trong xây dựng, và sự phân biệt này rất đáng kể. Hầu hết các tiêu chí về thân thiện với môi trường đều bị giảm thiểu như vậy.

Theo ông Eero Paloheimo, chuyên gia Thụy Điển đã đề ra dự án thoạt đầu rất nhiều cao vọng đó thì “công trình tại Thiên Tân hiện là một sự thỏa hiệp giữa một thành phố sinh thái đích thực và một thành phố thông thường. Các tòa nhà tại đấy không khác gì các dinh thự ở một thành phố bất kỳ nào”. Theo chuyên gia này, “vấn đề chủ yếu là tiền bạc, với việc có thể là một số doanh nhân vì tham lam, muốn kiếm thật nhiều lợi nhuận cho nên đã thúc đẩy việc tìm thỏa hiệp trên các tiêu chí môi trường”.

Sự kiện tính chất bảo vệ môi trường của các các đô thị xanh tại Trung Quốc bị bào mòn, theo La Croix, cũng có thể được giải thích bằng nhiều lý do khác. Ông Antoine Daval, chịu trách nhiệm về phát triển bền vững tại công ty Pháp Artelia Trung Quốc, nhắc lại rằng : “Trong lãnh vực địa ốc, cứ mỗi 18 tháng là Trung Quốc xây dựng xong một khối lượng tương đương với một nước Pháp. Điều đó hàm nghĩa là một tốc độ xây dựng điên cuồng và thời gian suy tính hơn thiệt cực ngắn”.

Hạn chế đó còn bị tình trạng thiếu nhân viên kỹ thuật trung cấp làm tệ hại thêm. Chuyên gia này giải thích : “Trung Quốc chẳng hạn, là nhà sản xuất tuabin gió lớn nhất trên thế giới. Thế nhưng, họ vẫn phải trầy trật trong việc kết nối nguồn điện sản xuất ra vào mạng lưới chung.” Thêm vào đó là một sự không phù hợp giữa kế hoạch đề ra và thực tế tại địa phương.

Chính quyền Trung Quốc thường kêu gọi chuyên gia nước ngoài tham gia thiết kế các dự án và Trung Quốc đã trở thành mặt bằng cho các công ty phương Tây thử nghiệm. Thí dụ về ngôi làng Hoàng Bách Dụ Thiên ở Liêu Ninh do người Mỹ thiết kế là một trường hợp điển hình.

Dù thành công về mặt công nghệ, kỹ thuật, nhưng các nông dân Trung Quốc không thể nào sinh sống tại đấy được. Lý do là vì chi phí xây dựng cao đến mức mà tiền nhà cực đắt.

Trung Quốc bị buộc phải siết chặt tín dụng

Một nỗ lực khác của Trung Quốc được tờ Les Echos chú ý, và lần này là trên bình diên kinh tế : làm sao chống lại lạm phát và bong bóng điạ ốc. Biện pháp trước mắt : tăng lãi xuất, siết chặt tín dụng và có thể đánh thuế trên điạ ốc.

Theo Les Echos chưa bao giờ có một sự đồng thuận về quan điểm trên chính sách tiền tệ của Trung Quốc như hiện nay, từ chính quyền Bắc Kinh cho đến giới phân tích kinh tế và cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế : đó là Trung Quốc không thể đeo đuổi chính sách dẽ dãi nữa mà phải siết chặt lại.

Biện pháp đầu tiên là tăng lãi suất, giúp Bắc Kinh đạt hai mục tiêu : vừa chống lạm phát, vừa khuyến khích tiết kiệm ngân hàng, trả lãi cao hơn cho những người tiết kiệm. Đến nay tiền họ gởi ngân hàng hầu như ‘mất giá’, vì không có lời gì cả.

Le Figaro trở lại những tiết lộ của Wikileaks theo đó lãnh đạo Trung Quốc dính líu vào việc Google bị tin tặc tấn công. Chính ông Lý Trường Xuân, nhân vật số 5 tại Trung Quốc đã ra lệnh tấn công Google khi thấy là có những bài không thuận lợi cho ông.

Hiện nay thì Bắc Kinh e ngại những tiết lộ khác, những phân tích không hay đối với Trung Quốc nằm trong các tài liệu của Đại sứ quán Mỹ mà Wikileaks tiết lộ.

Bắc Kinh lên cơn sốt vì Lưu Hiểu Ba

Báo Libération cũng nhìn về phiá Bắc Kinh, nhận thấy cơn sốt đang lên trước ngày trao giải Nobel Hoà bình tại Oslo. Libération nhắc lại các sự kiện đang làm lãnh đạo Trung Quốc bực tức : khoảng 40 gương mặt tên tuổi giới ly khai Trung Quốc sống lưu vong sẽ tề tựu về Oslo vào ngày trao giải thứ sáu tới đây. Ủy ban Nobel dự kiến để chiếc ghế trống trên bục, đánh dấu sự vắng mặt của ông Lưu Hiểu Ba đang ngồi tù, và được nhiều người ủng hộ.

Libération ghi nhận đây là lần đầu tiên từ sự cố Thiên An Môn, mà có nhiều nhà ly khai Trung Quốc tập hợp lại với nhau như thế : từ nhà vật lý thiên văn Phương Lệ Chi từng kêu gọi cải tổ chính trị ở Trung Quốc năm 1986, cho đến sinh viên, lãnh đạo phong trào Thiên An Môn, như bà Sài Linh hay Phương Trịnh. Ngoài ra còn có ít ra 4 chính khách Hồng Kông sẽ đến Oslo.

Tại Trung Quốc, các nhà ly khai cũng không ngồi yên : 6 người tại Hàng Châu đã đưa đơn xin được biểu tình ủng hộ Lưu Hiểu Ba, một hành động khiêu khích mà công an đã không chấp nhận. Theo Libération, công an mà họ đến gặp đã vứt đơn xuống đất và cảnh cáo : nếu có một đơn khác xin biểu tình thì sẽ phải chiụ hậu quả.

Chính quyền Trung Quốc đang làm mọi cách để giảm thiểu số người đến dự buổi lễ trao giải : từ việc ngăn chặn nhũng người trong nước đến Na Uy, với những lời răn đe là họ tác hại đến an ninh quốc gia, cho đến việc đe doạ, yêu cầu các nước không cử người đến Oslo.

Không hiểu là nỗ lực của Bắc Kinh sẽ có kết quả đền đâu. Nhưng trước mắt thì Trung Quốc bị chỉ trích khá gay gắt : mới nhất là vào hôm qua, trong một bức thư ngỏ, cựu tổng thống Séc, Vaclav Havel và Đức cha Desmond Tutu, người Nam Phi, đã đòi hỏi Trung Quốc trả tự do ngay cho Lưu Hiểu Ba và đánh giá thế giới nên ‘’bác bỏ một mô hình phát triển biện minh cho việc đàn áp, nhân danh tăng trưởng kinh tế.’’

Côte d’Ivoire : một đất nước, hai tổng thống

Nhìn ra thời sự thế giới, sự kiện mà phần lớn các báo dành tít trang nhất hôm nay là tình hình rối ren ở Côte d’Ivoire, sau khi cả hai ông Laurent Gbagbo và Allassane Ouattara đều tuyên thệ tổng thống. Le Figaro nói đến cuộc đọ sức của hai vị tổng thống. Trước bế tắc hiện nay, mọi người e ngại bạo động lại bùng lên.

Nhận định chung các báo là cưụ tổng thống Gbagbo nên rút lui.Trong hàng tít bài xã luận trang nhất, Le Monde nói thẳng thừng ông Gbagbo phải chấp nhận thất bại.

Tờ báo phân tích tình hình hiện nay rất nguy hiểm. Nội chiến đã từng bùng lên ở Côte d’Ivoire vào năm 2002, do chính trị căng thẳng. Nhưng thời ấy thì hai bên đều không nắm trong tay một lực lượng hùng hậu. Nhưng bây giờ thì khác. Le Monde cho là nguời phải chiụ trách nhiệm nếu bạo động xẩy ra ở Côte d’Ivoire đó là ông Gbagbo. Để tránh đổ máu, chỉ có một phương cách : ông Gbagbo phải chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, và như thế ra đi một cách đầy uy tín.

Tờ La Croix trong bài xã luận trang nhất tựa đề ‘trách nhiệm của một người’ cũng có đề nghị tương tự. Tờ báo còn nhìn thấy là ông Gbagbo có thể thương lượng về điều kiện ông ra đi, và nhất là ông có thể giành được cam kết những nguời ủng hộ ông không bị thiệt thòi trong chính quyền mới.

Đối với Liberation ông Gbagbo, khó mà chấp nhận ra đi. Tờ báo nhìn thấy vị cựu tổng thống đang áp dụng chiến lược ‘con nhiếm’, gồng lưng chiụ đựng. Ông đã gỡ máy điện thoại để không chiụ áp lực quốc đề nghị ông ra đi.

Vả lại theo Libération, nếu hiện nay, từ Hoa Kỳ đến Liên Hiệp Châu Âu, Liên hiệp Châu Phi, Liên Hiệp Quốc ủng hộ đối thủ của ông Gbagbo, nhưng hai nước thường trực Hội Đồng Bảo An, Nga và Trung Quốc thì lại không.

Tổng thống Sarkozy giúp Pháp chen chân vào thị trường Ấn Độ

Một sự kiện thời sự khác được các báo Pháp theo dõi là chuyến công du Ấn Độ của tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.Nếu l’Humanité nhìn thấy tổng thống Pháp ve vãn New Delhi để ký các hợp đồng, Le Figaro ngược lại, nêu bật sự đón tiếp long trọng của Ấn Độ, và nhất là việc phu nhân tổng thống được báo chí Ấn ca ngợi.

Giới truyền thông Ấn đã bám sát theo bà Carla, mô tả từng cử chỉ một. Le Figaro trích dẫn tờ báo kinh tế Ấn Độ Economic Times, cho là từ trước đến nay chỉ có chuyến viếng thăm của hoàng tử Anh Charles và công nương Diana, cách đây 15 năm, là đã thu hút chú ý như thế. Bà Carla được báo giới quan tâm nhiều hơn là tổng thống Sarkozy.

Trở lại mục tiêu chuyến công du tổng thống Pháp, Le Figaro loan báo, nếu mọi việc diễn ra theo dự kiến, tập đoàn Pháp Areva và Ấn NPCIL sẽ ký kết, với sự chứng kiến của tổng Pháp, một thoả thuận khung theo đó Areva sẽ xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân đầu tiên thế hệ mới EPR cho Ấn Độ, ở Jaitapur, phiá nam Bombay. Pháp muốn chen chân vào thị trường hạt nhân dân sự rất béo bở của Ấn.

Tại sao FIFA lại chọn Nga và Qatar tổ chức World Cup ?

Tờ La Croix tìm hiểu tại sao FIFA lại chọn Nga và Qatar tổ chức World Cup vào 2018 và 2022 và nhận thấy : đó là vì lý do an toàn, FIFA muốn bảo đảm an toàn tài chính trong các cam kết.

La Croix trích dẫn ông Pascal Boniface, giám đốc viện nghiên cứu quan hệ quốc tế và chiến lược IRIS của Pháp, phân tích là sự chọn lựa của FIFA nhầm đáp ứng hai mục tiêu. Thứ nhất là FIFA muốn bóng đá ngự trị mọi nơi trên toàn cầu, và thứ hai là bảo đảm việc tổ chức Cúp Thế giới trong nhũng điều kiện tốt nhất.

Chọn Nga và Qatar, hai quốc gia chưa hề tổ chức World Cup, và như Qatar nơi mà bóng đá không có vị trí như ở Châu Âu, FIFA nhằm chinh phục thêm vùng đất mới. Sự chọn lựa của FIFA có thể nói mang tính chất điạ lý chiến lược.

Vế mặt tổ chức, thì ngườ ta biết rõ ai sẽ lãnh đạo hai quốc gia này vào thời điểm 2018 và 2022. Ở Nga chắc chắn là Putin, một người hâm mộ bóng đá, ở Qatar cũng vậy, và chắc chắn nhũng gì cam kết hiện nay sẽ được thực hiện.

Theo viet.rfi

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc