Home » Cổ truyền, Văn hóa » Tử Cấm Thành: Thuyết Ngũ Hành trong triều Minh và triều Thanh

Thuyết Ngũ Hành của Trung Quốc cổ đại được vận dụng trong việc chọn lựa màu sắc của Tử Cấm Thành trong suốt các triều đại nhà Minh và nhà Thanh. (Guang Niu/Getty Images)

Trên bề mặt, vạn vật trong thế giới này có vẻ phức tạp và hỗn độn đến mức dường như chúng không có liên hệ gì với nhau. Tuy vậy, người Trung Quốc cổ đại tin rằng vạn vật thực ra đều liên kết với nhau, và mọi thứ đều được quyết định bằng những quy luật và trật tự.

Người Trung Quốc cổ đại đã phát hiện ra một quy luật chi phối các mối quan hệ và trật tự vô hình của vạn vật trên thế giới này: quy luật này được biết đến với tên gọi ‘Thuyết Ngũ Hành’. Ngũ Hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ, và chúng cấu thành nên vạn vật trên Trái Đất.

Nhưng Thuyết Ngũ Hành còn vượt xa hơn điều này nữa. Với thuyết Ngũ Hành, người Trung Quốc xưa đã có thể giải thích những mối quan hệ tương hỗ giữa Thiên, Địa và Nhân. Ví dụ như, Ngũ Hành có sự đối ứng trong các phương hướng; trong các mùa (thể hiện tác động của Trời); trong các cơ quan nội tạng và giác quan của con người; và chúng thậm chí còn có sự tương quan với cảm xúc, màu sắc, và mùi vị.

Bản chất của Thuyết Ngũ Hành là cái Lý rằng vạn vật đều tồn tại dưới dạng tương sinh và tương khắc. Từ đây, một người có thể hiểu được những nguyên nhân đằng sau sự sắp đặt của những thứ như sinh, tử và bằng cách nào mà bốn mùa tồn tại. Thuyết này cũng coi con người là một phần không thể thiếu của tự nhiên. Do đó, sẽ là vô nghĩa khi xem xét con người mà không xem xét môi trường xung quanh họ, và ngược lại. Tất cả sinh mệnh trong trời đất này đều tuân theo một trật tự nhất định. Người Trung Quốc cổ đại nói, nhân loại không thể vượt ra khỏi thể thống nhất giữa Trời, Đất và Người, hay quy luật tự nhiên tương sinh và tương khắc.

Hầu hết người Trung Quốc cổ xưa đều tôn sùng các quy luật của Trời Đất. Vì vậy, khi họ thiết kế nhà cửa, đặc biệt là những tổ hợp kiến trúc to lớn chẳng hạn như hoàng cung, thông thường họ dựa trên Thuyết Ngũ Hành. Tử Cấm Thành, hoàng cung của các triều đại nhà Minh và nhà Thanh, là một ví dụ rõ ràng về các ứng dụng kiến trúc của Thuyết Ngũ Hành.

Ngũ Hành gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, và Thổ có sự tương quan đến màu sắc, mùa, và phương hướng. Hành Mộc ứng với hướng Đông, mùa Xuân, và màu xanh lá. Nó có liên hệ đến sự sinh sôi và thức tỉnh; do đó, nó khuyến khích sự tăng tưởng điều độ, hay sự vươn lên, tương tự như mặt trời mọc ở hướng Đông.

Hành Hỏa ứng với hướng Nam, mùa Hè, và màu đỏ. Nó có liên hệ đến sự rực rỡ đỉnh cao, và sự thịnh vượng, giống như khi mặt trời ở giữa bầu trời vào buổi trưa.

Hành Kim ứng với hướng Tây, mùa Thu, và màu trắng. Nó được liên hệ với sự mát mẻ và sự kết thúc, cũng giống như mặt trời lặn ở đằng Tây vậy.

Hành Thủy ứng với hướng Bắc, mùa Đông, và màu Đen. Nó được liên hệ với sự đi xuống lạnh lẽo, thời tiết giá lạnh, mặt đất đóng băng, và buổi tối kéo dài ở miền Bắc.

Hành Thổ ứng với trung tâm, hạ chí, và màu vàng. Nó liên hệ tới sự màu mỡ và sự chín chắn vừa phải. Người Trung Quốc cổ đại chỉ dùng các màu xanh lá, vàng, và đỏ cho hoàng cung vì chúng ứng với sự phát triển, thịnh vượng và phong phú.

Màu xanh lá có liên hệ tới sự sống và sự sinh sôi. Vậy nên, mái ngói tráng men màu xanh lá đã được lợp trên nóc các Đông cung trong Tử Cấm Thành khi triều Minh vừa được dựng lập. Cho đến thời Gia Tĩnh (1522-1566 sau CN) của triều Minh thì không như vậy nữa, ngói màu vàng được thay thế cho ngói màu xanh lá. Họ muốn phô bày địa vị Hoàng đế cao quý của mình đến khắp mọi nơi bằng màu vàng, vì nó có nghĩa là địa vị và quyền lực tối cao.

Màu xanh lá cũng phù hợp với thanh niên cường tráng đang tuổi lớn, bởi vì nó có liên hệ với hành Mộc và mùa Xuân. Do đó, cung điện dành cho Hoàng Thái Tử được gọi là “Đông Cung” và nó được lợp mái ngói màu xanh lá.

Màu đỏ có liên hệ với sự thịnh vượng, và mang ý nghĩa “công lý và chính trực”. Vì vậy, các bức tường của Tử Cấm Thành và các cột trụ trong các cung điện được sơn màu đỏ, tượng trưng cho Hỏa.

Mặt khác, Tự Uyên Các, với nhiều bộ sách quý giá, được lợp ngói đen, tường sơn màu đen thay vì màu đỏ. Màu đen ứng với hành Thủy, mùa Đông, mùa của sự bảo quản và tích trữ. Hơn nữa, cổng thành Thiên Vũ Môn của Vườn Thượng Uyển, tọa lạc tại đầu phía Bắc của đường trung đạo của Tử Cấm Thành, ứng với hành Thủy là do vị trí của nó. Vì vậy, tường của nó được sơn màu đen, để hòa hợp với phương hướng và màu sắc tự nhiên. Một lý do khác cho việc sơn tường màu đen cho cổng thành Thiên Vũ Môn có thể là do Thủy khắc Hỏa.

Màu vàng ứng với hành Thổ, và trung tâm. Trung tâm tượng trưng cho sức mạnh tối cao của một người từ ở giữa mà quán xuyến tất cả mọi phương hướng. Do vậy, màu vàng được dành riêng cho các hoàng đế. Nóc hoàng cung được lợp bằng ngói tráng men vàng, và các cung điện hầu hết được sơn màu vàng, hoặc trang trí bằng những lá vàng ròng.

(Theo The Epoch Times)


01 ý kiến dành cho “Tử Cấm Thành: Thuyết Ngũ Hành trong triều Minh và triều Thanh”

Ý kiến bạn đọc