Home » Chuyện sao » Để được dự thi ĐH, CĐ cần những điều kiện gì?
Điều kiện để được dự thi ĐH,CĐ? Học hệ dân sự ĐH Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy có phải đóng học phí? Học tiếng Anh Thương mại, tiếng Anh Ngân hàng khác nhau như thế nào, cơ hội việc làm ra sao?

Năm nay tôi đã 38 tuổi, bị liệt một chân muốn dự thi đại học. Cho tôi hỏi để được dự thi đại học, cao đẳng thì cần những điều kiện gì? ([email protected])

Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội hoặc hoàn cảnh kinh tế, nếu có đủ các điều kiện sau đây đều được dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ:

Đã tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trung học nghề, trung cấp nghề (sau đây gọi chung là trung học); Người đã tốt nghiệp trung cấp nghề phải là người đã tốt nghiệp trung học cơ sở, đã học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp các môn văn hóa THPT đạt yêu cầu theo qui định của Bộ GD-ĐT.

Có đủ sức khoẻ để học tập theo quy định hiện hành. Người tàn tật, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học là người được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt, học tập do hậu quả của chất độc hoá học, tuỳ tình trạng sức khoẻ và yêu cầu của ngành học, hiệu trưởng xem xét, quyết định cho dự thi tuyển sinh.

Trong độ tuổi quy định đối với những ngành có quy định hạn chế tuổi; Đạt được các yêu cầu sơ tuyển, nếu dự thi vào các trường có quy định sơ tuyển; Trước khi dự thi có hộ khẩu thường trú thuộc vùng tuyển quy định, nếu dự thi vào các trường có quy định vùng tuyển; Nộp đầy đủ, đúng thủ tục, đúng thời hạn các giấy tờ và lệ phí đăng ký dự thi, lệ phí dự thi theo quy định của Bộ GD-ĐT; Có mặt tại trường đã đăng ký dự thi đúng lịch thi, địa điểm, thời gian quy định ghi trong giấy báo dự thi;

Quân nhân hoặc công an nhân dân tại ngũ chỉ được dự thi vào những trường do Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an quy định sau khi đã được cấp có thẩm quyền cho phép đi học; Quân nhân tại ngũ sắp hết hạn nghĩa vụ quân sự theo quy định, nếu được thủ trưởng từ cấp trung đoàn trở lên cho phép, thì được dự thi theo nguyện vọng cá nhân, nếu trúng tuyển phải nhập học ngay năm đó, không được bảo lưu sang năm học sau.

Người bị khiếm thính, nếu sức khoẻ phù hợp với ngành nghề đào tạo, hiệu trưởng quyết định việc tổ chức tuyển sinh (môn thi, cách thức tổ chức thi và công nhận trúng tuyển).

Bộ cũng quy định, những người không đủ các điều kiện kể trên và những người thuộc diện dưới đây không được dự thi: Không chấp hành Luật Nghĩa vụ quân sự; Đang trong thời kỳ thi hành án hình sự; Bị tước quyền dự thi tuyển sinh hoặc bị kỷ luật buộc thôi học chưa đủ hai năm (tính từ năm bị tước quyền dự thi hoặc ngày ký quyết định kỷ luật đến ngày dự thi);

Học sinh, sinh viên chưa được hiệu trưởng cho phép dự thi; cán bộ, công chức, người lao động thuộc các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân chưa được thủ trưởng cơ quan cho phép đi học.

Năm nay em muốn thi vào trường ĐH phòng cháy chữa cháy nhưng băn khoăn giữa hệ dân sự và hệ công an. Hệ dân sự có phải là thí sinh tự do nộp đơn vào không qua xét tuyển, còn hệ công an thì phải qua xét tuyển của địa phương phải không? Và hệ công an có phải đóng học phí và ăn ở như hệ dân sự không, và nghề nghiệp sau khi ra trường của hai hệ là gì ? Mong anh (chị) tư vấn và phản hồi dùm em, em đang rất băn khoăn về việc này ([email protected]):

Theo quy định, thí sinh dự thi vào học viện, trường đại học công an đều phải qua sơ tuyển tại công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thí sinh đăng ký hộ khẩu thường trú (hồ sơ ĐKDT mua tại nơi sơ tuyển).

Riêng đối với thí sinh dự thi vào theo chỉ tiêu đào tạo dân sự của trường ĐH Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (ĐH CS PCCC) không phải qua sơ tuyển. Việc khai, nộp hồ sơ theo quy định của Bộ GD-ĐT, không qua công an các đơn vị địa phương.

Thí sinh thi vào trường ĐH CS PCCC không đủ điểm vào đại học được xét vào học trung cấp PCCC trong và ngoài ngành Công an.

Thí sinh trúng tuyển vào trường theo diện đã qua sơ tuyển tại địa phương được nhà trường bao cấp toàn bộ học phí, ăn, ở… và được phân công công tác theo quy định của ngành sau khi tốt nghiệp. Còn thí sinh học hệ dân sự phải nộp học phí, tự bố trí ăn ở như sinh viên các trường đại học khác. Sau khi ra trường thí sinh hệ dân sự phải tự tìm việc làm. Do vậy, trước khi đăng ký dự thi vào trường em nên cân nhắc kỹ cho phù hợp với khả năng và năng lực của mình. Chúc em thành công.

Em sinh ngày 19/11/1990. Năm nay em muốn dự thi vào trường Học viện An ninh nhân dân. Theo thông tin trên dantri.com.vn thì thí sinh tốt nghiệp THPT tuổi đời không quá 20 với được sơ tuyển. Tuổi em cho đến tháng 9/2011 em vẫn chưa được 21 tuổi. Vậy em có đủ điều kiện dự thi không? ([email protected]):

Em hoàn toàn đủ điều kiện dự thi vào Học viện An ninh Nhân dân vì theo quy định của ngành công an về độ tuổi đối với thí sinh dự thi như sau: Học sinh THPT hoặc bổ túc THPT không quá 20 tuổi; học sinh có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số và chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự trong quân đội nhân dân hoặc hoàn thành phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân không quá 22 tuổi (tính đến năm dự thi).

Kính gửi ban tư vấn tuyển sinh ,em có thắc mắc muốn hỏi về ngành Đông phương học của trường đại học khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội. Năm nay, em muốn thi khối D vào ngành này , em muốn hỏi điểm chuẩn khối D của ngành môn tiếng anh có nhân đôi không? ([email protected])

Điểm chuẩn môn tiếng Anh, khối D của khoa Đông Phương học trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH QGHN không nhân hệ số. Em có thể tham khảo điểm chuẩn của khoa năm 2010 như sau: Khối C: 22 điểm, khối D: 19 điểm.

Cho em hỏi năm nay em định thi Trường ĐH Thương mại nhưng sắp đến ngày đăng kí hồ sơ nhưng em chưa biết lực học của mình để đăng kí vào ngành nào. Vậy em có thể nộp hồ sơ Đăng kí 1 Ngành cao hơn và 1 ngành thấp điểm hơn được không. Và trước khi thi em có thể chọn 1 trong 2 ngành được không? ([email protected])

Em hoàn toàn được quyền nộp nhiều hồ sơ dự thi vào nhiều ngành của trường và trước khi thi em có quyền được lựa chọn vào ngành học cảm thấy phù hợp với năng lực của em.

Hàng năm, trường ĐH Thương nại thực hiện điểm xét tuyển theo chuyên ngành/khoa. Riêng khoa tiếng Anh Thương mại thi theo khối D1, trong đó môn tiếng Anh có nhân hệ số 2, các môn khác nhân hệ số 1.

Em cũng lưu ý, Hệ cao đẳng của trường không tổ chức thi tuyển, lấy kết quả thi đại học của những thí sinh đã dự thi khối A theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT để xét tuyển, trên cơ sở hồ sơ đăng ký xé tuyển theo ngành của thí sinh. Do vậy, nếu điểm thi của em trên điểm sàn của Bộ nhưng không trúng tuyển vào đại học, em sẽ có nhiều cơ hội để vào hệ cao đẳng của trường.

Em rất băn khoăn không biết sau nếu trúng tuyển vào khoa Tiếng Anh của Trường ĐH Thương Mại thì em sẽ được học những gì, sau này ra trường em có thể làm những ngành nghề cụ thể gì? Nếu trúng tuyển vào khoa Tiếng Anh của Học Viện Ngân Hàng em sẽ được học những gì, sau khi ra trường em có thể làm những ngành nghề cụ thể gì? Em thấy điểm trúng tuyển khoa Tiếng Anh của HVNH cũng không cao lắm so với các trường top đầu, có phải là tại vì học khoa này ra khó xin việc hơn không? ([email protected]

Sinh viên học tiếng Anh Thương mại ngoài việc được cung cấp kiến thức cơ bản về ngôn ngữ và văn hóa, kiến thức chuyên sâu về ngoại ngữ tiếng Anh ở trình độ cao còn có thêm kiến thức về thương mại, kinh doanh, quản trị, tài chính và kinh tế xã hội và có các kỹ năng cần thiết để làm việc và phát triển trong môi trường hiện đại, hội nhập.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên làm ở các vị trí, Biên – phiên dịch viên tiếng Anh chuyên ngành (Thương mại, Kinh tế, Quản trị, Tài chính, Ngân hàng…) tại các công ty truyền thông, viện nghiên cứu (ngôn ngữ, kinh tế, quản lý…); nhân viên các bộ phận chức năng như kinh doanh, truyền thông, dịch vụ, dự án, marketing… thuộc các doanh nghiệp và tổ chức có sử dụng Tiếng Anh; giáo viên Tiếng Anh chuyên ngành tại các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học thuộc khối kinh tế; nghiệp vụ bán hàng, xúc tiến thương mại quốc tế; đầu tư quốc tế; phát triển thị trường và chăm sóc khách hàng; phát triển hệ thống phân phối; marketing, PR…

Đối với khoa tiếng Anh, Học viện Ngân hàng, ngoài việc được cung cấp kiến thức cơ bản về ngôn ngữ và văn hóa, kiến thức chuyên sâu về ngoại ngữ tiếng Anh ở trình độ cao còn có thêm kiến thức chuyên về Ngân hàng… Điểm chuẩn vào ngành Tiếng Anh – Tiếng Anh tài chính ngân hàng của Học viện Ngân hàng năm 2010 là 19,5 điểm.

Với sự ra đời và phát triển nhanh chóng của các ngân hàng thương mại, ngân hành liên doanh cũng như chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài, nhu cầu về nhân lực chất lượng cao đang rất lớn. Hiện nay, đang diễn ra cuộc cạnh tranh ngầm gay gắt giữa các ngân hàng để có được nguồn nhân lực này. Các ngân hàng sẵn sàng chi trả mức lương rất cao cùng các chính sách đãi ngộ khác cho những người có năng lực; hàng năm đều tổ chức các đợt tuyển dụng; điều kiện về kinh nghiệm làm việc không quá cao, thậm chí có ngân hàng không yêu cầu kinh nghiệm và họ sẽ đào tạo thêm cho sinh viên mới ra trường. Chúc em thành công!

Ban Tư vấn tuyển sinh

Theo dantri


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc