Home » Văn hóa » Tuấn Hiệp khóc khi thu album
Giải nhì Tiếng hát Truyền hình Hà Nội 2002 ra album đầu tay về nhạc xưa lấy tên là “Bơ vơ”.

Với chất giọng nam trung trầm, dày, đầy đặn, ngay từ khi theo học tại Nhạc viện Hà Nội, Tuấn Hiệp đã là một trong số ít những người được đặt nhiều hy vọng sẽ có những bước đột phá mới cho dòng nhạc opera. Từ một chàng sinh viên Đại học Nông nghiệp, chỉ sau một lần tình cờ gặp NSND Quang Thọ, Tuấn Hiệp đã được hai giọng ca kỳ cựu là Quang Thọ – Lê Dung nhận dạy dỗ và thi đỗ thủ khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội với số điểm tuyệt đối.

Sau khi tốt nghiệp, Hiệp về công tác tại Nhà hát Quân đội, trở thành giọng hát đơn ca chính, solist chính trong tốp ca nam đoàn ca múa Tổng cục chính trị. Trong khi những người cùng thời lần lượt du Nam tìm kiếm thị trường, thì Tuấn Hiệp lại hài lòng với việc trở thành một ca sĩ – chiến sĩ và lúc rảnh rỗi đi hát ở phòng trà.

Ca sĩ Tuấn Hiệp
Tuấn Hiệp quan niệm, muốn thể hiện tốt dòng nhạc xưa hay bất cứ dòng nhạc nào thì việc đầu tiên là phải hiểu được tác phẩm đó muốn nói lên điều gì. Ảnh: TH.

Ban ngày, chàng ca sĩ – chiến sĩ hát những ca khúc cách mạng hùng tráng, khoe giọng mạnh mẽ. Đêm đến, tại các phòng trà, anh lại ngọt ngào, có phần ảo não với nhạc xưa. Cũng chính dòng nhạc xưa đã đưa Tuấn Hiệp dần trở thành cái tên quen thuộc với khán giả yêu nhạc trữ tình tại Hà Nội. Nếu như “Mắt biếc”, album hát chung với Tùng Dương và Lệ Quyên đánh dấu sự thử sức với nhạc trữ tình của Tuấn Hiệp thì “Bơ vơ” khẳng định quyết tâm gắn bó với nhạc xưa của anh.

Thể hiện các ca khúc trong “Bơ vơ”, Tuấn Hiệp đã quên đi những kỹ thuật thanh nhạc để dành cả tình yêu, cảm xúc cho từng lời ca, giai điệu. Trong 10 ca khúc thì có tới 7 bài anh đã khóc khi thể hiện tại phòng thu. “Bơ vơ” tập hợp những sáng tác không quá cũ: Nắng hạ, Dạ khúc (Nguyễn Trung Cang), Tình yêu đến trong giã từ, Bơ vơ, Tiếng hát lạc loài (Nguyễn Ánh 9), Khúc thụy du (Anh Bằng), Chờ người, Một mình (Lam Phương), Nỗi đau muộn màng (Ngô Thụy Miên), Rồi mai tôi đưa em đi (Trường Sa). Trong chương trình Chân dung âm nhạc về Nguyễn Ánh 9, khi Tuấn Hiệp thể hiện Tiếng hát lạc loài anh từng được tác giả hết lời khen ngợi.

Album riêng đầu tay của Tuấn Hiệp còn có sự xuất hiện của một trong những ca sĩ gắn liền với dòng nhạc xưa được nhiều người yêu thích, Quỳnh Lan. Quỳnh Lan là “nữ hoàng phòng trà” ở TP HCM. Hai người dự định sẽ song ca chung một CD và sẽ cho phát hành trong tháng 8 năm nay.

Ngọc Trần

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc