Home » Xã hội » Tuyết rơi tại Sa Pa cảnh báo tình trạng thời tiết khắc nghiệt

Theo nhận định của nhiều nhà khoa học, việc nhiệt độ xuống thấp, gây rét đậm và có tuyết rơi tại Sa Pa (Lào Cai) vào tháng 3 là lời cảnh báo về sự khắc nghiệt của thời tiết trong thời gian tới.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đợt rét đậm và có tuyết rơi ở Sapa, Bát Xát (Lào Cai) vừa xảy ra trong tháng 3 là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử. Đây không chỉ là sự dị thường của thời tiết, khí hậu Việt Nam mà của cả thế giới.

tuyet
Sa Pa có tuyết rơi vào tháng 3, chuyện chưa từng có trước đây.

Ngày càng khắc nghiệt

Minh họa cho hiện tượng bất thường nói trên, kỹ sư Lưu Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Lào Cai, dẫn chứng: Theo dãy số liệu từ trước đến nay, chưa bao giờ trong tháng 3 lại có tuyết rơi ở Sa Pa.

Thông thường, mưa tuyết thường xảy ra ở Sa Pa vào cuối tháng 12, nhiều nhất là vào tháng giêng hoặc rất lâu mới xuất hiện vào nửa đầu tháng 2 (lần gần nhất là năm 1968).

Từ thực tế, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, nhận định biến đổi khí hậu hiện chỉ được hiểu khá đơn giản là nhiệt độ nóng lên, nước biển dâng cao trong 20-50 năm sau.

“Nhưng mọi người cần phải biết là trong 5-7 năm gần đây, thời tiết khắc nghiệt hơn rất nhiều, theo khuynh hướng nắng nóng hơn và lạnh cũng lạnh hơn. Khắc nghiệt hơn nữa là việc nóng hơn và lạnh hơn lại có thể xuất hiện trong cùng một năm như năm 2010 vừa qua. Và sự khắc nghiệt này có thể tái diễn ở mức độ ngày càng cao” – ông Hải lo ngại.

Cần thường xuyên thay đổi cách đối phó

Năm nay, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng thời tiết La Nina nên sẽ có mưa trái mùa, lốc xoáy, mưa lũ gây ngập lụt sẽ xuất hiện nhiều hơn và diễn biến rất khó lường.

Bà Nguyễn Lan Châu (Cố vấn của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương)

TS Nguyễn Văn Thắng, Viện phó Viện Nghiên cứu Khí tượng Thủy văn và Môi trường, nhận định sự biến đổi khí hậu đã ngày càng rõ rệt, thiên tai ngày càng nhiều, phức tạp và bất thường làm cho công tác dự báo ngày càng khó khăn.

Đặc biệt, tác động của thời tiết ngày càng cực đoan như nơi này thì hạn hán, nơi khác lại xảy ra đại hồng thủy.

Cùng đánh giá này, ông Lê Thanh Hải dẫn ví dụ về đợt rét tháng 3 đang diễn ra ở phía Bắc đã được dự báo nhưng cơ quan khí tượng trong nước hoàn toàn bất ngờ khi nhiệt độ xuống 0°C và có tuyết ở Sa Pa, Bát Xát.

Trước hiện tượng thời tiết bất thường đe dọa và khó lường, ông Lê Thanh Hải cho rằng Nhà nước cần thường xuyên điều chỉnh các “kịch bản” đối phó với biến đổi khí hậu. Bởi từ những diễn biến bất thường gần đây cho thấy thời tiết thay đổi rất nhanh, phức tạp.

Cùng với đó là việc quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đô thị, khu dân cư cần phải hài hòa và thích ứng theo sự “đỏng đảnh” của thời tiết.

Ông Lê Thanh Hải dẫn ra hàng loạt khu vực ven các đầm phá, cửa sông trước đây người dân vẫn sinh sống nhiều đời nhưng hiện tại và trong tương lai gần, những phần đất này sẽ bị chôn vùi dưới nước hoặc xói lở hoàn toàn.

tuyet1
Tháng 3, Sa Pa bất ngờ có tuyết rơi dày đặc.

Vùng núi có nơi đang rét đậm

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ ngày 22/3, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông, trong cơn dông cần đề phòng có tố lốc và gió giật mạnh do ảnh hưởng của không khí lạnh tràn về. Vùng biển ngoài khơi Trung Bộ từ chiều 22/3 có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật trên cấp 6; biển động.

Khu vực Bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) từ ngày 22-3 có gió Đông Bắc mạnh cấp 6 – 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9 – 10; biển động mạnh. Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ ngày 22-3 trời trở rét, vùng núi có nơi rét đậm. Đến ngày 23-3, sẽ kết thúc đợt rét đậm nhưng vẫn còn những đợt lạnh (15°C đến 20°C) trong tháng 3.

Theo Bảo Trân

Người lao động


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc