Home » Xã hội » Cựu binh Mỹ 50 lần sang Việt Nam vì bi kịch da cam
Trong vòng 17 năm, James G. Zumwalt – cựu trung tá thủy quân lục chiến Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, đã hơn 50 lần đến Việt Nam, phỏng vấn 200 người để tìm kiếm giải pháp khắc phục hậu quả chất độc da cam.

Lần thứ 51 đến Việt Nam, ngồi trong góc căn phòng lặng yên giữa Sài Gòn, những hồi ức một thời lại ùa về với người cựu chiến binh Mỹ.

Sinh ra trong một gia đình theo truyền thống binh nghiệp ở Mỹ, vừa tròn 20 tuổi, Zumwalt theo cha đến Việt Nam để tăng cường cho lực lượng thủy quân lục chiến tại Việt Nam. Lúc đó, cha ông là Đô đốc Elmo Russell Zumwalt (Tư lệnh Hải quân Mỹ) đang tìm các giải pháp đánh phá hệ thống bụi cây rậm rạp ven sông. Ngay sau khi con trai đến, vị Đô đốc ra lệnh sử dụng một loại hóa chất để làm rụng lá cây các vùng rừng ven sông lân cận Sài Gòn.

Hai cha con Zumwalt tại chiến trường Việt Nam. Ảnh nhân vật cung cấp.
Hai cha con Zumwalt tại chiến trường Việt Nam. Ảnh nhân vật cung cấp.


Lúc bấy giờ, hai cha con Zumwalt tin chắc rằng, đó là chất diệt cỏ, không gây hại cho con người theo như lời cam đoan của nhà sản xuất. Phải nhiều năm sau, ông mới biết đó là chất gây ung thư, chất độc da cam. Nhiều người lính đã chiến đấu với ông cũng bị nhiễm. Đau đớn hơn, năm 1988, anh trai ông đã chết do nhiễm phải chất độc này.

Sau cái chết này, cha của Zumwalt đã bắt đầu sự nghiệp thuyết phục chính phủ Mỹ thừa nhận những ảnh hưởng của chất độc da cam lên sức khỏe con người và bồi thường tài chính cho các cựu chiến binh Việt Nam bị ảnh hưởng.

Năm 1994, lần đầu tiên sau chiến tranh, Zumwalt đã cùng cha đến Việt Nam nhằm mục đích gặp gỡ những cựu binh, để cùng chính phủ Việt Nam mở cuộc nghiên cứu và tìm giải pháp khắc phục hậu quả về tác hại của chất độc này. Trong vòng 17 năm, Zumwalt đã qua Việt Nam hơn 50 lần, phỏng vấn 200 cựu binh… nhận thức về cuộc chiến của ông dần dần thay đổi.

“Lần đầu tiên khi cha tôi bảo cùng đi với ông đến Việt Nam, tôi một mực từ chối vì tim còn trĩu nặng những uất hận về việc anh trai tôi qua đời. Nhưng sau đó, ông đã thuyết phục tôi đi tìm hiểu người ở bên kia chiến tuyến. Chính những cuộc tiếp xúc đã làm tôi thay đổi hoàn toàn”, ông cho biết.

Zumwalt kể, người đã làm ông thay đổi từ lòng thù hận đến chỗ đồng cảm là cuộc gặp với bác sĩ – Thiếu tướng Nguyễn Huy Phan và bác sĩ Lê Cao Đài. Qua đó, ông thấy rằng, họ cũng có những bi kịch như ông. Nỗi đau mất anh trai của ông cũng giống nỗi đau mất em trai của bác sĩ Phan.

“Tôi rất xúc động. Tôi nghĩ tôi còn may mắn hơn bác sĩ Phan ở chỗ, khi anh trai tôi mất tôi còn được nhìn thấy trái tim anh thanh thản ra đi. Còn bác sĩ Phan, phải mất 17 năm mới tìm được hài cốt người em tử nạn”, Zumwalt tâm sự. Và lần đầu tiên Zumwalt chợt nhận ra rằng, trái tim mình cùng hòa nhịp với những con người phía bên kia chiến tuyến. Nó đã chuyển từ thù thành bạn.

Ba cha con Zumwalt tham chiến tại Việt Nam. Ảnh nhân vật cung cấp.
Ba cha con Zumwalt tham chiến tại Việt Nam. Ảnh nhân vật cung cấp.


Sau đó, ông cùng cha đến một cơ sở chăm sóc người khuyết tật, nơi có nhiều người vẫn tiếp tục chịu đựng đau khổ sau chiến tranh. Khi chứng kiến những người bị cụt hai chi, ba chi, bốn chi do bom, mìn gây ra, vị Tư lệnh hải quân Mỹ năm xưa đã quyết định cung cấp chân tay nhân tạo và các thiết bị hỗ trợ cho cựu quân nhân Việt Nam.

Giọng nói ông bắt đầu chùng xuống, lập bập xúc động khi kể về lần gặp mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè. “Tôi chưa bao giờ gặp một người phụ nữ như thế. Khuôn mặt phúc hậu của bà Mè dường như tương phản với những bi kịch trong tim bà. Nỗi đau mất đi ba người con trai và một phần thân thể người con thứ tư không khiến bà nung nấu lòng thù hận đối với người Mỹ đang đứng trước mặt…”, ngừng giây lát Zumwalt tự nghĩ: “Công bằng ở đâu giành cho người mẹ này khi bà chịu quá nhiều đau đớn và mất mát?”.

Trong 200 cuộc gặp gỡ, ông ấn tượng nhất là về lần gặp Thiếu tướng Trần Hải Phụng. Ông kể, lúc đầu muốn gặp tướng Phụng là để tìm hiểu về cách vận hành và cấu trúc của địa đạo Củ Chi. Nhưng cuối cuộc gặp, tướng Phụng mới hé lộ ông ấy từng chỉ huy nhiệm vụ ám sát cha của ông.

Đó là vào tháng 5/1969, khi nhận được thông tin tình báo về cách thức sinh hoạt và làm việc của Tư lệnh Hải quân Mỹ, Thiếu tướng Trần Hải Phụng lên kế hoạch ám sát.

Hóa trang cẩn thận, hai người đàn ông đi trên một chiếc xe máy. Một người cầm lái, người kia ngồi phía sau ôm theo một bọc thuốc nổ trước bụng áp sát trụ sở COMNAVFORV (Tư lệnh hải lực Mỹ tại Việt Nam). Phía bên trong trụ sở, nội gián là một đầu bếp lén đánh dấu lên bức tường. Khi hai sát thủ đến, thấy dấu hiệu trên bức tường liền ném bọc thuốc nổ qua tường vào trong sân bóng chuyền, nơi vị Tư lệnh sẽ có mặt để chơi bóng như thường lệ. Tuy nhiên, vào phút chót, trận bóng chuyền bị hủy bỏ do Tư lệnh phải tham dự một cuộc họp khẩn. Kế hoạch vì thế không thành công.

“Tôi đang ngồi đối diện với người từng tìm cách giết cha tôi trong chiến tranh. Nhưng tôi đã bắt tay ông trong tình nhân ái. Sau cuộc gặp với tướng Phụng, tôi trở về khách sạn và điện thoại ngay cho cha tôi để kể cho ông nghe về điều này”, Zumwalt kể.

Cựu Trung tá thủy quân lục chiến James G. Zumwalt lần thứ 51 đến Việt Nam.
Cựu Trung tá thủy quân lục chiến James G. Zumwalt lần thứ 51 đến Việt Nam. Ảnh: Tá Lâm.


Từ những thay đổi nhận thức về cuộc chiến, từ chỗ bất hòa về quan điểm và xung khắc nhiều chính kiến, nay đã thấu hiểu phần nào bản chất thực sự mà chiến tranh đã gây ra từ hai phía, Zumwalt đi đến quyết định viết hồi ký về chiến tranh Việt Nam để người Mỹ có cái nhìn khách quan hơn về cuộc chiến.

Cuốn “Bare Feet, Iron Will” (tạm dịch “Chân trần, Chí thép”) được xuất bản lần đầu tại Mỹ năm 2010 và chính thức ra mắt tại Việt Nam ngày 21/4. Cuốn sách viết về những người lính Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Ngay trong ngày ra mắt, ông đã tặng 1.000 USD cho nạn nhân chất độc da cam.

“Khi tôi viết cuốn sách này, có rất nhiều quan điểm gây tranh cãi và đối lập bởi nhiều cựu binh Mỹ cảm thấy khó khăn để buông bỏ quá khứ. Tôi muốn cho người Mỹ nhìn nhận khía cạnh nhân văn của phía Việt Nam trong cuộc chiến”, ông chia sẻ.

Zumwalt dự định sẽ hỗ trợ, theo lời mời của hãng phim Florentine để làm một bộ phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam. Nếu bộ phim được thực hiện, ông hy vọng đó sẽ là một tiếng nói quan trọng trong quá trình đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam.

Tá Lâm

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc