Home » Cổ truyền, Văn hóa » Gương người xưa: Dùng từ bi và đức độ để cảm hóa dân chúng

Ảnh minh họa (Nguồn: TalesofWisdom.com)

Lỗ Cung, tự Trọng Khang, là người sống vào thời Đông Hán (năm 25 đến năm 220 sau Công nguyên) ở đất Phù Phong, huyện Bình Lăng. Từ khi còn nhỏ, ông đã học tập Ngũ Kinh [1] và Lỗ Thi, lại tinh thông lễ nghi, nên danh tiếng truyền xa. Quan Huyện ở đó thương xót gia cảnh của ông bần hàn nên mỗi năm thường phái người đem lúa gạo đến cho, nhưng đều bị Lỗ Cung cám ơn và từ chối không nhận. Tri Huyện vì khâm phục đức hạnh của Lỗ Công, muốn cho ông một chức phụ giúp trong dinh quan Huyện, nhưng cũng bị Lỗ Cung lễ phép từ chối với lý do chưa đủ tuổi làm việc.

Sau khi Lỗ Cung trưởng thành, ông thi đỗ và được bổ nhiệm chức Tri Huyện của huyện Trung Mưu. Lúc ban đầu làm quan Huyện, ông đã được mọi người cảm phục vì tiết tháo cao thượng và đạo đức tu dưỡng. Ông thường dùng đức hạnh để cảm hóa dân chúng, và rất ít khi sử dụng hình phạt. Trong suốt thời gian ông làm quan ở huyện Trung Mưu, dân chúng nơi đó thường thường hiền lành, trung hậu, an cư lạc nghiệp.

Có một lần, một người thưa kiện lên Lỗ Cung rằng một người tên Đình Trường đã mượn anh ta một con trâu nhưng sau đó không chịu trả lại cho anh. Vì vậy Lỗ Cung đã phái người đem Đình Trường lên dinh quan để thẩm vấn. Ông nói:

“Nhà ngươi đã mượn con trâu của người ta, sau khi dùng xong thì phải trả lại cho họ. Bây giờ người chủ con trâu đã cáo trạng lên ta, ngươi phải lập tức đem trâu trả lại cho họ, xong rồi phải xin lỗi họ nữa.”

Đình Trường trả lời : “Bẩm quan Huyện, tôi mượn con trâu của hắn ta hồi nào chớ? Đây là con trâu của tôi mà!”

Người chủ con trâu nói: “Thật hồ đồ! Rõ ràng là ngươi mượn con trâu của nhà ta, nhưng lại không nhìn nhận là nghĩa làm sao? “

Đình Trường cãi: “Hắn nói dối đấy! Làm sao tôi lại mượn con trâu của hắn chớ?”

Lỗ Cung, sau khi nghe xong, liền thở dài, buồn bã nói: “Không cần phải cãi nhau nữa. Bất kể hai ngươi ai đúng ai sai, nói tóm lại, là ta có trách nhiệm, vì cách giáo hoá của ta không có hiệu quả, không cảm hóa người ta được.” Nói xong, ông đứng dậy, cởi áo quan ra và chuẩn bị từ chức.

“Xin đại nhân đừng từ chức”, nha lại và hầu cận nơi đó van xin thảm thiết.

“Xin đại nhân đừng đi”, dân chúng cũng khóc lóc năn nỉ.

“Đại nhân, con trâu của tôi, tôi không cần nó nữa, xin đại nhân đừng vì chuyện này mà từ quan”, chủ nhân con trâu khẩn khoản xin.

Nhìn thấy tình cảnh như vậy, Đình Trường cảm thấy rất hổ thẹn. Anh ta nói: “Đại nhân, tôi đã làm sai, nhất thời bị ma quỷ mê hoặc, xui khiến mà làm bậy. Tôi xin trả lại con trâu cho khổ chủ. Xin đại nhân cứ trừng phạt tôi đi!”. Đình Trường rốt cuộc đã nhận ra lỗi lầm của mình.

Lỗ Cung liền để Đình Trường trả lại con trâu xong xuôi rồi, cũng không trách phạt anh ta. Dân chúng biết được chuyện này rất kính phục cách xử lý của Lỗ Cung.

Một lần khác, có nạn dịch châu chấu phá hoại mùa màng của những huyện lân cận xung quanh Trung Mưu, nhưng đặc biệt là châu chấu không hề xâm phạm huyện Trung Mưu. Quan Phủ doãn của tỉnh Hà Nam là Viên An, sau khi nghe nói, còn hoài nghi điều này không phải sự thật, bèn phái viên quan Phì Thân đi trước dò xét tình hình. Lỗ Cung đi cùng với Phì Thân ra ngoài thị sát ruộng đồng. Một lúc sau Phì Thân ngồi nghỉ chân dưới gốc cây dâu, nhìn thấy một con chim trĩ rơi xuống đất và có một đứa bé đang chơi đùa gần đấy.

“Sao không bắt con chim này đi?”, Phì Thân hỏi.

“Nó đang ấp chim con mà! Tội nghiệp nó lắm”, đứa bé trả lời.

Sau khi nghe vậy, Phì Thân lập tức đứng dậy và vội vã trở về báo cáo lên quan Phủ doãn Viên An.

“Bẩm quan Phủ, huyện Trung Mưu có 3 điều lạ. Điều lạ thứ nhất, châu chấu không hề xâm phạm huyện này. Điều lạ thứ hai, ngay cả chim muông và thú vật cũng được ấp ủ trong thiện lành. Điều lạ thứ ba, trẻ em đều có lòng nhân từ. Nếu hạ quan ở lâu thêm chút nữa, e rằng chỉ quấy nhiễu những người hiền lương.”

Quan Phủ Viên An nghe xong liền thượng báo triều đình về lòng hiền lương của Lỗ Cung.

Sau khi Lỗ Cung mãn nhiệm kỳ ở huyện Trung Mưu, ông được mời về triều đình. Bởi vì thành tích về cách cai trị của ông đã nổi bật, ông được thăng lên chức quan Tư Đồ [2].

Lòng thương dân của Lỗ Cung, chú trọng trong sự giáo hóa dân chúng với chính sách khoan dung và nhân từ, đã làm cho bá tính quý mến ông rất nhiều. Những câu chuyện về Lỗ Cung áp dụng lòng nhân từ và đạo đức để cảm hóa con người đã được truyền tụng tới nhiều thế hệ sau.

Ngày nay khi chúng ta đang cố gắng phục hưng nền văn hóa Thần truyền cổ xưa, chúng ta nên quý trọng các sinh mệnh, quan tâm đến tương lai, và gợi dẫn những ý tưởng thiện lành trong lòng của mọi người. Đây là một hoài bão rất rộng lớn, và là một cảnh giới cao hơn, chứng tỏ sự tôn trọng và gánh trách nhiệm đối với các sinh mệnh, và cũng để cảm ơn những phúc lành mà Trời, Phật, Thượng Đế đã ban cho chúng ta.

Chú thích:

[1] Ngũ Kinh: 5 quyển sách trong Khổng Giáo gồm có Kinh Lễ, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu.
[2] Tư Đồ: một chức quan trông coi về Lễ Nghi, tương đương với chức Bộ Trưởng ngày nay.

Tác giả: Trí Chân
(Theo Clearwisdom.net)

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc