Home » Xã hội » Những cú băng qua đường sắt nguy hiểm
Biển báo, gác chắn, đèn tín hiệu báo tàu sắp đến nhưng người và xe vẫn cố vượt để sang đường. Tình trạng này diễn ra tại nhiều điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt trên tuyến Ngọc Hồi – Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội).
Tại khu vực Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội), đường sắt nằm song song với quốc lộ 1A cũ. Hai bên đường là khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp nên có rất nhiều đường dân sinh cắt ngang đường sắt.
Nhiều xe gắn máy cố tình tràn qua đường dù đã có gác chắn báo hiệu tàu hỏa sắp đến.
Chỉ đến khi đoàn tàu sầm sập lao tới cắt ngang đường dân sinh, người dân mới không vượt.
Tại một điểm giao cắt không có gác chắn, chỉ có thiết bị cảnh báo tự động (đèn báo hiệu, rung chuông), tình trạng vi phạm quy định an toàn giao thông đường sắt diễn ra phổ biến.
Một điểm giao cắt trên đường Ngọc Hồi, người điều khiển các phương tiện giao thông này đã phớt lờ biển cảnh báo.
Dường như đã quen với việc người dân cố tình vượt dù có rào chắn, nhân viên gác chắn này chẳng buồn ngăn cản.
Rất nhiều người dân chọn điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt làm nơi đợi khách xe ôm, trao đổi công việc.
Hay đi bộ song hành với đường sắt.
Nườm nượp người và xe qua lại điểm giao cắt với đường sắt ở gần ngã ba Văn Điển. Ông Nguyễn Văn Lâm, 51 tuổi, làm xe ôm ở ngã ba này cho hay, nơi đây rất hay xảy ra ùn tắc và tai nạn. “Lỗi chủ yếu là sự chủ quan của người tham gia giao thông khi cố tình vượt tàu hỏa”, ông nói.
Chiều 30/3 dù thiết bị cảnh báo tự động đã rung chuông, nhưng xe khách chở 18 người đi ăn cưới trên đường trở về quê Thái Nguyên vẫn cố tình vượt qua đường sắt tại huyện Thường Tín (Hà Nội). Hậu quả là xe khách đã bị tàu húc vào đuôi và xoay 180 độ. 7 người tử nạn tại chỗ, 2 người chết trên đường đến bệnh viện.

Trước đó ngày 6/8/2010, tại huyện Duy Tiên (Hà Nam), sau cú húc văng xe tải, 3 toa tàu Thống Nhất đã bị lật nghiêng. Hơn 300 hành khách trên tàu an toàn, nhưng lái tàu Trương Xuân Thức đã mang thương tật suốt đời. Cách đó khoảng một năm, trưa 22/11/2009, tại huyện Thường Tín (Hà Nội), xe khách 30 chỗ đang chở một đám ăn hỏi qua đường ngang giao cắt với đường sắt, đã bị tàu hỏa TN1 Hà Nội – TP HCM húc bẹp, 9 người tử nạn.

Trao đổi với VnExpress, ông Phạm Văn Bình, Trưởng ban An toàn giao thông, Tổng công ty Đường sắt, cho biết cả nước có gần 3.000 km đường sắt, trong đó có 1.541 điểm giao cắt hợp pháp, có rào chắn và hơn 4.700 điểm dân sinh, bất hợp pháp. Với số đường ngang hợp pháp trên, ngành đường sắt phải bố trí lực lượng công nhân gác chắn lên tới gần 4.000. Nếu tại các đường ngang xảy ra tai nạn ngành đường sắt lại tổ chức gác chắn thì không thể.

Thanh Tùng – Hồ Phương

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc