Home » Xã hội » Khi 90% đồ chơi trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc

Đồ chơi Trung Quốc được bày bán tại phố Hàng Mã, HN. Ảnh: Khánh Loan

Thị trường đồ chơi trẻ em hiện đang bùng nổ với số lượng lớn, phong phú và đa dạng về chủng loại. Tuy nhiên, sự chiếm lĩnh các mặt hàng đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc (chủ yếu là hàng nhập lậu tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn cho trẻ) đang trở thành mối lo ngại cho các bậc phụ huynh và cơ quan có trách nhiệm.

Trẻ bị thụ động, mất khả năng sáng tạo

Theo thống kê của Bộ Công thương, hiện trên thị trường có đến 90% đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc. Đó thông thường là các nhân vật hoạt hình hoặc những vật dụng trong các bộ phim hoạt hình đang chiếu trên tivi. Chính vì thế, khi đã quá thần tượng nhân vật, các em bắt gặp những thứ đồ ấy hiện diện bên ngoài thì luôn đòi cha mẹ mua cho mình. Đơn cử như đồ chơi hình siêu nhân, pen ten, yoyo, robo trái cây… đã tạo nên một “cơn sốt” thực sự với các em.

Theo BS Lê Minh Công, chuyên khoa tâm lý Bệnh viện Tâm thần TP.HCM thì, đối với các đồ chơi kể trên, ngoài tính thiếu an toàn như sản phẩm nhiễm chì, chất độc… đã được cảnh báo, thì mối lo ngại lớn hơn nữa là nếu chơi trong thời gian dài trẻ sẽ mất dần tính chủ động, sáng tạo. Bởi lẽ rất dễ thấy là những đồ chơi này không cần phải động não, không rèn luyện kỹ năng tìm hiểu, thách đố sự tính toán của các em. Khi mua đồ chơi về các em chỉ cần để pin vào là chơi thôi, chơi một mình cũng được. Và chính vì không có sự giao tiếp nên lâu ngày các em sẽ bị thụ động.

Đồng quan điểm này, BS Thanh Hà, bệnh viện Nhi đồng 2 cho rằng, trong sai lầm này một phần cũng có lỗi từ phía phụ huynh, họ thường không tìm hiểu kỹ trò chơi nào phù hợp với con mình. Hoặc đôi khi vì không có thời gian mà cho con chơi một mình để rảnh tay làm việc, từ đó trẻ không có sự tương tác với người khác và trở nên ù lì, thậm chí trong vài trường hợp dẫn đến chứng tự kỷ


Người lớn hãy quan tâm đến nhu cầu giải trí cho các em

Cấp quản lý chưa thực sự quan tâm

Trước thực trạng này, đại diện Hội Bảo vệ quyền bà mẹ và trẻ em Việt Nam đặt vấn đề, phải chăng các cấp quản lý chưa có sự quan tâm đúng mức?

Liên quan đến con số 90% đồ chơi bán trên thị trường “Made in China”, trong đó hầu như các mặt hàng đều không có dán tem, đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, ông Dương Thanh Hoàng nói, sở dĩ phải “bó tay” với các mặt hàng này vì hàng quá nhiều, nếu muốn kiểm tra hết để dán tem thì tốn quá nhiều chi phí, nhân lực cũng không đủ, mất nhiều thời gian vì cứ một lô hàng nhập về có đến hàng trăm nghìn cái lớn nhỏ khác nhau, nếu cứ dán từng cái lắt nhắt như vậy thì không làm nổi (?!).

Theo số liệu từ Chi cục này cho hay, từ đầu năm đến nay Chi cục đã kiểm tra và phát hiện 49 vụ vi phạm về đồ chơi trẻ em với tổng số tiền phạt là 334 triệu đồng. Trong số này, vi phạm nhiều nhất là bán hàng cấm (súng, kiếm nhựa 15 vụ) và bán hàng ngoại không có nhãn phụ (9 vụ)…

Theo các đại biểu, sở dĩ đồ chơi Trung Quốc ngày càng bành trướng tại thị trường Việt Nam vì giá thành rẻ. So với đồ chơi bằng gỗ của Việt Nam thì đồ nhựa này chỉ có giá khoảng 1/5, thậm chí rẻ hơn như vậy đã làm cho đồ chơi Việt Nam mặc dù chất lượng tốt cũng thua ngay trên sân nhà.

Khá bức xúc trước nhìn nhận này, đại diện hai nhà sản xuất, ông Lê Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc Cty CP chế biến gỗ Đức Thành cho rằng: “Muốn làm đồ chơi giá rẻ chúng tôi vẫn làm được nhưng lương tâm nhà sản xuất không cho phép.

Chẳng hạn chỉ cần test một sản phẩm màu sơn thôi (xem có nhiễm chì hay không) phải tốn 1.500 USD, cùng với bao nhiêu thứ khác nên giá thành buộc phải đội lên như vậy, chứ chúng tôi đâu muốn”.

Còn ông Nguyễn Tường Linh, Giám đốc Cty CP công nghệ Gamma thì nói, thật sự không thể cạnh tranh nổi với đồ chơi Trung Quốc về giá cả, đã đến lúc cần sự hỗ trợ của Nhà nước chứ bản thân các doanh nghiệp không thể “bơi” nổi.

Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM chia sẻ nỗi niềm của các nhà sản xuất, đồng thời cho biết TP sẽ có chính sách khuyến khích nhà sản xuất trong nước. Chủ tịch HĐND TP nhìn nhận lâu nay các cấp quản lý còn khá lỏng lẻo trong lĩnh vực này, vì thế đã đến lúc phải quan tâm đến các em nhiều hơn. Đó không chỉ là đồ chơi mà còn là chỗ chơi, các sản phẩm văn hóa dành cho các em.

Có thể nói rằng, đồ chơi góp phần làm sinh động thế giới tuổi thơ của trẻ. Nếu không có đồ chơi để giải trí, trẻ sẽ có xu hướng tìm đến Internet, thậm chí nghiện game online vốn là một kênh rất gần gũi và dễ lôi kéo các em trong thời buổi hiện nay. Cho nên rất cần sự chung tay phối hợp của các cơ quan chức năng, của nhà trường và cả phụ huynh trong việc định hướng cho các em có được những sân chơi bổ ích, lành mạnh, nhất là trong dịp hè về.

Thùy Trang

Theo baovanhoa

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc