Home » Xã hội » Con tâm thần vì bị nhồi thuốc bổ mùa thi

Lo lắng con học hành căng thẳng vào mùa thi nên nhiều bậc cha mẹ đã ra sức tẩm bổ cho con bằng cả thức ăn lẫn thuốc bổ. Nhưng vì sử dụng một cách thiếu hiểu biết nên nhiều học sinh bị tâm thần sau khi dùng thuốc. Kết cục là các em phải bỏ học để đi điều trị trong bệnh viện.

“Thương con như thế bằng mười hại con”

Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện liên tục tiếp nhận những trường hợp học sinh có dấu hiệu tâm thần, hoang tưởng do ôn thi căng thẳng và bị bố mẹ nhồi nhét các loại thuốc bổ như hoạt huyết dưỡng não, tăng cường chức năng tuần hoàn não, v…v…

Mục đích khi sử dụng các loại thuốc này là để các cháu có thể tập trung ôn bài, nâng cao trí nhớ, cải thiện khả năng tập trung, giúp đầu óc minh mẫn nhưng vì không hiểu biết đầy đủ về tính chất cũng như cách sử dụng nên nhiều phụ huynh đã vô tình “làm hại” con.

Nhiều học sinh bị cha mẹ “nhồi nhét” quá nhiều thuốc bổ dẫn đến bị tâm thần do phản ứng phụ của thuốc– (Ảnh chụp tại Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia, BV Bạch Mai)

Đại đa số các học sinh này nhập viện trong trạng thái bị kích thần, tổn thương nặng với các biểu hiện như mất ngủ triền miên, bị hoang tưởng, cởi quần áo chạy rộng ngoài đường, đóng giả công an đứng chỉ trỏ người đi đường, vv..

Cơ chế để dẫn đến tình trạng này được bác sỹ Dũng lý giải: Thuốc kích thần, an thần, thuốc bổ não, tăng cường tuần hoàn não, vv… đều có những tác dụng phụ nhất định. Giai đoạn đầu, nếu gia đình cho uống nhiều thuốc bổ, các cháu rất khỏe, đầu óc minh mẫn đột ngột, tập trung cao độ nhưng chỉ sau đó vài ngày là đột nhiên bị ủ rũ, không thể làm hoặc tư duy được gì.

“Có những bệnh nhân sau khi ủ rũ và được cho dùng một loại thuốc kích thần khác thì lại khỏe re, suốt 10 ngày thức trắng không ngủ tí nào. Nhưng sau 10 ngày đó, cậu bé bị loạn thần, không kiểm soát được hành vi của mình nữa”, bác sỹ Dũng nói.

Điển hình nhất phải kể đến trường hợp một cậu bé là quán quân cờ vua, đoạt nhiều thành tích ở các giải đấu nhưng đến lúc thi cử cần ôn bài quá nhiều nên đã dùng cần sa để “giải tỏa” đầu óc. Kết quả là cậu bé từ một “quán quân cờ vua” trở nên bị rối loạn tâm thần do sử dụng chất kích thích với liều lượng lớn.

Đừng để con lỡ mùa thi vì thiếu hiểu biết

Với cường độ học tập và ôn bài căng thẳng như trong mùa thi, các học sinh cần có chế độ bồi dưỡng hợp lý, khoa học. Bác sỹ Dũng khuyến cáo không sử dụng quá nhiều các loại thuốc bổ. Chúng chỉ có những tác dụng nhất định nhưng nếu dùng cùng lúc nhiều loại sẽ khiến cơ thể gặp phản ứng phụ do gặp thay đổi đột ngột.

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc bổ (đặc biệt là bổ não, tăng tuần hoàn máu lên não) với liều lượng và thời gian không hợp lý sẽ khiến người sử dụng bị lệ thuộc vào thuốc, khả năng tư duy và trí nhớ sẽ giảm sút rõ rệt, ảnh hướng trực tiếp đến kết quả học tập và thi cử.

Vì thế, cách tốt nhất để duy trì sức khỏe mùa thi là sử dụng những chất dinh dưỡng tự nhiên có trong thực phẩm. Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm – Phó GĐ Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, có 4 nhóm dinh dưỡng không thể thiếu trong chế độ ăn uống của các sĩ tử, gồm: Gluco (có trong cơm, bánh mì, gạo, khoai, vv…), chất béo (có trong cá basa, cá thu, các chích, bí đỏ, vv..), đạm (có trong thịt, cá, trứng, sữa, đậu nành, vv…), vitamin (có trong rau xanh, hoa quả, các loại củ, vv…).

Ngoài ra cần bổ sung sắt để tránh tình trạng thiếu máu, gây mệt mỏi, học kém tập trung, dễ buồn ngủ. Sắt có nhiều trong gan, thịt, cá và rau dền, rau ngót và các loại đậu. Sắt động vật dễ hấp thụ hơn sắt thực vật. Các loại hoa quả tươi giàu vitamin như cam, bưởi, táo, đu đủ… sẽ giúp bạn dễ hấp thu chất sắt hơn. Ngoài ra I -ốt cũng là một khoáng chất không thể thiếu, vì nó sẽ làm cho hoạt động não của bạn trì trệ, kém sáng tạo, giảm tiếp thu khi học. I -ốt có nhiều trong cá biển và hải sản.

Ngoài ra, các sĩ tử cần có vận động thể chất cần thiết, ở mức độ vừa phải và phải ngủ ít nhất 6 tiếng/ngày.

theo vietnamnet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc