Home » Danh nhân, Văn hóa » ‘Hành xử nhân đạo’ của cha ông khi quân giặc đại bại
Hòa bình là khát vọng cháy bỏng của dân tộc ta. Lịch sử đã ghi nhận đức hiếu sinh, lòng khoan dung của cha ông và nhân dân, ngay cả khi kẻ thù buộc chúng ta phải cầm gươm, cầm súng tự vệ…

“Vừa đánh, vừa đàm” là nét đặc sắc trong nghệ thuật tiến hành chiến tranh của tiền nhân: vừa cho kẻ thù thoát khỏi cuộc chiến tranh hao người tốn của, vừa tìm cho địch đường rút danh dự. Vì thế, quân xâm lược, dù cực kỳ mưu mô và muốn “nuốt sống” Việt Nam, cũng phải kiêng nể.

1. Sau đại thắng trận tuyến Như Nguyệt, quân Tống đại bại, bị tiêu diệt đến năm, sáu phần mười. Lý Thường Kiệt vẫn rất khiêm tốn, giữ thể diện cho địch; đã chủ động phái người sang sông gặp tướng chỉ huy quân Tống, đặt vấn đề hòa giải nhằm sớm chấm dứt chiến tranh, với điều kiện là toàn bộ quân Tống phải rút khỏi đất Việt.


Trận Như Nguyệt do Lý Thường Kiệt chỉ huy, kết thúc cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ 2. Ảnh minh họa

Chỉ huy quân Tống đang lúc hoang mang cực độ trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, chúng vội vàng nhận điều kiện trên và lập tức rút quân hồi tháng 3/1077, không cần chờ lệnh của triều đình nhà Tống.

2. Ở vào thời điểm nghĩa quân Lam Sơn đã đánh tan đạo quân tiếp viện của nhà Minh, giết chết tướng Liễu Thăng, quân và dân ta thừa cả thế và lực để tiêu diệt quân địch trong thành Đông Quan. Nhưng với lòng nhân đạo muốn tránh chết chóc cho quân sĩ cả hai bên, tránh cho kinh thành khỏi bị tàn phá và tạo sự hòa hiếu giữa hai nước, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã vận dụng chiến lược “mưu phạt tâm công” (đánh vào lòng người) – là cả một chiến lược cơ bản trong Bình Ngô sách mà Nguyễn Trãi đệ trình Lê Lợi ngay từ lúc khởi nghĩa Lam Sơn còn ở trong thời kỳ trứng nước; là sự khởi đầu cho chủ trương kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao của Nguyễn Trãi. Theo đó, trong lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi “đánh vào lòng địch” với hai phương thức chủ yếu: dụ hàng các tướng lĩnh, binh sĩ địch và ngụy quân, thực hiện hòa đàm, khi thì để hòa hoãn tạm thời với địch để bảo toàn lực lượng; khi ưu thế thuộc về nghĩa quân thì dùng lý lẽ để buộc địch chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước.

Lại nói, trong khi quân dân ta căm phẫn sự tàn bạo của quân giặc vô cùng, có mang chúng ra chém trăm nhát, bêu rếu ngay chợ cũng không hả dạ thì vua Lê Thái Tổ Lê Lợi đã ra lời dụ rằng: “Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là từ tâm của bậc đức. Vả lại, người ta đã hàng mà mình lại giết thì đó là điều xấu không hay. Nếu vì hả nỗi căm hận trong chốc lát, mà mang tiếng giết kẻ đầu hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho vạn ức người để dập tắt mầm mống chiến tranh cho đời sau, sử xanh sẽ ghi chép, tiếng thơm để lại muôn đời, như vậy há chẳng tốt đẹp hay sao?” (Đại Việt sử ký toàn thư)

Trong chính sách đối với hàng binh, nhà vua đã chủ trương không giết để hả giận tức thời, mà còn tạo điều kiện cần thiết cho chúng rút về nước một cách an toàn và không mất thể diện. Minh chứng là tuân theo lời dụ của Lê Lợi, trong thư gửi Vương Thông, Nguyễn Trãi viết: “Cầu đường sửa xong, thuyền xe sắm đủ, hai đường thuỷ lục, tuỳ theo ý muốn, đưa quân ra cõi, yên ổn muôn phần…”. Theo Nguyễn Trãi, dùng binh cốt lấy bảo toàn cả nước làm trên hết và để cho bọn Vương Thông trở về nói với vua Minh trả lại đất đai cho ta, đó là điều ta cần không gì hơn thế nữa.

Có thể nói, “tuyệt mối chiến tranh, bảo toàn cả nước” là trên hết, đã thể hiện lập trường chính trị nhân nghĩa của vua Lê và đại thần Nguyễn Trãi. Có thể nói, đó là một tinh thần nhân đạo cao cả, một triết lý nhân sinh sâu sắc. Vua Lê Lợi, Nguyễn Trãi cùng với quân dân Đại Việt đã kiên quyết thi hành một đường lối kết thúc chiến tranh rất sáng tạo, rất nhân nghĩa: “nghĩ kế nước nhà trường cửu, tha cho mười vạn hùng binh. Tái thiết lập hoà hảo cho hai nước, dập tắt chiến tranh cho muôn đời”.

3. Tháng 12/1788, trước nạn xâm lược của quân Thanh, Nguyễn Huệ đã tuyên đọc chiếu lên ngôi hoàng đế tại Phú Xuân: “… Trẫm là người áo vải ở Tây Sơn, không một thước đất, vốn không có chí làm vua, chỉ vì lòng người chán ngán đời loạn mong được vua hiền cứu đời yên dân nên trẫm đã tập hợp nghĩa binh, mặc áo tơi, đi xe cỏ, cốt quét sạch loạn lạc, cứu vớt dân trong vòng nước lửa… Hỡi muôn dân trăm họ, nhân nghĩa trung chính là đạo lớn của người … Trẫm năm nay có cả thiên hạ, sẽ dìu dắt dân và đạo lớn, đưa dân lên đài xuân”.

Sau đại thắng Đống Đa (30/1/1789), Quang Trung không hề tự đắc tự mãn, mà lại muốn bày tỏ lòng nhân đạo và tinh thần hiếu hòa của mình nên đã ra lệnh đối xử tử tế với tất cả tù binh, hàng binh trước khi tha họ về quê hương, lại cho thu nhặt hài cốt giặc trên chiến trường, chôn thành 12 gò đống và lập đàn cúng tế. Nhân dịp này, Quang Trung mượn lời bài văn tế nói lên tấm lòng khoan dung độ lượng của người chiến thắng:

“… Nay ta cho thu nhặt xương cốt chôn vùi. Bảo lập đàn bên sông cúng tế. Lòng ta thương chẳng kể người phương Bắc. Xuất của kho đắp điếm đống xương khô. Hồn các ngươi đừng vất vưởng dưới trời Nam. Hãy lên đường quay về nơi hương chỉ “.

Chỉ trong vòng nửa năm sau Đống Đa, nước Đại Việt của Quang Trung đã lập lại quan hệ hòa hiếu với nhà Thanh để dân ta được sống trong độc lập và hòa bình.

4. Ở đây nói thêm về tư tưởng nhân nghĩa – nhân đạo với tù nhân của vua Lý Thánh Tông: “Trẫm ở trong cung cấm, có áo bào, lò sưởi, mà còn giá lạnh như thế này, nghĩ đến những người tù bị giam trong ngục, chưa biết rõ ngay gian, mà bị gông cùm khổ sở, ăn không no bụng, mặc không ấm thân, khốn khổ vì rét, hoặc có chết không đáng tội, Trẫm rất thương xót. Vậy, ra lệnh cho hữu ty phát chăn chiếu và mỗi ngày cho ăn hai bữa.” (Đại Việt sử ký toàn thư)

Một vị vua nhân đạo như thế đối với tù nhân, thì chuyện đối xử với dân: thương dân như con vậy! Chẳng thế, nước Đại Việt dưới triều Lý thật thịnh vượng biết bao.

theo baodatviet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc