Home » Danh nhân, Văn hóa » ‘Địch mạnh hơn ta’: Lùi một… tiến ba bước!
Nếu Lý Thường Kiệt chọn công để lấn át khí thế quân thù, thì Trần Hưng Đạo lại chọn cách rút lui để lật ngược tình thế: chủ động tránh sức mạnh địch, kéo địch vào trận tuyến chiến tranh toàn dân và đại phá…

Trước sức mạnh xuất quỷ nhập thần của quân Mông Cổ, những kẻ yếu bóng vía như Trần Nhật Hiệu, được Vua Trần Thái Tông hỏi thì chỉ lấy nước viết bên mạn thuyền hai chữ ‘Nhập Tống’, để mong nhờ Thiên triều che chở. Trong khi Thái Sư Trần Thủ Độ lại thưa rằng, ‘Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin Bệ hạ đừng lo…’, Trần Hưng Đạo được cử đốc suất tả hữu tướng quân chống giặc và với tài điều binh khiển tướng tài tình, quân xâm lược Mông Cổ bị đánh thua phải chạy dài, không dám cướp phá và vĩnh viễn từ bỏ “mộng xâm lược” Đại Việt.

Binh lược “xoay chuyển tình thế”

Trần Quốc Tuấn (1228-1300) là một danh nhân quân sự cổ kim của thế giới. Ngay từ nhỏ, cha của ông, Trần Liễu đã kén những thầy giỏi dạy cho Quốc Tuấn, ký thác cho con hội đủ tài võ. Lớn lên, Trần Quốc Tuấn càng tỏ ra thông minh, xuất chúng, đọc rộng các sách cả văn lẫn võ. Trong đời mình, Quốc Tuấn đã trải qua một lần gia biến, ba lần nạn nước. Nhưng ông lại càng tỏ ra là người hiền tài, một vị anh hùnh cứu nước.

Trong Binh thư yếu lược, Trần Hưng Đạo viết: “Người giỏi thắng không cần thắng nhiều lần, mà cần toàn thắng, đảm bảo thắng”. Điều đó đồng nghĩa với việc làm cách nào để có được chiến thắng cuối cùng mới là điều quan trọng nhất. Thế nên, cuộc kháng chiến quân Nguyên Mông – đội quân hùng mạnh bậc nhất thế giới thời trung đại – của quân dân nhà Trần, dưới sự chỉ đạo của ông, được tiến hành theo một phương thức rất đặc biệt.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 (1285), Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã nhanh chóng thay đổi chiến lược: chuyển từ trực tiếp đối đầu với khí thế hung hãn của quân Nguyên, sang lui binh. Hạ lệnh cho tất cả các cánh quân rút lui, ông cùng với hai vua Trần thu quân về Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương). Giặc truy kích đến Vạn Kiếp, Trần Hưng Đạo lại đưa quân về Thăng Long. Khi giặc đuổi theo đến Thăng Long, ông điều binh rút về Thiên Trường (Nam Định). Cứ thế, quân ta tránh đụng độ với giặc trong nhiều tháng.


Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Ở đây, một chiến thuật có vẻ bất thường nhưng lại là một trong những điểm đặc sắc nhất thể hiện óc chiến lược sắc sảo của Trần Hưng Đạo. Với sức mạnh áp đảo, quân Nguyên muốn đánh nhanh, thắng nhanh. Bị chúng lấn át ngay trong những đợt tấn công đầu tiên, ông hiểu rằng, đối đầu ngay tức thì không phải là một chiến thuật đắc dụng trong tình huống này vì những đội quân muốn đánh nhanh thắng nhanh thường có một nhược điểm chí tử: đó là công tác hậu cần. Và thất bại của quân Nguyên Mông năm 1258 góp phần chỉ rõ điểm mấu chốt đó.

Với Trần Hưng Đạo, thay vì tiến hành những cuộc tiến công trực diện ít có cơ hội chiến thắng, đánh vào điểm yếu này của địch sẽ là cách tốt nhất lấy đi sức mạnh của chúng. Áp dụng chiến lược lui binh, ông khiến cho địch không thể đánh theo cách đánh của chúng, nói theo cách khác, ông chủ động kéo dài cuộc chiến đấu. Khi đó, thiếu lương thực, địch tự làm chúng suy yếu.

Nắm được chìa khoá tiêu diệt địch, khi quân Nguyên lần thứ ba đưa quân sang xâm lược Đại Việt (1287- 1288), Trần Hưng Đạo đã tự tin tâu với vua Trần: “Thế giặc năm nay dễ phá”. Và quả nhiên, sau khi tướng Trần Khánh Dư tiêu diệt đội binh lương của quân địch tại Vân Đồn (cuối năm 1287), quân địch lại rơi đúng vào tình huống ngặt nghèo về lương thảo, đã từ thế chủ động tấn công sang tình trạng dần mất phương hướng và rơi vào thế trận chiến tranh nhân dân của ta.

Tuy nhiên, nếu coi chiến lược lui binh của Trần Hưng Đạo là khởi đầu của một kế hoạch xoay chuyển tình thế: khoét sâu nhược điểm, đẩy giặc vào tình thế khốn đốn và lấy lại quyền chủ động chiến lược trên chiến trường, thì cuộc chiến của nhân dân mỗi nơi giặc đến chính là bước thứ hai – sự phản công nắm chắc phần thắng. Vì thế mới nói sự phối hợp ăn ý giữa việc lui binh của quân triều đình với các cuộc tiến công tại chỗ của nhân dân khắp nơi (chiến tranh du kích) là yếu tố quyết định thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông dưới sự điều binh, khiển tướng tài tình của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

“Hình dáng trận như chữ nhân, tiến cũng là chữ nhân, thoái cũng là chứ nhân, họp lại cộng làm một người, tan ra cũng làm một người, một người làm một trận, nghìn muôn người hợp làm một trận, nghìn muôn người động làm một trận”, Trần Hưng Đạo nói về sức mạnh của chiến tranh nhân dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về Trần Hưng Đạo

Nhân dịp kỷ niệm 700 năm ngày mất của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (ngày 16/9/2000), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có bài viết, Đất Việt trích đăng:

“Trong sự nghiệp hiển hách ba lần chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ XIII, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có vai trò đặc biệt quan trọng. Ông là một nhà chính trị-quân sự đại tài được vua Trần tin yêu, giao quyền tiết chế, thống suất tất cả vương hầu, tôn thất, tướng lĩnh, điều động binh nhung, khí giới. Khi quân Mông-Nguyên xâm lược lần thứ nhất (1258), ông được chỉ huy các tướng lĩnh điều quân thủy bộ bảo vệ vùng biên giới phía Tây Bắc. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288), ông được cử làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh toàn quân đánh giặc.

Bản lĩnh của Trần Quốc Tuấn thể hiện ở quyết tâm diệt địch và thắng địch không gì lay chuyển. Ngay những lúc gian nan nguy hiểm nhất, ông vẫn tin vào thắng lợi, giữ vững lòng quân, lòng dân. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285), khi sự mất còn của nền độc lập nước nhà chỉ còn trong gang tấc, quân xâm lược đã chiếm được nhiều địa bàn trọng yếu, trong đó có cả kinh thành Thăng Long và phủ Thiên Trường, nội bộ quý tộc và quan lại triều Trần đã có người nao núng, hàng giặc, Trần Quốc Tuấn vẫn hiên ngang bất khuất, giữ vững lòng tin son sắt vào thắng lợi. Câu nói bất hủ của ông: “Bệ hạ muốn hàng, trước hết hãy chém đầu thần đi đã”, đã nêu một tấm gương lớn về tinh thần quyết chiến và ý chí “Sát Thát” trước triều đình, trước toàn quân và toàn dân ta.

Tài năng của Trần Quốc Tuấn biểu hiện ở chỗ ông nhận thức rất rõ nhân dân là nguồn sức mạnh giữ nước. Nguồn sức mạnh đó phải được xây dựng, bồi dưỡng lâu dài trong thời bình cũng như trong thời chiến, bằng nhiều chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội. Ông chủ trương: “Khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách giữ nước”.

Ông xem, việc đoàn kết nội bộ là một nhân tố cực kỳ quan trọng để tạo thành sức mạnh. Nhìn lại ba cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên thắng lợi, ông xác định: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà chung sức” là nhân tố đã làm cho “quân địch phải chịu bị bắt” (bỉ tựu tự cầm). Ông rất coi trọng đoàn kết quân và dân, đoàn kết trong quân đội “như cha con một nhà”.

Chính nhờ nguồn sức mạnh đó mà dân tộc Việt Nam đã có thể đứng vững và vượt qua những thử thách ghê gớm của họa xâm lăng khốc liệt do đế quốc Nguyên Mông gây ra.

Cái tài giỏi của Trần Quốc Tuấn là biết chuyển tình thế từ hiểm nghèo thành thuận lợi, xoay chuyển thế trận, tạo nên thời cơ. Và khi thời cơ đến thì chuyển sang phản công; tiến công; chọn đúng hướng; đúng mục tiêu; đánh những trận quyết định; khiến kẻ thù không kịp trở tay, trong chốc lát đã bị thất bại.

Tài thao lược của Trần Quốc Tuấn nổi bật là tính chủ động và linh hoạt, “biết người, biết mình”, chủ động điều địch, chủ động đánh địch, xem xét quyền biến… tùy thời mà làm”… Và theo đó, một học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại phong kiến đã hình thành, học thuyết quân sự dân tộc trong chiến tranh giữ nước. Chính trên cơ sở này, Lê Lợi – Nguyễn Trãi phát triển thành học thuyết quân sự dân tộc trong chiến tranh giải phóng; Nguyễn Huệ tiếp tục phát triển thành học thuyết quân sự dân tộc trong khởi nghĩa của nông dân, trong chiến tranh giữ nước…

Với tài năng chính trị quân sự kiệt xuất, tấm lòng tận trung với vua, với nước, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã cùng với triều đình nhà Trần và quân dân Đại Việt bảo vệ trọn vẹn độc lập dân tộc, đưa triều đại nhà Trần lên hàng triều đại thịnh trị trong lịch sử trung đại, để lại những bài học lịch sử có giá trị về dựng nước và giữ nước. Những thành tựu về võ công và văn trị, những giá trị vật chất và tinh thần thời Trần đã làm vẻ vang lịch sử dân tộc và là niềm tự hào lớn lao cho Tổ quốc.

Sau lần xâm lược thất bại ở Đại Việt năm 1258, quân Nguyên không dám khinh suất. Trong các đợt xâm lược lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), vua Nguyên là Hốt Tất Liệt phái đi những đạo quân đông gấp cả chục lần so với lần đầu và lần sau chuẩn bị chu đáo hơn lần trước (lần thứ 2, quân Nguyên có tới 50 vạn quân, lần thứ 3 quân Nguyên có 30 vạn quân, trong đó có cả thuỷ binh và chưa tính đội quân chở lương).

Tướng giặc Ô Mã Nhi đã thẳng thừng đe doạ quan quân nhà Trần rằng: “Chỉ trong chốc lát, núi sông (các ngươi) sẽ thành đất bằng, vua tôi (các ngươi) sẽ ra cỏ mục”. Địch mong muốn dùng sức mạnh ào ạt khiến quân ta khiếp đảm, tan tác, nhưng cuối cùng đều bị Trần Hưng Đạo chỉ huy bị bẻ gãy nhanh chóng.

theo baodatviet

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc