Home » Xã hội » Khánh kiệt vì tàu Trung Quốc
Trong khi đang đánh bắt hải sản trên các ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền VN, nhiều ngư dân miền Trung bị tàu Trung Quốc vây bắt, tịch thu tàu cá, hải sản, đòi tiền chuộc khiến họ tán gia bại sản.

Chỉ trong vòng 5 năm, tàu cá của thuyền trưởng Tiêu Viết Là, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã 4 lần bị Trung Quốc tấn công, bắt giữ, tịch thu tàu.

Sức khỏe giảm sút nghiêm trọng nên thuyền trưởng Tiêu Viết Là (giữa) đành giã từ biển khơi – Ảnh: Hiển Cừ

Đó là vào năm 2006, khi tàu của ông chạy vào núp gió tại khu vực đảo Phú Lâm, bị phía Trung Quốc cho ca-nô đuổi theo thu sạch máy móc, dụng cụ, gạo, cá. Đến tháng 6.2007, trên đường chạy tránh bão tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, tàu của ông lại bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, bắn 6 ngư dân bị thương, tịch thu chiếc tàu trị giá trên 300 triệu đồng. Năm 2008, một lần nữa ông bị Trung Quốc tịch thu máy móc, phương tiện hành nghề và đến tháng 3.2010 tiếp tục bị bắt, tịch thu tàu. Vì thế, từ một gia đình giàu có nhất, nhì thôn Châu Thuận Biển, bây giờ ông Là trở nên khánh kiệt, nợ nần.

Mất tàu, ông Là đi bạn với tàu cá khác ở địa phương với hy vọng trả bớt nợ nần, nuôi vợ con nhưng chỉ sau một chuyến đành phải giã từ biển xa vì sức khỏe quá yếu, hậu quả từ những trận đòn khi bị Trung Quốc bắt, không thể chống chọi với sóng gió giữa trùng dương. Bao lo toan “cơm áo gạo tiền” lại đổ sang vai vợ – bà Nguyễn Thị Bưởi. Ngày ngày, bà Bưởi xuống bến mua cá rồi ra chợ bán lại kiếm lời để trang trải cuộc sống, nên món nợ mấy trăm triệu đồng chưa biết đến bao giờ mới trả nổi. Bà than thở: “Gia đình còn nợ ngân hàng 120 triệu đồng. Vừa rồi, họ xuống đòi nợ gốc và lãi, nếu không trả được sẽ niêm phong nhà. Tui bây giờ như ngồi trên lửa, chẳng biết tính sao đây?”.

Không chỉ ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn mà nhiều gia đình ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Điển hình như trường hợp của ngư dân Nguyễn Chí Thạnh (27 tuổi, xã An Hải) khát khao làm giàu từ biển cũng tiêu tan sau khi tàu cá QNg-6517TS – gia tài mà vợ chồng anh dành dụm được và vay mượn người thân – bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu vào tháng 6.2009. Còn gia đình ngư dân Mai Phụng Lưu (ở thôn Tây, xã An Hải) sau 4 lần bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu tàu, đòi tiền chuộc, giờ trắng tay, cô con gái út đi làm thuê ở TP.HCM, còn ông cùng 3 người con trai phải đi bạn với những tàu cá khác…

Tin từ huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hôm qua cho biết, cách đây khoảng nửa tháng tàu cá của anh Huỳnh Công Nhiệm (29 tuổi, ở thôn Đông, xã An Hải), trên tàu có hơn 10 ngư dân, khi đánh bắt trên biển thuộc quần đảo Hoàng Sa thì bị tàu Trung Quốc khống chế, tịch thu tài sản. Như vậy, trong tháng 5, đã có 4 tàu cá của ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn và huyện đảo Lý Sơn bị tàu Trung Quốc tấn công.

Tiếp tục ra khơi

Xã Tam Quan Bắc, H.Hoài Nhơn (Bình Định) có khoảng 4.000 hộ dân chuyên sống bằng nghề biển. Đây là địa phương có đội tàu thuyền hành nghề khơi xa hùng hậu nhất tỉnh với số lượng gần 400 chiếc. Hơn 20 năm gắn bó với ngư trường khu vực các đảo Đá Lớn, Song Tử Tây, Trường Sa Lớn…, ngư dân Ngô Minh Thiệu (48 tuổi) chưa bao giờ bỏ ý định bám biển.

“Tui vừa có chuyến đi câu cá ngừ ở vùng biển Trường Sa trở về. Nghỉ ngơi vài ba hôm, lo tân trang lại tàu và đợi ít hôm nữa hết mùa gió nam sẽ tiếp tục ra khơi đánh bắt cá. Trên vùng biển chủ quyền của ta thì ngư dân mình cần phải mạnh dạn ra khơi khai thác. Các tàu cá Trung Quốc dù có đi theo đoàn đông đến cỡ nào đi chăng nữa thì ngư dân tụi tui cũng chẳng lo sợ gì”, ông Thiệu nói.

Hơn 10 ngày qua, tàu cá BĐ-96210 TS do ông Trần Tốt ở xã Tam Quan Nam (H.Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng, trên tàu có 8 ngư dân, vẫn miệt mài câu cá ngừ đại dương ở khu vực quần đảo Trường Sa. Trao đổi qua hệ thống ICOM tại đài trực canh của Bộ chỉ huy BĐBP Bình Định, ông Tốt cho biết: “Tàu của tui đã câu được gần 1 tấn cá ngừ đại dương. Các tàu cá khác của Bình Định đánh bắt gần khu vực cũng thuận lợi nên chúng tôi sẽ tiếp tục hành nghề cho đến khi nào cá đầy tàu mới vào bờ”. Liên lạc với PV Thanh Niên chiều qua, ông Nguyễn Văn Ái, 62 tuổi, ở thôn Xuân Bình, xã Mỹ An, H.Phù Mỹ (Bình Định) thông tin: “Sau hơn nửa tháng hành nghề, 2 chiếc tàu của tui là BĐ-94031 TS và BĐ-94032 TS đang trên đường vào đất liền xuất bán hải sản. Sau đó sẽ chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, lương thực, thực phẩm rồi nhanh chóng quay trở lại Trường Sa”.

Tại Phú Yên, sau 3 ngày trở về đất liền, chiều 31.5, ngư dân Nguyễn Văn Hùng – thuyền trưởng tàu cá PY-96155TS – đến Trạm biên phòng Đà Rằng (thuộc Đồn biên phòng 352, BĐBP tỉnh Phú Yên) để làm các thủ tục tiếp tục ra khơi. Thuyền trưởng Hùng tâm sự: “Chuyến biển vừa rồi, tàu tui đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa gần 20 ngày nhưng bị lỗ tổn vài chục triệu. Trong khi tàu cá của ngư dân mình đánh bắt bằng thủ công, dùng dàn câu để câu từng con cá thì tàu cá Trung Quốc lại sử dụng những phương tiện có tính chất hủy diệt như đèn cực sáng, cách xa chừng 20 hải lý vẫn nhìn thấy để dụ cá, mực… vào lưới mành. Cách đánh bắt của họ sẽ làm ngư trường truyền thống của ngư dân mình sớm bị cạn kiệt nguồn thủy sản”.

Đi đâu cũng đụng tàu Trung Quốc

Đại úy Đỗ Trọng Đại, Trợ lý tác chiến BĐBP Phú Yên, cho biết hiện vẫn còn nhiều tàu cá Trung Quốc đang hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của VN. Trong khu vực này cũng có khoảng gần 100 tàu cá của ngư dân VN đánh bắt cá ngừ đại dương. “Chúng tôi đã báo cáo việc tàu cá Trung Quốc vẫn còn xuất hiện đánh bắt trong vùng biển thuộc chủ quyền của VN cho Bộ Tư lệnh BĐBP để đề nghị Hải quân Vùng 4 và Cảnh sát biển Vùng 3 can thiệp. Hiện chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với ngư dân để vận động ngư dân tiếp tục bám biển”.

Với nhiều ngư dân Đà Nẵng, chuyện ra khơi gặp tàu cá Trung Quốc sang khai thác tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa VN đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Ngư dân Đà Nẵng cũng lập nhiều mô hình tổ đội khai thác thủy sản, tổ tương hỗ, tự quản để liên kết, “tiếp sức” nhau. Theo ông Hồ Phó, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng, hiện nay Đà Nẵng có 97 tổ tương hỗ với 677 tàu thành viên và hoạt động khá hiệu quả, giúp ngư dân yên tâm bám biển, mưu sinh.

Theo số liệu từ Ban Tác chiến BĐBP TP Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay có hơn 100 tàu cá Trung Quốc hoạt động trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN. Phần lớn các tàu này hoạt động nghề câu, xuất hiện tại các vị trí cách bờ biển Đà Nẵng từ 25 đến 40 hải lý theo hướng đông, đông bắc. Có lúc, khu vực tàu cá Trung Quốc xuất hiện cách đảo Lý Sơn 30 đến 50 hải lý. Gần đây nhất, từ ngày 5 đến 10.5, cơ quan chức năng phát hiện có 8 tàu Trung Quốc khai thác tại vùng biển cách Đà Nẵng 30 hải lý.

Đ.H – Vũ Phương Thảo

Hiển Cừ – Đình Phú – Đức Huy

Theo thanhnienonline

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc