Home » Thế giới » Người Tây Tạng dùng ‘vũ khí văn hóa’ để bảo vệ bản sắc
Tại vùng Tây Tạng nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc, giới hoạt động đã sử dụng nhiều phương tiện để phản đối các chính sách mà các tổ chức nhân quyền cho là sẽ đồng hóa hay thậm chí tiêu hủy bản sắc Tây Tạng. Các vụ tự thiêu là phương pháp mới nhất được người biểu tình sử dụng để thu hút sự chú ý của thế giới vào cuộc tranh đấu của họ, nhưng giới hoạt động cũng đang áp dụng những hình thức phản kháng khác chống lại sự cai trị của Trung Quốc. Từ thành phố Dharamsala, nơi đặt cơ sở của chính phủ lưu vong Tây Tạng, thông tín viên VOA Ivan Broadhead gửi về bài tường thuật sau đây.

Nghệ sĩ Tây Tạng Tamding Tsetan.

Tamding Tsetan là một nghệ sĩ nổi tiếng chuyên sáng tác và trình diễn các bản dân ca. Ông cũng là một trong những người hàng đầu trình bày thể loại nhạc rock Tây Tạng.

Ông Tsetan nói: “Cảm hứng của tôi là tự do. Tôi không viết và trình bày nhiều ca khúc về tình yêu, tôi luôn nói, chúng ta đến đây không phải vì tình yêu. Chúng ta đến đây vì tự do. Do đó, ta ca hát, nhưng ta phải tập trung vào lý tưởng Tây Tạng.”

Trong khi Tamding tiêu biểu cho bộ mặt đang thay đổi của cuộc phản kháng Tây Tạng, ông ủng hộ việc Ðức Ðạt lai Lạt ma liên tục theo đuồi “Con đường Trung dung” – nền tự trị của Tây Tạng, chứ không phải là nền độc lập tách khỏi Trung Quốc.

Nhưng các nhà hoạt động khác như Dorjee Tseten thuộc nhóm Sinh viên ủng hộ một nước Tây Tạng Tự do, còn gọi tắt là SFT, nói rằng nhiều người Tây Tạng không muốn sống dưới sự cai trị của Trung Quốc.

Ông Tseten nói tiếp: “Người Tây Tạng muốn được độc lập. Họ muốn tự mình cai trị mình, chức không phải bị đặt dưới sự cai trị của một chế độ cộng sản Trung Quốc. Ðó là điều chúng ta đang tranh đấu để đạt được.”

Biểu hiện rõ ràng nhất của cuộc tranh đấu ấy là chiến dịch tự thiêu đang tiếp diễn, trong đó hơn 100 người Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối quyền của Trung Quốc.

Bản đồ nơi xảy ra các vụ tự thiêu ở Tây Tạng. Hơn 100 người Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối sự cai trị của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các tổ chức như SFT rất mong muốn quảng bá các lựa chọn để điều khiển hành động không những bớt cực đoan hơn, mà còn khiến cho giới thi hành công lực Trung Quốc khó mà ngăn chặn.

Phong trào Ihakar là một tổ chức trong số này. Phát triển bên trong Tây Tạng sau vụ nổi dậy năm 2008 và gần đây hơn đã xuất khẩu cả qua cộng đồng Tây Tạng ở nước ngoài, ông Tseten nói nó thách thức sự cai trị của Trung Quốc trong khi cùng lúc giúp cho người Tây Tạng khẳng định nền văn hoá và bản sắc của mình trong khuôn khổ luật pháp Trung Quốc.

Ông Tseten cho biết: “Vì thế, người Tây Tạng đã bắt đầu mua rau cỏ của các cửa hàng Tây Tạng, đến ăn ở các nhà hàng Tây Tạng, chứ không phải nhà hàng Trung Quốc; chúng tôi nói tiếng Tây Tạng càng nhiều càng tốt, chứ không nói tiếng Hoa. Nhưng Lakkar không phải chỉ nhắm mục tiêu ăn thực phẩm Tây Tạng và mặc trang phục Tây Tạng: Nó nhắm mục đích lấy lại bản sắc của mình. Chúng tôi đang thách thức kẻ đàn áp; tranh đấu qua hình thức bất hợp tác.”

Giới hoạt động coi phòng trào Ihakar không phải chỉ là một sự biến hoá của triết thuyết phản kháng tiêu cực được khai triển bởi những người như Mahatma Gandhi và Martin Luther King. Ông Tseten nói phong trào có thể được sử dụng như một vũ khí bởi bất cứ ai tin tưởng vào lý tưởng của Tây Tạng.

Cộng đồng Tây Tạng ở Ấn Ðộ tuần hành lên án Trung Quốc.

Ông Tseten nói thêm: “Qua việc tẩy chay kinh tế và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nước mình, mình thực sự ủng hộ lý tưởng của Tây Tạng.”

Sau nhiều thập niên sống dưới sự cai trị của Trung Quốc, người Tây Tạng cho rằng bảo vệ bản sắc của họ, kêu gọi cải thiện nhân quyền và đòi Ðức Ðạt lai Lạt ma trở về là các hành động đã đoàn kết tất cả những người Tây Tạng.

Tsomo Tsering của Trung tâm Tây Tạng ủng hộ Nhân quyền và Dân chủ gọi đây là “lá bài quyết định duy nhất của chúng ta.”

Ông Tsering nói: “Ta đang đối mặt với Trung Quốc, đại cường của thời đại mới. Khi ta đoàn kết, khi ta biết rõ các ưu tiên của ta là gì, cuộc tranh đấu sẽ dễ dàng hơn nhiều. Ðây là điều ta gọi là ‘Vũ khí của Kẻ Yếu.’ Vũ khí này cực kỳ mạnh.”

Cuối năm nay, giới tranh đấu trong các cộng đồng sống ở nước ngoài sẽ tổ chức một hội nghị với các cộng đồng thiểu số tranh đấu để bảo toàn bản sắc của mình dưới sự cai trị của Trung Quốc, kể cả nguời Uighur và Mông Cổ.

Mặc dầu người Tây Tạng biết rằng đã không đạt được mấy thắng lợi sau hơn 50 năm Trung Quốc cai trị, nhiều người vẫn lấy làm lạc quan về cuộc tranh đấu và họ sẽ tiếp tục ở lại trên con đường hướng tới tự do.

Ivan Broadhead

Theo voa

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc