Home » Ảnh đẹp, Khám Phá, Khoa học » Hiểm họa ẩn dưới vẻ đẹp của hồ băng Abraham

Nhìn bề ngoài, hồ Abraham ở Alberta (Canada) trông đẹp như một bức tranh vẽ với mặt hồ phẳng lặng như gương, nhưng ẩn chứa dưới mặt hồ là một nguy cơ khó lường.

Hình ảnh những bong bóng màu trắng xanh, trông như cục bông nhỏ hay những bọt nước sủi tăm bởi khí metan đóng băng được nhìn thấy rõ nét xuyên qua mặt nước tạo nên vẻ đẹp mê hồn của hồ này.

Những khối băng loang trên mặt hồ tạo thành bức tranh xanh trắng chấm phá rất kỳ thú. Năm 2011, Nhiếp ảnh gia người Pháp, Emmanuel Coupe đã chụp được những bức ảnh  huyền ảo của hồ Abraham và mang đi dự thi Traveler Photo do tạp chí danh tiếng National Geographic tổ chức. Bộ ảnh về hồ băng Abraham cũng giành về giải thưởng vàng cho nhiếp ảnh gia này trong cuộc thi PX3. PX3 là giải thưởng danh giá nhất tại châu Âu dành cho các tác phẩm nhiếp ảnh.

Abraham là hồ nhân tạo, thuộc nhánh sông Saskatchewan ở miền Tây bang Alberta, Canada. Diện tích mặt hồ dải rộng khoảng 53,7km vuông, dài 32km. Hồ được hình thành năm 1972 dưới chân núi Canadian Rockies.

Nếu chỉ là khối băng trong suốt màu xanh thì hồ Abraham  sẽ không gây được ấn tượng mạnh đến thế. Mà hồ nhân tạo này sở hữu kiến trúc băng kỳ lạ phía dưới, chúng như những quả bong bóng sủi tăm lên trên rồi loang lổ trên mặt hồ.

Vào mùa xuân, khi tuyết bắt đầu tan, các bong bóng thoát ra và bay lên mặt hồ. Nếu như băng nứt, các bong bóng được giải phóng bay vào không khí. Khí metan trong hồ Abrahman được hình thành từ sự phân hủy các chất hữu cơ do vi khuẩn có trong nước, chất hữu cơ này bao gồm thực vật, động vật chết, các chất thải từ hệ thống xử lý nước của các trang trại xung quanh hồ cũng góp phần làm tăng lượng khí metan do vi khuẩn phân hủy các chất hữu cơ tạo thành. Vào mùa đông, khi hồ Abraham bị đóng băng, một lượng khí metan nằm dưới bề mặt trái đất và đáy đại dương vẫn còn bị mắc kẹt dưới đáy hồ dưới dạng chất rắn có màu trắng được gọi là Methane Hydrate. Khi nước trong hồ nóng lên, các chất rắn này thoát lên trên mặt nước kết hợp với khí metan từ quá trình phân hủy của vi khuẩn tạo thành những cột băng tuyệt vời như chúng ta nhìn thấy trong ảnh.

Không chỉ có tại hồ Abraham, metan có ở hầu hết những nguồn nước ở Bắc cực. Khí metan ảnh hưởng đến khí hậu gấp 20 lần so với cùng một lượng carbon dioxide trong khoảng thời gian 100 năm. May mắn thay, chúng rất dễ bị đốt cháy.

Để chứng minh những khối băng này là loại khí không màu, không mùi metan, các nhà sinh thái học của trường ĐH Alaska Fairbanks đã làm một thí nghiệm; họ đổ nước ấm vào băng để tạo thành một hố nhỏ trên đó, họ dùng bật lửa để mồi thì các khối khí này bốc cháy. Trong những năm gần đây, các lớp băng không còn có thể giữ những khối khí này được nữa, theo nhà sinh thái học Shakhova, hàng năm có khoảng tám triệu tấn khí thoát ra từ Đông Siberia, Bắc băng dương, gây đe dọa đến sự ấm lên toàn cầu.

 

Theo Thể Thao Việt Nam

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc