Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Dương Chí Dũng có thể thoát án tử hình?
Những ngày qua, nhiều báo trong nước đã dẫn một nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao để cho rằng các cựu lãnh đạo Vinalines, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, có thể bồi thường bằng tiền để tránh án tử hình.
Ông Dương Chí Dũng được báo chí nói là "rất bình tĩnh" khi nghe tuyên án

Ông Dương Chí Dũng được báo chí nói là “rất bình tĩnh” khi nghe tuyên án

Điểm 4 của Nghị quyết 01/2001/NQ-HĐTP được đưa ra hồi năm 2001 để hướng dẫn Điều 278 Bộ Luật hình sự về tội tham ô tài sản có một tiểu mục trong đó quy định các bị cáo bị xử phạt tử hình do chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên có thể được giảm án xuống tù chung thân hoặc có thời hạn nếu:

“Người pham tội đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt … của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội”.

Chi tiết “bồi thường đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt” được quy định là:

“Đã bồi thường được ít nhất 1/2 giá trị tài sản bị chiếm đoạt”

“Bồi thường từ 1/3 đến dưới 1/2 giá trị tài sản bị chiếm đoạt” nhưng có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội hoặc gia đình đã “thực hiện mọi biện pháp để bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt”.

Nhận tội mới được phép bồi thường?

Trả lời phỏng vấn BBC ngày 3/1, luật sư Hoàng Văn Hướng, thuộc văn phòng luật sư Hoàng Hưng, nói cả hai bị cáo không thể bồi thường vì vẫn chưa nhận tội.

Theo ông Hướng, việc bồi thường, dù là do gia đình tự nguyện hay do cá nhân các bị cáo chủ động, thì đều là “tình tiết khắc phục hậu quả”.

“Nhưng cơ bản là họ có nhận tội đâu mà khắc phục hậu quả?” ông nói.

“Theo tôi hiểu, nếu căn cứ vào Điều 278 thì các ông ấy bị đưa vào Khoản 4, tức là tội đặc biệt nghiêm trọng và hình phạt cao nhất là tử hình thì tòa đã áp dụng rồi.”

“Hiện nay nếu họ nhận tội theo như cáo trạng quy kết tại án sơ thẩm thì vấn đề bồi thường mới có thể được đề ra.”

Luật sư Hướng cho biết một khi các bị cáo nhận tội thì sẽ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là “thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải”.

Sau khi đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ này và thêm vào việc gia đình các bị cáo khắc phục tuyệt đối hậu quả hoặc quá nửa thiệt hai do hành vi chiếm đoạt gây ra thì sẽ giúp các bị cáo có hai tình tiết giảm nhẹ, ông cho biết thêm.

“Lúc đó thì hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sẽ xem xét”.

“Chứ còn dựa vào Nghị quyết 01 để khẳng định là ông ấy nộp 5 tỷ rồi được xóa bỏ án tử hình thì tôi thấy không khả thi lắm.”

‘Phải xem xét mức độ’

Ông Hướng cũng cho rằng “ngoài vấn đề nghị quyết hướng dẫn ra, nó còn phải căn cứ vào tính chất, mức độ.”

“Vụ án của Dương Chí Dũng và Mai văn Phúc là một đại án, ảnh hưởng rất nghiêm trọng,” ông nói.

“Tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay thì Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp, trong đó có xem xét quá trình xét xử, áp dụng pháp luật, đánh giá chứng cứ để đưa các vụ án ra xét xử theo đúng quy định pháp luật.”

“Có thể nói vụ án này là một vụ án điểm, cả nước tập trung vào. Mà hành vi bỏ trốn của ông Dương Chí Dũng càng làm người ta tập trung vào.”

“Cũng cần nói thêm nghị quyết 01 chỉ là nghị quyết để xem xét và hướng dẫn xét xử thôi, chứ không thể thay thế các điều luật và hội đồng xét xử có thể xem xét để áp dụng, chứ không bị bắt buộc áp dụng.”

Theo bbc

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc