Home » Xã hội » “Chui lủi” vận chuyển nông sản

Nhiều vấn đề đã nảy sinh sau một tuần các địa phương triển khai các trạm kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ trọng điểm.

Xe tải dừng đỗ dọc quốc lộ để tránh bị cân, hàng hoá ùn ứ ở cảng biển do không có phương tiện vận chuyển, nông dân không bán được nông sản vì giới buôn không chịu trả giá cước vận chuyển cao hơn…

Xe đi vòng, mía long đong

Ngày 7.4, tình trạng ùn tắc xe tải trên Quốc lộ 1 qua trạm cân xe An Mỹ, huyện Tuy An (Phú Yên) tiếp tục diễn ra. Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân. Một số học sinh, giáo viên cho biết đã trễ giờ đến trường do ùn tắc quốc lộ. Tại Tuy An cũng xuất hiện “cò dẫn đường né trạm cân” với giá 100.000 đồng/xe tải.

“Cò” dùng xe máy chạy trước hướng dẫn xe tải rẽ xuống đường liên xã để men theo đường du lịch biển, rồi vòng lại Quốc lộ 1. Xe tải nặng đã làm hư hỏng nhiều đoạn đường bê tông nông thôn tại Tuy An. “Tốn 100.000 đồng còn hơn bị “cân” mất cả chục triệu”- một lái xe tải nói.

Ùn tắc trên Quốc lộ 1 đoạn cạnh trạm cân tải trọng xe ở xã An Mỹ, huyện Tuy An, Phú Yên.

Ùn tắc trên Quốc lộ 1 đoạn cạnh trạm cân tải trọng xe ở xã An Mỹ, huyện Tuy An, Phú Yên.

Theo một cán bộ Nhà máy Đường KCP Sơn Hòa (Phú Yên), những ngày qua, việc triển khai các trạm cân xe tải tại xã An Mỹ (Tuy An, Phú Yên) đã ảnh hưởng nặng nề đến việc thu hoạch mía của dân và tiến độ ép của nhà máy. Cán bộ này cho hay: Đang cao điểm vụ thu hoạch mía, vậy mà nhà máy lại “bấp bênh” nguyên liệu, bởi nông dân và cánh xe tải đang… e dè trạm cân.

Mía từ các vùng nguyên liệu Tuy An, Sông Cầu về Sơn Hòa đều phải qua trạm cân An Mỹ. Mà xe tải bây giờ chỉ thỉnh thoảng đi “chui lủi” đi qua trạm lúc đêm khuya; còn lại hầu hết phải đi đường vòng lên hướng miền núi để băng qua Sơn Hòa. Điều này làm tăng cước vận tải, dân trồng mía bị lỗ, người kinh doanh xe tải cũng lỗ bởi không thể tăng giá cước. “Việc phát lệnh chặt mía đều theo kế hoạch cụ thể, người dân không chặt thì cũng “chết”, mà nhà máy cũng “chết” theo. Giờ chúng tôi chưa biết tính sao?” – cán bộ này nói.

“Từ lúc triển khai cân xe, tui có chạy “lụi” lúc khuya một chuyến chở mía qua Trạm cân An Mỹ để về Nhà máy Đường KCP Sơn Hòa. Nhưng thấy “nguy hiểm” quá, thôi thì đi vòng lên đường núi, xa gấp rưỡi khi đi qua Quốc lộ 1 nhưng “an toàn”. Chớ mà khi lấy thêm tiền cước thì bà con trồng mía “rên la” quá! Nhiều người đang dừng thu hoạch để nghe ngóng làm mía trổ cờ đầy rẫy… Dân kinh doanh xe tải cũng đang… rên la!”- lái xe tải N.T.T (ở Tuy An) cho hay.

Giá cước không đúng với giá vận tải

Về vấn đề hàng hoá, nông sản bị ách tắc từ khi triển khai rộng kiểm soát tải trọng xe, ông Khuất Việt Hùng – Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, từ năm 2013 Bộ đã phê duyệt phương án vận tải đường bộ, đường biển, đường sắt. Ví dụ, khi có thông tin Cảng Hải Phòng ách tắc gạo xuất khẩu sang Trung Quốc, đã có phương án vận chuyển bằng đường sắt hay sà lan đến Phú Thọ rồi vận chuyển sang Trung Quốc.

“Khi lấy thêm tiền cước thì bà con trồng mía “rên la” quá! Nhiều người đang dừng thu hoạch để nghe ngóng làm mía trổ cờ đầy rẫy… Dân kinh doanh xe tải cũng đang… rên la!”.

Lái xe tải N.T.T (Tuy An, Phú Yên)

Ông Hùng phân tích, trước nay các doanh nghiệp vận tải chỉ nghĩ đến vận chuyển theo trục Bắc -Nam theo đường bộ. Nhưng vận chuyển khối lượng lớn theo đường thuỷ, đường sắt rất tốt. Các doanh nghiệp vận tải biển đang xúc tiến và tăng thị phần vận tải đường thuỷ nội địa.

Ông Hùng khẳng định: “Giá hàng hoá, giá nông sản với chi phí vận tải là khác nhau. Bộ GTVT đã có những phương án khác để thay thế vận chuyển container, xe trọng tải lớn đường bộ. Ví dụ, vận chuyển container từ Hải Phòng lên Lào Cai mất 24 triệu đồng, còn chuyển qua đường sắt chỉ tốn chi phí 17 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Giá cước hiện nay không đúng với giá thành vận tải. Các chủ xe cần đàm phán với chủ hàng, bây giờ phải chở hàng đúng tải để nhận đúng giá cước. Trước đây đua nhau vô lối, chở quá tải để tăng lợi nhuận. Bây giờ phải trở lại đúng tải, phản ánh đúng giá vận tải”.

Ông Thanh nhận định việc hàng hoá, nông sản của nông dân bị ách tắc, ứ đọng thì Bộ GTVT không phải chịu trách nhiệm. Ông Thanh nhận định, khi các xe chở đúng tải thì việc tăng giá cước sẽ xảy ra, người tiêu dùng có thể phải chịu thêm một phần chi phí.

Theo ông Thanh, đây chính là phần chi phí trước đây do giá cước rẻ, đường sá bị hư hỏng và người dân cũng phải gánh chịu. Người đứng đầu Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp phải ngừng cạnh tranh bằng cách chở quá tải để giảm giá cước.

(Theo Dân Việt.)

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc