Home » Xã hội » Đất bỏ hoang sau dồn điền đổi thửa ở HN: “Hết tháng 5, phải giải quyết xong”

Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái xung quanh việc Hà Nội vẫn còn hơn 300ha đất bỏ hoang sau dồn điền đổi thửa mà NTNN đã thông tin.

Chấm dứt tình trạng để đất hoang

Ông Chu Phú Mỹ – Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn (từ tháng 5.2012 đến tháng 2.2014), thành phố đã DĐĐT được một khối lượng diện tích đất nông nghiệp rất lớn mà hơn 10 năm qua chưa làm được. “Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đã DĐĐT đều được quy hoạch lại, đào đắp mương máng, giao thông nội đồng theo tiêu chuẩn, tiêu chí NTM. Trên cơ sở đó, các địa phương đang đẩy nhanh ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng ở nhiều khâu, như làm đất, cấy, thu hoạch lúa…” – ông Mỹ nói thêm.

Đã có hơn 300ha đất ruộng ở Hà Nội bị bỏ hoang sau dồn điền đổi thửa (ảnh chụp tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai).

Đã có hơn 300ha đất ruộng ở Hà Nội bị bỏ hoang sau dồn điền đổi thửa (ảnh chụp tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai).

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, theo thống kê, hiện toàn thành phố vẫn còn 3,96% (tương đương trên 3.027ha theo kế hoạch và 361ha đăng ký thêm) chưa thực hiện xong DĐĐT. Diện tích này nằm rải rác trên địa bàn 48 xã, thuộc 12 huyện. Đáng chú ý là trong số diện tích này còn 336ha đất bị bỏ hoang sau DĐĐT, nhân dân không sản xuất vụ xuân 2014.

Về nguyên nhân khiến hàng trăm ha ruộng bị bỏ hoang, theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội là do trong quá trình thực hiện DĐĐT, vẫn còn một số cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa quyết liệt, còn ngại khó khăn, chưa tích cực vận động nhân dân thực hiện. Một số địa phương đã để nhân dân phản ứng, dẫn đến khiếu kiện đông người, gây mất trật tự an ninh khu vực, như đội 6 xã Hòa Bình, xã Nguyễn Trãi (huyện Thường Tín); xã Xuân Dương, Cao Viên (huyện Thanh Oai); xã Tuyết Nghĩa (Quốc Oai).

Lỗi do cán bộ thiếu quyết liệt

“Với hơn 3.000ha chưa DĐĐT được, đặc biệt là còn trên 330ha đất bỏ hoang nông dân không sản xuất như vừa rồi, các địa phương phải giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, với các diện tích chưa sản xuất đã quá vụ, lãnh đạo địa phương phải có phương án hướng dẫn nhân dân sản xuất bù vào vụ tới”.
Ông Nguyễn Công Soái

Theo ông Lê Thiết Cương – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, đa số các xã không DĐĐT được do chính quyền địa phương không thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở trong việc xây dựng và thông qua phương án DĐĐT; không thực hiện đúng quy trình DĐĐT theo hướng dẫn của Sở NNPTNT.

Do đó, Hà Nội đang yêu cầu những huyện gặp khó khăn trong DĐĐT, để xảy ra tình trạng nhân dân khiếu kiện như Thanh Oai, Thường Tín, Gia Lâm… đến hết tháng 5 phải giải quyết dứt điểm. “Công tác DĐĐT là việc khó, đòi hỏi cán bộ trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phải có tâm huyết, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, trên thực tế, cán bộ làm công tác DĐĐT đều là cán bộ kiêm nhiệm, năng lực chuyên môn chưa phù hợp với công việc được giao, khối lượng công việc lớn… nên cán bộ ở một số địa phương ngại, không muốn làm, đã đăng ký rồi nhưng xin để lại với nhiều lý do” – ông Cương nói.

(Theo Dân Việt.)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc