Home » Danh nhân, Văn hóa » Văn sử mạn đàm: Khổng Tử trọng đức và giáo dục (Phần 1)
khong tuKhổng Tử đã dành trọn cuộc đời để truyền thừa và hoằng dương văn hóa truyền thống bằng cách khiến cho văn hóa và giáo dục trở thành một bộ phận quan trọng trong cuộc sống. Ông giáo dục con người, dạy họ đạo lý cụ thể làm người, chú trọng đạo đức khi xử lý vấn đề hiện tại và giải quyết những rắc rối trong cuộc sống. Sau đây là một vài câu chuyện từ “Luận ngữ” và “Khổng Tử gia ngữ” của ông. 

I. Tâm niệm bậc Thánh giả

Một ngày Khổng Tử đi dạo đến núi Nông ở phía Bắc cùng với ba học trò là Tử Lộ, Tử Cống và Nhan Hồi. Khi lên đến đỉnh núi, Khổng Tử nhìn vào xa xăm, bùi ngùi cảm thán mà nói rằng: “Lên cao mà nhìn xa, tại sao các con không thử nói cho ta biết chí hướng của mình? Ta từ đó mà có thể lựa chọn được.”

Tử Lộ bước lên và nói: “Con hy vọng được dùng những mũi tên được trang trí với lông trắng và cờ đỏ. Con sẽ tiến quân và đánh đuổi kẻ thù trong tiếng chuông ngân trống giục, tràn đầy khí thế lấy lại hàng nghìn dặm đất bị mất. Tử Cống và Nhan Hồi có hiến mưu tính kế giúp con.” Khổng Tử nghe rồi nói: “Rất can đảm!”

Tử Cống bước lên và nói: “Con nghĩ nếu như có một ngày nào đó, thấy quân đội của nước Tề và nước Sở đối mặt với nhau, thực lực tương đương, chính lúc sắp xảy ra chiến tranh, con sẽ xuất hiện trong một chiếc áo choàng trắng và mũ trắng, nói rõ mối quan hệ lợi hại mà hai bên phải chịu vì chiến tranh. Không tốn một người lính, con sẽ giải quyết được tranh chấp giữa họ. Tử Lộ và Nhan Hồi có thể lâm trận hỗ trợ con.” Khổng Tử nói: “Thật hùng hồn!”

Nhan Hồi trầm mặc không nói năng gì. Khổng Tử hỏi anh ấy: “Nhan Hồi, con lẽ nào không có đạo lý nào có thể nói ra sao?” Nhan Hồi trả lời: “Văn – võ, cả hai phương diện họ đều đã nói cả rồi, con còn có thể nói gì nữa đây?”

Khổng Tử nói: “Cho dù là thế, ai cũng có chí hướng của mình. Con cứ nói xem xem.” Nhan Hồi nói: “Con hy vọng mình có thể phò trợ một minh vương thánh chủ, lấy lễ nhạc giáo hóa dân chúng. Khiến cho bậc quân chủ có thể ứng dụng Đạo cho toàn quốc, khiến cho các thần tử sống có đạo đức; bách tính vẫn nói rằng phải sống hài hòa, nhân dân an cư lạc nghiệp; binh khí đem luyện thành dụng cụ nông nghiệp, thành trì sẽ trở thành đất nông nghiệp. Người ta đối xử ân cần với người xung quanh, nhu thuận mà tiếp đãi khách xa, các quốc gia xung quanh, được truyền cảm hứng bởi sự chính trực và công bằng của nhà vua, sẽ cho quân đội của họ nghỉ ngơi và giải trừ chiến tranh. Thiên hạ từ đó mà không còn chiến tranh loạn lạc. Nếu như thực sự có một ngày như vậy, thì không cần Tử Lộ và Tử Cống giải cứu con người khỏi khổ nạn nữa.” Khổng Tử khen ngợi: “Thật là tốt! Đầy đủ đức hạnh.”

Tử Lộ hỏi: “Phu tử, người chọn cách nào?”

Khổng Tử nói: “Không tổn hại tài lực, không nguy hại bách tính, lại không có những lời khoa trương, vậy ta chọn cách của Nhan Hồi.”

Tin rằng Đạo sẽ cứu nhân loại và giúp con người sống trong hòa bình và an lạc, đó chính là chí hướng của Khổng Tử.

II. Bình khuyên răn

Một ngày kia Khổng Tử đến tham quan một ngôi miếu cổ của nước Chu và thấy một cái bình. Khổng Tử hỏi người trông coi miếu: “Đây là bình gì?”

Người coi miếu đáp: “Đây là bình dùng để tự đề tỉnh bản thân.”

Khổng Tử nói: “Ta từng nghe nói rằng khi cái bình này rỗng thì nó nghiêng về một góc, khi đầy nửa bình thì nó đứng thẳng, và khi đầy bình thì nó lật úp lại. Có đúng như vậy không?

Người coi miếu đáp: “Đúng là vậy.”

Khổng Tử bảo học trò đem nước lại để thử, và xác thực đúng như vậy.

Khổng Tử cảm thán mà nói rằng: “Đây chẳng phải đạo lý cái gì đầy thì cũng tràn đổ đó sao?”

Tử Lộ nói: “Thưa thầy, có phải thầy đang nói rằng con người thường giống như chiếc bình sau khi đầy nước, họ cho rằng cách nghĩ cách làm của mình là chính xác nhất, do đó bám chặt vào đó mà làm, kết quả là người đó thất bại, có phải như vậy không? Trạng thái đầy mà không tràn đổ, có cách nào làm được như vậy không?”

Khổng Tử nói: “Để giải quyết vấn đề tự đại tự mãn này, tự bản thân phải biết tiết chế bản thân mình, luôn để tâm mình thanh thản.”

Tử Lộ lại hỏi: “Muốn để tâm mình buông xuống, thì phải dùng cách nào?“

Khổng Tử nói: “Người có đạo đức phẩm hạnh cao thượng, phải bảo trì khiêm nhường kính cẩn. Người giàu sang phú quý, phải bảo trì tiết kiệm. Người có quyền cao chức trọng, phải bảo trì lấy khiêm nhường đối đãi người khác. Người có binh lực cường đại, phải bảo trì cảnh giác cẩn trọng. Người thông minh trí tuệ, phải nhắc nhở bản thân còn rất kém cỏi. Người học cao hiểu rộng tự nhắc nhở bản thân là còn rất nông cạn. Đây chính là cách tiết chế tự kỷ và buông tâm xuống. Như trong Kinh Thi viết: ‘Vua Thành Thang không ngại ngần tôn kính người khác, nên ông được mọi người tôn kính hơn nữa’.”

Người xưa thường dùng bình khuyên răn để đề tỉnh bản thân, và họ rất thông minh, chừng mực và khiêm tốn. Con người cần giữ được điều gì? Khiêm tốn là bản chất của con người. Làm sao để giữ được? Có một tấm lòng bác đại và khiêm tốn, giống như bầu trời bao phủ mọi thứ và mặt đất có thể dung chứa mọi vật, sẽ đầy mà không tràn.

III. Lấy Nghĩa làm đầu

Khổng Tử gặp vua của nước Lương. Vua hỏi: “Ta muốn bảo vệ địa vị và quyền lực của vua mãi mãi. Ta muốn sở hữu đất đai và vật báu của các nước chư hầu. Ta muốn bách tính vĩnh viễn tin tưởng ta, ta muốn tận dụng hết khả năng của quốc gia. Ta muốn mặt trời và mặt trăng mọc và lặn theo ý của ta. Ta muốn các bậc thánh nhân tự nguyện tìm đến, và ta muốn đất nước của mình chăm lo tốt cho nhân dân. Làm sao ta có thể thực hiện những điều này?”

Khổng Tử trả lời: “Vua của nhiều nước lớn nhỏ đã hỏi thần nhiều câu hỏi, nhưng không câu nào là về việc trị quốc như ngài. Tuy nhiên, không phải là không có biện pháp. Thần từng nghe rằng, nếu hai vua của hai nước có thể tôn trọng lẫn nhau và đối xử tốt với nhau, họ sẽ không bao giờ bị mất nước. Nếu một vị vua có thể làm lợi cho dân chúng với những chính sách từ bi và quan viên phục vụ dân bằng sự chân thành và trách nhiệm, thì các chư hầu sẽ tâm phục. Nếu một vị vua không vô cớ sát hại người dân hay bao che kẻ phạm tội, thì sẽ được bách tính tín nhiệm. Nếu vua mang lại lợi ích cho dân chúng bằng lý tưởng cao cả và ban thưởng cho quan viên có tài, thì cả đất nước sẽ tận lực giúp sức. Nếu vua thờ Thần kính Trời, thì mặt trời và mặt trăng sẽ chạy theo quỹ đạo tự nhiên của nó. Nếu vua thưởng phạt công minh, bậc thánh nhân sẽ tự nhiên đến. Nếu vua xem trọng người hiền đức, và cho phép nhân tài làm việc hết mình dưới sự quản lý của người có đức, thì quan phủ có thể quản lý tốt người dân.”

Khổng Tử dạy rằng đúng và sai nên được đo lường bằng tiêu chuẩn đạo đức, và con người không nên dính mắc vào lợi ích cá nhân. Khi gặp chuyện, nên làm điều đúng đắn, và dũng cảm thực hiện. Khổng Tử nói: “Quân tử chi vu thiên hạ dã, vô đích dã, vô mạc dã, nghĩa chi dữ bỉ”, ý tứ là bậc quân tử đối với các sự việc trong thiên hạ, cho dù có làm hay không, hành sự nhất thiết phải hợp với đạo nghĩa.

(Còn tiếp)

Tĩnh Viễn

Theo minhhue

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc