Home » Danh nhân, Văn hóa » Gương người xưa: Thực hành nhân đức và để lại tiếng thơm

Ảnh minh họa (Nguồn: Talesofwisdom.com)

Trương Phương Bình, sống ở Nam Kinh dưới thời Bắc Tống, là người khoan dung nhân hậu và trọng lễ nghĩa. Ông luôn giữ vững tiết tháo cao thượng và rất tin tưởng vào Thần Phật. Là người có phong cách cao nhã và độ lượng, ông luôn được nhiều người kính trọng.

Vào mùa thu năm 1054 sau Công nguyên, tức năm Chí Hòa thứ nhất đời vua Tống Nhân Tông, có một tin đồn ở vùng Tứ Xuyên truyền đến rằng quân địch đang sắp sửa xâm phạm biên giới. Quân sĩ đóng nơi biên cương tỉnh Tứ Xuyên nửa đêm được tin vô cùng kinh hãi, trăm họ đều tháo chạy, đạo tặc nổi lên khắp nơi, trật tự xã hội trở nên đại loạn.

Khi tin tức truyền đến kinh thành ở Khai Phong, cả triều đình từ trên xuống dưới đều chấn động kinh hãi. Tống Nhân Tông phải tìm người chủ soái để phái đi dẹp loạn, bèn nói với triều thần: “Đừng gây nên họa loạn, cũng đừng khiến nó trở thành sự biến. Dẫu rằng tin đồn trong dân chúng có tới tấp đi nữa, nhưng chủ ý của Trẫm đã định, họa xâm lăng chưa chắc là sẽ đến, chỉ sợ sự biến nổi lên từ nội bộ mà thôi. Sự việc này cần giải quyết theo cả hai cách là ‘nhu văn’ và ‘võ công’. Trẫm cần một hoặc hai vị đại thần đi xử lý chuyện này một cách khéo léo. Ai có khả năng làm nổi sự việc này, Trẫm sẽ phái người đó đi chiêu an quân dân của Trẫm”. Mọi người trong triều đều tiến cử Trương Phương Bình. Tống Nhân Tông đồng ý và phái Trương Công đi.

Trương Phương Bình lập tức rời kinh thành, đến mùa Đông tháng mười một thì tới đất Thục (tỉnh Tứ Xuyên ngày nay).

Phong cảnh Tứ Xuyên (Ảnh: Secret China)

Ông không làm giống như người khác, tức là sửa soạn lương thực hoặc ngân khoản viện trợ chi tiêu, cũng không điều động quân đội các nơi khác đến để trấn áp. Ngay hôm nhậm chức, ông lệnh cho đám quân lính gây hỗn loạn trong dân chúng phải trở về nơi chốn thường ngày của họ, hơn nữa còn hạ lệnh triệt bỏ hệ thống phòng thủ và triệu hồi lính tuần tra về đội ngũ.

Ông nói với quan viên và dân chúng đất Thục rằng: “Nếu địch tới xâm lấn thì có ta phụ trách, quý vị không phải lo lắng gì cả”. Ông bảo mọi người hãy sinh hoạt bình thường, các ngành các nghề, sĩ nông công thương, cứ vui vẻ làm việc và không nên hoảng hốt. Mỗi ngày ông đều chăm lo việc chính sự, đồng thời vỗ về dân chúng và binh lính.

Chẳng bao lâu sau, vùng Ích Châu (thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên lúc đó) đã khôi phục lại sự yên tĩnh thông thường, và dân chúng bắt đầu trở lại nếp sống yên ổn. Đến Tết Nguyên Đán, trăm họ đất Thục đều ăn mừng năm mới như mọi năm, và tất cả đều bình an vô sự. Tết năm sau, dân chúng đất Thục bàn bạc với nhau đem hình của Trương Phương Bình an vị trong đền thờ, để bầy tỏ lòng biết ơn đối với ông. Trương Phương Bình cố ngăn trở nhưng không cản nổi.

Phong cảnh Tứ Xuyên (Ảnh: Secret China)

Tô Tuân (một trong những học giả nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa) nói với người dân Ích Châu rằng: “Cai quản dân chúng khi họa loạn chưa phát sinh thì dễ, và cũng dễ xử lý sau khi họa loạn đã xẩy ra. Nhưng khi có mầm mống mà chưa có biểu hiện của họa loạn, hay lúc họa loạn sắp sửa phát sinh, thì xử lý là khó nhất. Không thể vì có mầm mống họa loạn mà xử lý quá nóng nảy vội vàng, cũng không thể vì họa loạn chưa thành hình mà buông lơi sự phòng bị. Tin đồn giặc xâm lăng trong năm đầu niên hiệu Chí Hoà cũng tựa như một món đồ vật đang bị nghiêng ngả, nhưng vẫn chưa đổ xuống. Chỉ có Trương Công của chư vị mới có thể ngồi an tọa bên cạnh nó, sắc diện không đổi, mà từ từ chấn chỉnh sự việc cho ngay chính lại; sau khi chỉnh đốn xong rồi, lại thong dong ngồi lùi lại đằng sau, không một chút vẻ kiêu căng tự mãn. Trương Công của chư vị chính là người thay thế Thiên Tử để trông nom lê dân bách tính, là người làm việc chăm chỉ không biết mỏi mệt. Chư vị là vì Trương Công mà được sống, ông tựa như là ân nhân cứu mạng của chư vị. Còn một điều tôi cho chư vị biết là Trương Công đã có lần nói với tôi rằng: ‘Không có chuyện tính nết của dân chúng không thể cải thiện được, mà chỉ nên xem dân chúng được đối đãi như thế nào mà thôi. Có người nói rằng: Người đất Thục thường xuyên phát sinh biến loạn, vì thế quan viên đã dùng thái độ đối xử với đạo tặc mà đối đãi với họ, sử dụng luật hình quản thúc kẻ trộm cướp mà quản thúc họ. Dân chúng nơi biên cương vốn đã nơm nớp lo âu chuyện chinh chiến, ngay cả ăn nói mạnh bạo còn không dám, mà lại còn sử dụng luật hình nghiêm khắc để trị họ, thì dân chúng mới nhẫn tâm không nhìn đến cha mẹ, vợ con mình mà gia nhập hàng ngũ đạo tặc, vì thế thường phát sinh đại loạn ở đất Thục. Nếu như quan viên dùng lễ nghĩa để giáo hóa họ, dùng pháp luật để ước thúc họ, như vậy thì dân đất Thục sẽ là dễ quản lý nhất. Còn nếu áp bức họ thì sẽ phát sinh biến loạn, thực ra dân Tề, dân Lỗ ở gần kinh thành cũng sẽ nổi loạn nếu bị áp bức như vậy. Khi ta áp dụng phương pháp đối xử nhân nghĩa với dân Tề dân Lỗ ở kinh thành cho người Thục, thì chính người Thục ở biên cương cũng sẽ tốt lành như người Tề và người Lỗ vậy. Ta không muốn làm bất cứ điều gì mà không tuân theo lễ nghĩa và pháp luật, hoặc cưỡng ép dân chúng phải tuân theo mình bằng cách lấy uy quyền mà uy hiếp’. À, một vị quan mà tôn trọng và quý mến người đất Thục, thì chỉ có Trương Công!”

Phong cảnh Tứ Xuyên (Ảnh: Secret China)

Mọi người nghe Tô Tuân nói xong rồi thì nhất tề đứng lên hành lễ và đáp lại: “Quả thực là như vậy”.

Tô Tuân lại nói: “Ân đức của Trương Công, đã in sâu vào tâm chư vị, ghi sâu vào tâm con cháu của chư vị. Công lao sự nghiệp của Trương Công, sẽ được sử quan ghi chép trong sách sử, không cần phải vẽ hình nữa. Vả lại chính Trương Công cũng không muốn vậy, phải không nào?”.

Mọi người đều nói rằng: “Tại sao Trương Công lại quan tâm đến sự việc này? Tuy rằng Trương Công không màng lưu danh sử sách, nhưng trong lòng của chúng tôi vẫn cảm thấy không yên. Như lúc bình thời hôm nay, nếu như nghe được có người nào đó làm chuyện tốt, thì nhất định phải hỏi rõ danh tính và chỗ ở của người đó, ngay cả hỏi thân mình cao hay thấp, tuổi tác nhiều hay ít, mặt mũi đẹp hay xấu, v..v..; có người còn đi sâu hơn, hỏi thăm cả người đó bình sinh thích gì, ngay cả suy đoán người đó là thế nào. Vả lại sử quan đã viết những sự tình này trong các câu chuyện được lưu truyền, mục đích là muốn để người trong thiên hạ, không những chỉ khắc sâu trong tâm, mà còn hiển hiện ra trước mắt nữa. Tiếng tăm diện mạo đều hiển hiện trước mặt người ta, khiến sự tri ân lại thực sự lâu bền hơn nữa. Từ đó mà xét, thì vẽ hình cũng không phải là không có ý nghĩa”.

Tô Tuân nghe xong rồi, không cách nào đối đáp được, nên đã vì người dân Thục mà viết câu chuyện nổi tiếng “Trương Ích Châu họa tượng ký.”

Trước khi Trương Phương Bình trở về kinh thành, người dân Ích Châu đã vẽ hình ông và đưa vào trong đền thờ, để biểu lộ lòng kính ngưỡng và yêu mến đối với ông. Sự tích Trương Phương Bình lấy Thiện đối đãi với dân Thục được truyền đi khắp thiên hạ. Người ta thường nói rằng: “Nếu quốc gia có việc trọng đại, thì Trương Công là người có thể lãnh trách nhiệm”.

Trương Phương Bình, đối với hỗn loạn phát sinh ở vùng Ích Châu, đã dùng chính sách chiêu an đối với người Thục. Ông tuyệt nhiên không xem người Thục là đạo tặc, mà trái lại, dùng phương pháp tôn trọng và tin tưởng như đã áp dụng cho dân Tề và dân Lỗ. Kết quả là ông đã khôi phục được trật tự vào tháng Giêng năm sau.

Do đó chúng ta thử nghĩ xem, đối với những người nhất thời phạm phải sai lầm do mê muội đánh mất tự kỷ của bản thân mình, có phải chúng ta đã vì quan niệm ích kỷ, bất chính, bất thiện của bản thân mình mà không thể lấy Thiện đãi người hay không, có phải còn đẩy thêm họ một cái hay không? Khi những người khác rất cần sự giúp đỡ của chúng ta, có phải vì chúng ta đã vứt bỏ trách nhiệm của bản thân mà không thể hành xử nhân ái hay không? Dùng thiện tâm chính là phương pháp tốt đẹp nhất, và nó có thể giải quyết được bất cứ vấn đề nan giải nào.

Tác giả: Trí Chân
(Theo Clearwisdom.net)

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc