Home » Cổ truyền, Văn hóa » Giày cao gót ban đầu là dành cho nam giới?

The-Vision-of-Saint-Eustace-676x450

“Cảnh mộng của Thánh Eustace”, Pisanello, 1438–1442. Một người cưỡi ngựa đang đi giày cao gót. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Ngày nay giày cao gót là một loại trong những đồ không thể thiếu của nữ giới. Song, quá trình lịch sử của giày cao gót lại cho chúng ta thấy không phải luôn như vậy. Trái lại, trong những thời điểm khác nhau trong lịch sử, giày cao gót từng được sử dụng bởi cả đàn ông. Hơn nữa, ngày nay giày cao gót được sử dụng cho mục đích thẩm mỹ, nhưng không phải luôn như vậy trong quá khứ, vì trong nhiều trường hợp đi giày cao gót là để phục vụ cho các mục đích thực tiễn.

Mặc dù vẫn chưa rõ giày cao gót được phát minh lần đầu vào khi nào, nhưng dường như chúng đã được sử dụng bởi những nghệ sĩ Hy Lạp thời cổ đại. Giày “kothorni” là một loại giày được đi từ những năm 200 trước Công nguyên, được lắp miếng nút đế cao bằng gỗ dài khoảng từ 8 đến 10cm. Người ta cho rằng chiều cao của đôi giày giúp nhận biết địa vị xã hội và tầm quan trọng của nhiều nhân vật khác nhau trên sân khấu. Vì vậy, loại giày đế cao này không phải để phục vụ mục đích thực tiễn hay thẩm mỹ, vì loại trang phục này chỉ được diện bởi những thành viên của một ngành nghề nào đó, ví dụ như trong trường hợp này là diễn viên sân khấu trong buổi diễn.

Từng có tuyên bố cho rằng, giới quý tộc Châu Âu đã bắt chước khi nhìn thấy những đôi giày cao gót Ba Tư vì nó là một biểu tượng của nam tính.

Sự xuất hiện kế tiếp của những đôi giày cao gót có thể được truy từ Châu Âu vào thời kỳ Trung Cổ. Trong giai đoạn này, cả nam và nữ đều sử dụng một loại giày được gọi là patten (giày đi bùn). Phố xá của rất nhiều thành thị thời Trung Cổ đều đầy bùn đất và bẩn thỉu, trong khi giày dép lúc đó được làm từ chất liệu mỏng manh và đắt tiền. Vì vậy, để tránh làm hỏng những đôi giày loại này, cả nam và nữ đã chọn sử dụng giày patten, vốn là một loại giày bọc bên ngoài giúp nâng bàn chân cao hơn mặt đất.

Mặc dù loai giày patten được sử dụng chính yếu cho các mục đích thực tiễn, nhưng các loại giày ở Châu Âu khác vừa có cả chức năng thực tiễn và vai trò biểu tượng. Giày chopine là một loại giày dép gần giống với patten, và rất phổ biến trong giới phụ nữ thượng lưu ở thành phố Venice (Ý) trong giai đoạn thế kỷ 15 – 17. Người ta cho rằng giày chopine càng cao bao nhiêu, thì địa vị của người mang nó cũng lớn bấy nhiêu, cá biệt có một số đôi giày cao đến 50cm. Mọi người có thể nghĩ, đây chắc chắn không phải là loại giày thực dụng nhất dùng để đi lại xung quanh. Điều này có nghĩa là những người phụ nữ mang giày chopine sẽ cần người hầu bên cạnh để giúp họ giữ thăng bằng. Có lẽ việc phô trương sự giàu có và địa vị không chỉ qua chiều cao của giày chopine, mà còn qua thực tế là cần những người hầu chỉ để hỗ trợ những người phụ nữ giàu có đi lại.

 

Vua nước Pháp Louis XIV đang đi đôi giày cao gót biểu tượng của ông trong một bức chân dung năm 1701 của Hyacinthe Rigaud. (Wikimedia Commons)

Vua nước Pháp Louis XIV đang đi đôi giày cao gót biểu tượng của ông trong một bức chân dung năm 1701 của Hyacinthe Rigaud. (Wikimedia Commons)

Mặc dù cả giày patten và giày chopine đều nâng bàn chân người đi lên quá mặt đất, chúng có nhiều nét tương đồng với giày cao đế dày hơn là với giày cao gót. Để tìm kiếm các loại giày giống hơn với giày cao gót ngày nay, chúng ta sẽ cần rời những con phố thời Trung Cổ ở Châu Âu để đi đến xứ sở Ba Tư ở phía Đông. Hiện nay vẫn chưa biết chính xác thời điểm giày cao gót bắt đầu được sử dụng ở phía Đông, nhưng hình ảnh của một người cưỡi ngựa khắc trên bát sứ Ba Tư cho thấy loại giày này đã được dùng từ thế kỷ 9 trước Công nguyên. Giày cao gót đã được sử dụng bởi quân kỵ binh Ba Tư vì chúng rất hiệu quả trong việc giữ chân cố định trong bàn đạp ngựa. Vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ tiếp theo, các nhà ngoại giao đã được Hoàng đế Ba Tư Abbas I điều tới Châu Âu để kết đồng minh nhằm chống lại một kẻ thù chung – Đế quốc Ottoman. Từng có tuyên bố cho rằng những nhà quý tộc Châu Âu đã bắt chước theo khi nhìn thấy những đôi giày cao gót Ba Tư vì nó là một biểu tượng của nam tính và một biểu tượng của địa vị, khác biệt với ứng dụng thực tiễn dùng trong việc cưỡi ngựa.

Người hầu được dùng chỉ để hỗ trợ những người phụ nữ giàu có đi lại

Đến thế kỷ thứ 17, phụ nữ cũng mang giày cao gót, như thể có một sự say mê chạy theo xu hướng thời trang nam của nữ giới. Đây chỉ được coi là một xu hướng thời trang hay một nỗ lực có chủ ý của phái nữ nhằm chiếm hữu quyền lực của nam nhân và đạt được sự bình đẳng giới, thì lại là một chủ đề thảo luận khác. Dù sao, sự đam mê của nam giới với giày cao gót đã dừng hẳn vào thế kỷ thứ 18. Thời kỳ Khai sáng [1] không chỉ mang đến một sự thay đổi trong cách tư duy của nam giới, mà còn trong cách ăn mặc của họ. Nam giới như một sinh mệnh “có lý tính” được phản ánh trong phong cách ăn mặc nghiêm trang. Vì vậy, giày cao gót, việc trang điểm, hay lối ăn mặc diêm dúa, đều được coi là thiếu lý chí, và do đó đã bị loại bỏ.

Thú vị ở chỗ, rốt cục phụ nữ cũng ngừng sử dụng giày cao gót, vì chúng không nghi ngờ gì là một loại giày dép không mang tính thực tiễn. Tuy nhiên, giai đoạn này không kéo dài quá lâu, khi giày cao gót trở lại thị trường vào giữa thế kỷ 19. Một trong những người đầu tiên áp dụng công nghệ nhiếp ảnh là những người sản xuất phim ảnh khiêu dâm. Những người mẫu trong các bức ảnh không mặc gì ngoài một đôi giày cao gót “hiện đại” (theo tiêu chuẩn ngày nay). Đây có thể là sự hình thành cho một mối liên hệ giữa giày cao gót và bản năng tính dục của phụ nữ. Phần còn lại, như người ta thường nói, đã trở thành lịch sử.

Tái bản với sự cho phép từ trang Ancient Origins. Đọc bản gốc ở đây.

Chú thích của người dịch:

[1]Thời kỳ Khai minh hay Thời kỳ Khai sáng (tiếng Anh: Age of Enlightenment; tiếng Pháp: Siècle des Lumières), còn gọi là Thế kỷ Ánh sáng, là giai đoạn thế kỷ 18 của triết học phương Tây, hay thời kỳ dài hơn gồm cả Thời đại Lý tính (Age of Reason). Từ này có thể được dùng với nghĩa hẹp hơn để chỉ phong trào của trí thức trong lịch sử, phong trào Khai sáng, phong trào ủng hộ lý tính với vai trò nền tảng căn bản của quyền lực.

Nguồn: vietdaikynguyen.com


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc