Home » Xã hội » Có bao nhiêu điểm bất hợp lý và khuất tất trong vụ chặt cây xanh tại Hà Nội?
chat cay
(Ảnh: nguoiduatin.vn)

1. Chặt cây vì lý do… “tưởng tượng”

Tháng 11/2014, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã cấp phép “theo đúng quy định” để đốn hạ 550 cây xanh cổ thụ để phục vụ 2 dự án: Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và hầm chui Quốc lộ 6 đi Hà Đông. Lý do chặt cây là để “bảo vệ an toàn” cho các dự án này.

Trong khi theo baotinmoi.com, ngày 25/3/2015, ông Mai Thanh Dung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, theo phương án thẩm định trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường của 2 dự án trên, không có việc chặt cả hàng cây to trên đường Nguyễn Trãi – Trần Phú. Nếu có thì dự án đã chặt cây ngay từ đầu để tạo hành lang thi công. Ông Dung nói rằng nếu vin vào dự án này để chặt bỏ cả hàng cây là sai. Ngoài ra, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp cũng cho biết “Tôi có tham gia Hội đồng Thẩm định đánh giá tác động môi trường đường sắt trên cao, hoàn toàn không có một câu nào trình bày của chủ dự án và tư vấn là sẽ phải chặt tất cả những hàng cây của đường Nguyễn Trãi hay đường Bưởi.”

Vì một lý do “không tồn tại” mà 550 cây đã “lên đường” một cách oan uổng.

2. Sao không công khai tiền bán gỗ?

Sở Xây dựng cho biết, toàn bộ số gỗ đốn hạ do Công ty cây xanh thực hiện dưới sự giám sát của Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật sẽ được Sở Tài chính định giá theo thị trường. Số tiền này sẽ được xung vào ngân sách. Tuy nhiên, con số cụ thể là bao nhiêu thì không được công bố  mặc dù trong số 550 cây bị chặt hạ đợt này, có hàng trăm cây xà cừ cổ thụ với đường kính từ 50cm trở lên.

3. Hầu hết người dân đều đồng thuận sao lại bị sốc và phản ứng gay gắt?

Chiều ngày 10/3, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết toàn bộ cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh sẽ được chặt hạ, dịch chuyển và thay thế bằng cây vàng tâm ngay trong tháng 3/2015 theo đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố. Ngày 18/3, UBND TP Hà Nội đã ban hành công văn 1853/UBND-XDGT gửi các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội nêu rõ vấn đề này.

Điều khuất tất đặt ra là theo nội dung trong Công văn 1853 nói trên: “Sở Xây dựng đã tổ chức họp báo và phối hợp với chính quyền địa phương thông báo đến người dân, và được hầu hết nhân dân tại khu vực thực hiện thay thế cây đồng thuận”, vậy thì cơ quan nào là nơi thực hiện việc họp báo và lấy ý kiến đồng thuận từ nhân dân? Số liệu cụ thể ra sao? Vì sao kết quả họp báo không được công khai rộng rãi cho mọi người? Và tại sao chỉ khi cây bị chặt vào ngày 18/3 thì người dân mới được biết đến đề án này? Nếu hầu hết người dân đều đồng thuận thì vì sao họ lại bị “sốc” và phản đối mạnh mẽ việc chặt cây đến vậy?

4. Phát biểu gây sốc của Phó Ban Tuyên giáo Thành uỷ

Bên lề cuộc họp báo chiều 17/3, khi được hỏi về vấn đề có cần phải hỏi ý kiến người dân trong việc chặt cây này không ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành uỷ, đã trả lời các câu hỏi sau đây rất “ấn tượng”:

“Cái gì cũng phải hỏi ý kiến hay sao? Bây giờ chỉ có chuyện trồng cây mà phải hỏi ý kiến dân! Tôi hỏi thế đất nước bây giờ động đến cái gì đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì… Cái gì phải hỏi dân thì đều có quy định.”

Khi được hỏi lại lần nữa: “Vậy chuyện chặt cây có phải hỏi dân không, thưa ông?”

Ông Long khẳng định: “Không phải hỏi gì cả, đấy là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của chính quyền. Một cái cây chặt đi cũng phải hỏi dân trong khi còn rất nhiều việc khác.”

5. Họp báo siêu nhanh

Cuộc họp báo ngày 20/3 do lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội tổ chức chỉ diễn ra trong vòng … 10 phút. Toàn bộ 21 câu hỏi của phóng viên đưa ra đều không được trả lời.

6. Lỗi do nhà tài trợ?

Trong cuộc họp, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng cho rằng “sự nôn nóng của các nhà tài trợ, thông tin thiếu minh bạch của đơn vị triển khai khiến dư luận chưa đồng tình.”

Tuy nhiên, các nhà tài trợ đều phản ứng gay gắt rằng họ tài trợ cho dự án trồng cây xanh chứ không tài trợ cho việc chặt cây, đồng thời cũng không biết thời điểm nào sẽ trồng cây và loại cây gì sẽ được trồng.

7. Xuất hiện người dân thủ đô bí ẩn

Cũng trong cuộc họp này, đột nhiên xuất hiện một người đàn ông bí ẩn tự xưng là người dân thủ đô có trình độ chuyên môn về môi trường – xây dựng – quy hoạch khiến toàn hội trường bất ngờ bởi nhiều phóng viên, nhà báo dù có thẻ nhưng không có giấy mời đều khó lọt vào dự họp.

Sau đó các phóng viên rốt cuộc cũng điều tra ra lý lịch của người này. Ông tên Bùi Thượng Dư (SN 1952, trú tại phố Hàng Tre – Hoàn Kiếm), là cán bộ của Công ty tư vấn thiết kế thuộc Sở Giao thông công chính Hà Nội đã về hưu 3 năm nay. Khi chia sẻ với phóng viên Người Đưa Tin, ông lại “thay đổi quan điểm”! Ông nói, “Chủ trương thay thế những cây sâu mục, nghiêng, bật gốc, có nguy cơ gãy đổ gây mất an toàn, làm đẹp bộ mặt TP là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, việc thực hiện thì lại sai lầm.”

Ông cho rằng “thành phố đã biết dừng đúng lúc đó là điều quan trọng. Hơn nữa, việc cùng lúc “truy vấn” là điều không nên bởi nếu góp ý có khi người ta còn nhận sai, và quan điểm của ông là lựa thời gian góp ý.”Về việc khuyên không nên đặt câu hỏi về trách nhiệm và chi tiết vụ chặt cây xanh, ông cho rằng “Đó là vấn đề mình không phải quan tâm. Nếu có tham nhũng, sai phạm đã có các cơ quan chức năng khác làm.”

8. Bao nhiêu cây đã bị đốn hạ?

Con số cây đã bị chặt không nhất quán. Theo trả lời trong văn bản số 2366 của Sở Xây dựng thành phố Hà Nội, 11/2014 đến đầu năm 2015: di chuyển 130 cây, chặt hạ 335 cây. Tuy nhiên, với lý do phục vụ 2 dự án như đã nêu ở phần 1, 550 cây đã bị đốn hạ vào tháng 11/2014, cộng với chỉ tính riêng số cây bị chặt tại đường Nguyễn Chí Thanh đã là thêm gần 400 cây, chưa tính số cây bị chặt tại các tuyến đường khác như Lê Duẩn, Quang Trung, Ngô Thì Nhậm, … Như vậy, ít nhất gần 1.000 cây đã bị đốn hạ chứ không phải là 335 cây như văn bản số 2366 nêu. Vậy rốt cuộc tổng số bao nhiêu cây đã bị chặt?

9. Treo biển trưng cầu dân ý

Ngày 18/3 đồng loạt “tàn sát” cây xanh. Sau khi vấp phải phản đối gay gắt của người dân, ngày 19/3, công ty công viên cây xanh Hà Nội treo những tấm biển trưng cầu ý kiến người dân về những cây dự kiến sẽ được cắt tỉa cành phòng gãy đổ mùa mưa bão hoặc do bị khô, mục. Đáng nói ở đây là hàng chục cây đã chết khô từ lâu hoặc mục ruỗng cũng được treo biển hỏi dân. Đây là lần đầu tiên dân được hỏi ý.

10. Cây “hô biến” trong đêm?

Theo văn bản 2366 nêu trên, Sở Xây dựng khẳng định trồng cây “vàng tâm” thay thế. Tuy nhiên, các chuyên gia lâm nghiệp đều cho biết “Toàn bộ cây trồng mới thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh không phải là cây Vàng tâm trong sách đỏ mà là cây Mỡ, hay còn gọi là Mỡ vàng tâm.”

Chuyện này còn chưa ngã ngũ, thì trong một đêm, người dân ở đây cho biết, họ rất ngỡ ngàng khi thấy 4 cây trơ trụi cành lá chỉ sau một đêm đã biến thành những cây to khỏe, cành lá xum xuê, thậm chí có cây còn ra hoa màu trắng.

11. “Em còn khỏe lắm. Xin đừng chặt em”

Theo Sở Xây dựng TP Hà Nội, việc chặt và thay thế cây xanh là nhằm loại bỏ những cây sâu, mục, cây bị nghiêng, cây tạp, cây không đúng chủng loại cây xanh đô thị. Nhưng hình ảnh các cây bị chặt được đăng trên khắp mặt báo và các trang mạng xã hội đều là những cây có thân to, chắc khỏe, không hề có dấu hiệu sâu hay mục ruỗng? Đa phần chúng đều là các cây cổ thụ có tuổi thọ từ vài chục năm trở lên vẫn đang rất xanh tốt, sum suê cành lá. Rất nhiều người dân cũng thắc mắc “thế nào là cây đúng chủng loại?”

12. “Làm toán”

Chi phí để chặt một cây xanh là 35-36 triệu đồng. Chưa kể chi phí khảo sát lên tới 1 tỷ đồng, trong đó riêng tiền đánh dấu cây cũng ngốn 670.000 đồng/cây. Phó Tổng giám đốc Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Hưng, xác nhận đó là việc có thực.

Trong khi cây Mỡ vàng tâm được trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh này được mua từ huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái với giá chỉ 300 ngàn đồng/cây (khoảng 3-4 năm tuổi, đường kính trung bình từ 10-12 cm).

Nếu so sánh giữa chi phí gần 36 triệu đồng để đốn hạ 1 cây xanh có tuổi đời vài chục năm đến cả trăm năm và chi phí mua 1 cây thay thế với giá 300 ngàn đồng (cần vài chục năm để trưởng thành và cho bóng mát), thật là một sự lãng phí khủng khiếp về tài lực, trong khi nước ta vẫn còn nghèo, còn rất nhiều khoản cần chi thiết thực hơn. Đó là chưa kể đến, lãng phí về thời gian trồng lại cây và thiệt hại môi trường. Tiền của doanh nghiệp tài trợ thì được phép lãng phí đến thế sao, các doanh nghiệp tài trợ cũng cần phải xem xét lại mình đang làm việc tốt cho đất nước thật hay không.

13. Miễn bình luận

Ngày 25/3, 20 câu trả lời báo chí của Sở Xây dựng TP Hà Nội khiến dư luận lại dậy sóng. Xem toàn văn của văn bản 2366 tại đây.

Chúng tôi xin nhường phần nhận xét, đánh giá cho quý đọc giả.

Mộc Lan tổng hợp

Nguồn: daikynguyenvn.com

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc