Home » Thế giới » Đài Loan ban hành luật cấm du lịch ghép tạng phi pháp
 học viên Pháp Luân Công ,mổ cắp nội tạng, Đài Loan,phản nhân loại

Các học viên Pháp Luân Công đang mô phỏng hành động mổ cắp nội tạng trên cơ thể người sống để bán tại một sự kiện ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 20/7/2014. (Mandy Cheng/AFP/Getty Images)

Viện Lập pháp Đài Loan vào 12/6 đã sửa đổi luật ghép nội tạng nhằm góp phần ngăn cản hoạt động thu hoạch tạng từ các tù nhân chịu án tử tại Trung Quốc ,vốn nằm trong nỗ lực trên toàn cầu để chấm dứt nạn buôn bán các cơ quan trong cơ thể người ở nước này.

Phiên họp của Viện Lập pháp Đài Loan ngày 12/6 đã thông qua một loạt sửa đổi quan trọng cho Sắc lệnh về Cấy ghép Nội tạng Người để phê chuẩn thành luật.

Theo luật mới sửa đổi, những bệnh nhân đi du lịch nước ngoài để nhận nội tạng phi pháp có thể bị kết án tới 5 năm tù và nộp khoản tiền phạt từ 300.000 Đài tệ (khoảng 9.700 USD) tới 15.000.000 Đài tệ (khoảng 484.000 USD).

Luật mới sửa đổi cũng quy kết một số trách nhiệm lên bác sĩ và bệnh viện. Các bác sĩ phải lập hồ sơ về bất kỳ bệnh nhân nào được ghép tạng ở hải ngoại và tiến hành điều trị tiếp theo trong nước.

Cả bác sĩ và bệnh viện sẽ bị phạt tới 150.000 Đài tệ (4.840 USD) nếu không lập hồ sơ bệnh nhân theo luật định. Các tổ chức y tế và nhân viên sẽ bị truy tố hình sự nếu lập báo cáo giả.

Chủ tịch Trung tâm Hiến tặng và Đăng ký Nội tạng Đài Loan Lý Bá Trương tư vấn, các bác sĩ Đài Loan có thể giới thiệu bệnh nhân của mình tới bệnh viện hải ngoại để nhận nội tạng qua nguồn hợp pháp. Các bác sĩ vẫn cần nộp bản báo cáo về những bệnh nhân này khi họ hồi hương.

Nhà Lập pháp thuộc Đảng Dân chủ Tiến bộ Đài Loan Điền Cận Thu nói:

Nội tạng luôn rất khan hiếm trên khắp thế giới, và du lịch ghép tạng đã trở thành một vấn đề không chỉ cho đạo đức ngành y toàn cầu mà còn đối với nhân quyền quốc tế. Việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng và buôn lậu tạng người không chỉ vi phạm luật mua bán tạng mà còn là tội ác chống nhân loại. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã chỉnh sửa luật lệ và hình phạt nhằm trấn áp hoạt động môi giới và du lịch ghép tạng.

Theo bà Điền, những quy định về ghép tạng của Đài Loan “đã đạt tiêu chuẩn quốc tế”.

Loạt sửa đổi mới đây trong luật Đài Loan đã bổ sung cho Sắc lệnh về Cấy ghép nội tạng Người của Hồng Kông và phù hợp với luật đã được thông qua tại Tây Ban Nha cũng như nhiều quốc gia khác, luật sư nhân quyền Đài Loan Theresa Chu nhận định.

Những quy định mới về luật cấy ghép nội tạng Đài Loan giống như bức tường lửa pháp lý để ngăn cản con người khỏi trở thành đồng phạm với hành động thu hoạch nội tạng mang tính tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nội tạng lấy từ tử tù?

Sau nhiều năm liên tục phủ nhận, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Chủ tịch Ủy ban Ghép Nội tạng Trung Quốc Hoàng Khiết Phu đã phải thừa nhận rằng chính quyền này đang sử dụng nội tạng tù nhân bị hành quyết vào tháng 12 năm 2005. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, số nội tạng đó có mặt trong 2/3 toàn bộ các ca phẫu thuật tại Đại lục.

Chính quyền Trung Quốc cam kết sẽ ngừng hoạt động này, tuy nhiên chỉ khẳng định đã làm như vậy vào tháng 12/2014. Ông Hoàng nói rằng, kể từ tháng 1 năm nay, Trung Quốc sẽ chỉ sử dụng nội tạng do người dân tình nguyện hiến.

Tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều tin vào tuyên bố đó.

Các quan chức, bác sĩ, nhà nghiên cứu và chuyên gia y tế châu Âu tham dự một hội thảo tại Brussels do Nghị viện châu Âu tổ chức hôm 21/4 phát biểu, vẫn còn diễn ra “những hành động tàn sát và thu hoạch nội tạng phi pháp đối với tù nhân không chịu án tử” ở Trung Quốc.

Khẳng định một nghiên cứu từ các nhà điều tra độc lập, những nhân vật tham dự hội thảo đã lên án hành vi giết hại tù nhân lương tâm, mà đa phần trong đó là các học viên Pháp Luân Công-môn tu luyện tinh thần bị đàn áp tại Trung Quốc từ năm 1999.

Khi phu nhân của một bác sĩ phẫu thuật ghép tạng tiết lộ về hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng vào năm 2006, luật sư nhân quyền David Matas và cựu thành viên quốc hội Canada David Kilgour đã quyết định điều tra những cáo buộc tưởng chừng không thể tin nổi này.

Thông qua các cuộc điện thoại ẩn danh để điều tra bác sĩ ghép tạng ở nhiều bệnh viện Trung Quốc và bằng cách phân tích số liệu ghép nội tạng với giao dịch mà nước này đang thực hiện, ông Kilgour và Matas đã rút ra được kết luận, Đảng Cộng sản Trung Quốc tham gia có hệ thống vào hoạt động cưỡng bức lấy nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công khi họ còn sống tại bệnh viện nhà nước để bán cho du khách có nhu cầu.

Trong một nghiên cứu khác, nhà báo Ethan Gutmann ước tính con số học viên Pháp Luân Công bị sát hại là 65.000 người. Trong cuốn sách “The Slaughter” (lược dịch: Cuộc tàn sát), ông Gutmann đã lần theo những dấu vết về lạm dụng ghép tạng thời kỳ sơ khai nhất của Đảng đối với các nạn nhân người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số Turkic ở tỉnh Tân Cương miền tây Trung Quốc, cho tới nhóm bất đồng chính kiến và học viên Pháp Luân Công.

Các nhà nghiên cứu về thu hoạch nội tạng đã được phác họa trong bộ phim tài liệu: “Thu hoạch nội tạng người: Hoạt động buôn bán nội tạng phi pháp tại Trung Quốc”. Bộ phim đoạt giải Peabody, giải thưởng lâu đời và uy tín nhất trên thế giới trong lĩnh vực truyền thông điện tử và phát thanh truyền hình.

Bộ phim cũng lột tả cảm giác kinh hoàng của một số công dân Đài Loan sang Trung Quốc nhận tạng khi biết được nguồn gốc thực sự các nội tạng được sử dụng trong ngành cấy ghép rất phát triển ở nước này.

Theo Minh Báo

Biên dịch từ Epoch Times


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc