Vào ngày 11/10 vừa qua khi thượng nguồn sông Hồng ở Trung Quốc dâng cao, nước tràn về khiến mực nước sông Hồng thuộc tỉnh Lào Cai dâng cao đến mức báo động cấp 2, hoa màu hai bên sông bị ngập lụt.
Qua sự việc này nhiều chuyên gia cảnh báo rằng Trung Quốc xả lũ khiến mực nước sông Hồng dâng cao sẽ gây nguy hiểm cho người dân ở Việt Nam.
Báo Người Lao Động dẫn lời ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai cho rằng nước sông Hồng đột ngột dâng cao là do lũ đổ về vì Trung Quốc xả lũ với lưu lượng xả 2.500 m3/giây, vị trí xả lũ của Trung Quốc cách TP Lào Cai 100 km về phía Bắc.
Ông Hải cũng cho biết theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc, cơ quan khí tượng thủy văn 2 bên có trao đổi thông tin. Cụ thể, số liệu quan trắc thủy văn sông Hồng được trao đổi 4 lần/ngày. Tuy nhiên, các thông báo này chỉ đưa ra thông số lưu lượng nước chứ không nói là có xả lũ hay không.
Thượng nguồn sông Hồng chiếm một nửa lượng nước toàn bộ sông
Hiện nay nơi vùng thượng nguồn sông Hồng, Trung Quốc đang tiến hành các công trình thủy điện, các nhà máy thủy điện lớn nơi đây là Nam sa, Kiết Sái và Mã Đổ Sơn với 20 đập nước lớn nhỏ khác nhau cùng hàng loạt các hồ chứa nước
Cùng với việc xây dựng các công trình thủy điện này, thượng nguồn sông hồng cũng chứa lượng nước khổng lồ, chiếm tới một nửa lượng nước của toàn bộ sông Hồng. Vì thế bất kỳ một rủi ro nào như vỡ đập, hồ chứa nước hay áp lực phải xả lũ sẽ là mối nguy vô cùng to lớn cho các tỉnh ven sông Hồng ở Việt Nam.
Khi Trung Quốc xây dựng các công trình thủy điện nơi thượng nguồn sông Hồng, các chuyên gia bảo vệ môi trường quốc tế đã cảnh báo rằng chúng sẽ làm xáo trộn môi trường sống của cá và các loài thủy sản quan trọng. Các chuyên gia cũng cảnh báo trước về việc xả lũ sẽ tác động lớn đến hạ nguồn.
Từ trước đến nay, chuyên gia các nước láng giềng quanh Trung Quốc thường bày tỏ sự lo ngại ảnh hưởng xấu từ các công trình thủy điện từ Trung Quốc đến các vùng hạ lưu.
Các con sông khác đều gặp nguy hiểm
Không chỉ có sông Hồng, GS-TS Hà Văn Khối, Trường ĐH Thủy lợi cho báo Người Lao Động biết rằng: Riêng trên sông Lô và sông Gâm có ít nhất 8 hồ chứa với tổng công suất lắp máy khoảng 2.300 MW, trong đó có 3 hồ chứa lớn là Mã Đường (400 MW), Bi Thủy (278 MW), Nam Cổn (1.500 MW). Nếu xả nước đột ngột từ phía Trung Quốc sẽ gây nguy hiểm cho các hồ chứa trên sông Đà của Việt Nam.
Các đập nước trên sông Mê Kông do Trung Quốc xây dựng (ở Trung Quốc và Lào) cũng gây ảnh hưởng lớn đế hạ nguồn Việt Nam, ngăn cản việc bồi đắp phù sa cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Ở khu vự sông Thao các chuyên gia cho rằng nếu Trung Quốc xả lũ đột ngột sẽ ảnh hưởng lớn đến các công trình cũng như người dân ven sông các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ và vùng hạ du phía dưới
Cứ như thông lệ hàng năm, mùa mưa Trung Quốc sẽ xả lũ gây lụt lội nơi hạ nguồn, mùa khô thì ngăn dòng tích nước khiến hạ lưu ở Việt Nam gặp khô hạn.
Cần có sự thống nhất giữa hai nước
Hiện nay Trung Quốc và Việt Nam chưa thống nhất hay ràng buộc gì về việc xả lũ, việc Trung Quốc xả lũ được xem là việc làm của họ và không cần thông báo cho phía Việt Nam.
Để tránh khỏi rủi ro này các chuyên gia trong nước đề xuất việc xây dựng một quy trình vận hành liên hồ chứa xuyên quốc gia, như các nước châu Mỹ và châu Âu đã thực hiện. Đây là việc cần thực hiện sớm nhất có thể.
Ngoài ra cũng cần có sự thống nhất giữa hai quốc gia về quy định thông báo khi xả lũ, điều này tưởng như khá đơn giản nhưng lại chưa thực hiện được giữa hai quốc gia.
Ngọn Hải Đăng
Theo daikynguyenvn.com
“Riêng trên sông Lô và sông Gâm có ít nhất 8 hồ chứa với tổng công suất lắp máy khoảng 2.300 MW, trong đó có 3 hồ chứa lớn là Mã Đường (400 MW), Bi Thủy (278 MW), Nam Cổn (1.500 MW). Nếu xả nước đột ngột từ phía Trung Quốc sẽ gây nguy hiểm cho các hồ chứa trên sông Đà của Việt Nam” Xả nước trên sông Lô hoặc sông Gâm thì chẳng liên quan gì đến hồ chứa trên sông Đà cả. Chắc phóng viên nghe lộn rồi