Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Vì sao sinh viên nước ngoài không thể sao chép luận văn như ở Việt Nam
Vào mỗi dịp hè, những sinh viên năm cuối thường phải vất vả ngược xuôi để hoàn tất luận văn của mình, nhưng cũng có không ít sinh viên vẫn lang thang các quán cà phê, lên mạng chát chít, bởi lẽ việc làm luận văn đã có người khác lo.

Theo phản ánh của nhiều sinh viên và giảng viên, thì việc làm luận văn thuê đã xuất hiện từ nhiều năm trước. Ở Sài Gòn và Hà Nội còn hình thành cả chợ luận văn hoạt động gần như công khai. Tại các chợ luận văn này sinh viên có thể dễ dàng tìm các đề tài luận văn để sao chép chỉnh sửa thành luận văn của mình.

Không chỉ thuê người viết mà sinh viên cũng có thể dễ dàng hoàn tất bài luận văn tốt nghiệp của mình qua việc sao chép từ luận văn cũ, hay của trường khác

Việc sao chép luận văn trong sinh viên rất phổ biến khiến cho chất lượng luận văn kém vì không có tính sáng tạo gì cả, rất chung chung và không đi sâu vào cụ thể.

Nhiều sinh viên không có thời gian nghiên cứu viết luận văn nên phải chạy đôn chạy đáo, vào thư viện mượn các luận văn cũ, rồi xáo xào thành luận văn của mình, rồi nhờ bạn bè hay người thân đến cơ quan nào đấy xác nhận giúp thế là xong, luận văn vẫn có điểm tốt rồi tốt nghiệp.

Thậm chí “chợ” luận văn còn ngang nhiên tồn tại ngay sát cổng trường đại học, cung cấp bất kỳ loại luận văn, đồ án nào cho sinh viên có nhu cầu.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin,  Phòng Thanh tra của một trường đại học đã tiến hành điều tra ngẫu nhiên trên 400 luận văn tốt nghiệp của sinh viên trường. Kết quả, có 10% luận văn trong số này là sao chép

Còn bài tiểu luận các môn học, thì sinh viên tha hồ phát huy khả năng lướt web, tìm kiếm rồi sao chép. Chỉ mất một buổi là một tiểu luận hoành tráng được hoàn thành. Nếu trình bày đẹp, đề mục rõ ràng thì cầm chắc đạt điểm 8, điểm 9.

luan-van

Đồ án, luận văn… được rao bán công khai

Tại “Hội nghị liêm chính học thuật toàn quốc lần thứ nhất” do Đại học Hoa Sen phối hợp với Tổ chức Hướng tới Minh bạch và CLB FACE tổ chức. Ông Võ Thanh Hải – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đưa ra số liệu khảo sát tân sinh viên nhập học tại trường này với câu hỏi: “Bạn từng sao chép nguyên bản bài viết của các tác giả trên mạng, sách tham khảo, giáo trình… mà không trích dẫn chưa?” Kết quả cho thấy chỉ có 16% là không có sao chép. Cụ thể như sau:

bieu-do-sao-hep-luan-van

Kết quả khảo sát tại trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng. Ảnh hoasen.edu.vn

Cũng tại buổi hội nghị này, trường Đại học Hoa Sen cho biết đã có cuộc khảo sát 681 bài luận văn, phát hiện mức tương đồng là 29%, đây là tỷ lệ rất cao trên thế giới

Các trường Đại học ngăn chặn nạn sao chép thế nào

Để ngăn chặn hiện tượng này, các trường đã ra quy định sẽ trừ điểm các luận văn sao chép, tùy vào mức độ sao chép khác nhau mà trừ điểm. Riêng trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ không công nhận tốt nghiệp nếu sinh viên vi phạm.

Thế nhưng không phải trường hợp nào sao chép luận văn cũng bị phát hiện và xử lý, bởi số lượng luận văn cũ rất nhiều nên khó phát hiện được. Có sinh viên cho rằng quy định phát hiện sẽ bị trừ điểm thế thôi, chứ thực tế thì nếu sao chép luận văn khóa trước thì thường không phát hiện được

Tiến sĩ Võ Văn Nhơn (ĐHKHXH & NV TPHCM), cho báo giaoducthoidai biết: “Việc phát hiện ra SV đạo văn ở lĩnh khoa học xã hội rất mất thời gian, đòi hỏi người giáo viên phải chịu khó tìm tòi đối chiếu các tài liệu trên Internet. Ở khoa Ngôn ngữ và Văn học của trường cũng đã xử lý kỷ luật với hình thức buộc làm lại nhiều trường hợp sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp đạo  văn. Hiện tại ở trường cũng chưa có văn bản nào quy định về việc xử lý sinh viên sao chép. Bên cạnh đó, việc xử lý khi phát hiện sinh viên sao chép cũng chưa mạnh tay, không đủ sức răn đe.”

Để chống lại nạn sao chép này đã có trường sử dụng phần mềm phát hiện sao chép. Đại học Hoa Sen và Đại học Hàng Hải đang dùng Phần mềm Turnitin, có thể truy quét khoảng 4,5 tỉ trang web đang hoạt động trên mạng, dùng để phát hiện sự tương đồng của các luận văn, đồ án. Phần mềm của riêng Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) có thể so sánh sự tương đồng giữa các luận văn, Đại học Cần thơ cũng đang xây dựng phần mềm chống sao chép.

Việc xây dựng phần mềm phát hiện sao chép chỉ là việc làm trước mắt, còn tương lai là cần phải thay đổi phương thức giao dục. Chúng ta thử xem sinh viên ở các nền giáo dục tiên tiến làm luận văn thế nào.

Vì sao sinh viên ở các nền giáo dục tiên tiến không thể sao chép luận văn

Sinh viên Phần Lan. Ảnh thongtinkhoahoc

Sinh viên Phần Lan. Ảnh thongtinkhoahoc

Ở các nền giáo dục tiên tiến việc sao chép khi làm luận văn là khó xảy ra, lấy ví dụ giáo dục ở Phần Lan.

Ở Phần Lan cũng như các nền giáo dục tiên tiến khác, sinh viên học và hành đi đôi với nhau, học tới đâu, lập tức sẽ thực hành ngay hoặc đến các công ty thực tập luôn về phần đấy để hiểu và nắm chắc vấn đề.

Còn ở Việt Nam, thường học lý thuyết hết 3,5 năm, rồi nửa năm còn lại dồn hết vào đi thực tập một lần. Lúc thực tập thì kiến thức đã học qua lâu rồi không được thực tập ngay nên đã quên mất rất nhiều rồi, nắm vấn đề không còn chắc nữa. Cũng vì thế chương trình đại học ở Việt Nam phải mất 4 năm, trong khi các nước khác chỉ 3 năm.

Ở Phần lan trước khi tốt nghiệp 1 năm đã phải chuẩn bị cho việc viết luận văn, đây được xem là nghiên cứu riêng của mỗi người nên đừng mong sao chép như ở Việt Nam. Sinh viên có thể chọn chủ đề cũ, nhưng chủ đề cũ thường không được đánh giá cao, nên nhiều sinh viên chọn chủ đề mới mang tính cập nhật.

Sau khi thảo luận nhóm, sinh viên chọn được chủ đề ưng ý rồi viết “phương pháp nghiên cứu” (research plan). Viết phương pháp nghiên cứu này cũng hướng theo chuẩn mực quốc tế như cần thể hiện đầy đủ rõ ràng tên phương hướng, lý do sử dụng phương pháp này, cách thực hiện, các đề cương và đề mục rõ ràng. Phần phương pháp nghiên cứu này dài khoảng 20 trang. Tất cả các bước này được làm trong 1 học kỳ.

Sau đó bước vào viết luận văn. Một sinh viên ở Việt Nam hoàn thành một luận văn chất lượng tốt của riêng mình là khó hơn so với các nước khác. Đó là do sinh viên các nước giáo dục tiên tiến là học tới đâu được thực hành và thực tập luôn nên nắm chắc vấn đề, nên tự viết luận văn sẽ dễ và chất lượng cao hơn so với sinh viên Việt Nam

Việc xét và hướng dẫn viết luận văn ở Việt Nam, các giảng viên thường xem không kỹ, thậm chí xem rất sơ sài luận văn. Có nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Sài Gòn phải mang luận án của mình ra tận Hà Nội cho giảng viên, nhưng sau đó đã rất thất vọng vì phát hiện luận án công phu của mình không được giảng viên xem mà chỉ phê vào. Chính vì thế các đề tài viết ra có ý tưởng mới hay không thì giáo viên nhiều khi cũng chẳng để ý, vì luận văn cũ giáo viên còn không xem thì làm sao biết luận văn mới có ý tưởng khác biệt hay không.

Ở Phần Lan các Giáo Sư, giảng viên xem rất kỹ luận văn, nên những phần nào mà luận văn trước đã có rồi mà luận văn sau còn viết lại thì bị phát hiện ngay và yêu cầu viết lại. Các sinh viên chọn viết đề tài cũ thì cần có ý tưởng phát kiến mới nếu không sẽ bị yêu cầu viết lại. Vì thế mà việc sao chép ở Phần Lan là không thể.

Thiết nghĩ giáo dục Việt Nam cần phải học Phần Lan, cần có cải tiến thay đổi hòan toàn giáo dục như vậy, thì nạn sao chép sẽ không còn nữa.

Ngọn Hải Đăng

Theo daikynguyenvn.com


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc