Home » Thế giới » Nhật Bản bắt tay Philippine, đáp trả TQ trên Biển Đông
Nhật Bản và Philippines đã kí kết một hiệp ước trao đổi trang thiết bị quốc phòng. Đây là một việc làm thuận lợi “một công đôi việc” cho Nhật.

Đáp trả Trung Quốc trên Biển Đông, Nhật Bản “một công đôi việc”.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AP

The Diplomat phân tích, thỏa thuận quốc phòng giữa Nhật Bản và Philippines mới đây có sự khác biệt rõ rệt với các thỏa thuận quốc phòng mà Tokyo kí với các nước khác.

Hôm 29/2 vừa qua, Nhật Bản và Philippines đã kí kết một hiệp ước trao đổi trang thiết bị quốc phòng. Qua đó, Philippines trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên kí kết một hiệp ước quốc phòng với Tokyo.

Kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe và chính phủ Nhật Bản tái cơ cấu các khuôn khổ xuất khẩu vũ khí với Bộ 3 Quy tắc Chuyển giao Trang thiết bị Quốc phòng được thông qua hồi tháng 4/2014, Tokyo luôn sốt sắng tìm kiếm các đối tác quốc phòng khác bên cạnh “người anh lớn” Mỹ.

Tháng 7/2013, Anh trở thành quốc gia đầu tiên (không tính Mỹ) kí kết hiệp ước trao đổi trang thiết bị quốc phòng với Nhật Bản, sau đó là Australia (7/2014), và Ấn Độ (12/2015).

Các động thái này cho thấy tham vọng toàn cầu hóa nền công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản. Mục đích của bộ Quốc phòng nước này là đảm bảo Nhật Bản có thể giữ vững một nền công nghiệp quốc phòng năng động và đủ sức cạnh tranh, tránh phụ thuộc vào vũ khí nước ngoài.

Lấy ví dụ như trong hiệp ước kí kết cùng Australia, Nhật Bản rõ ràng muốn lấy đó làm tiền đề mở đường cho việc tham gia vào dự án hiện đại hóa tàu ngầm SEA 1000 của đối tác châu Đại Dương.

Tương tự, việc bắt tay Ấn Độ cũng nhằm xúc tiến việc chuyển giao máy bay tìm kiếm cứu hộ US-2 của Tokyo cho New Delhi.

Tuy nhiên, hiệp ước mới đây với Philippines lại khác hoàn toàn, bởi tiến độ quá nhanh trong quá trình đàm phán đi đến thỏa thuận.

Ngoài ra, trong khi các hiệp ước kí kết cùng Anh, Australia, và Ấn Độ chủ yếu nhằm cải thiện tính cạnh tranh cho ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản, và đa dạng hóa các đối tác thay vì dựa dẫm quá nhiều vào Mỹ, thì cái bắt tay với Philippines lại có mục đích hoàn toàn khác.

The Diplomat nhận định, trong hiệp ước với Philippines, Nhật Bản chấp nhận ngành công nghiệp quốc phòng của họ sẽ không thu về được gì nhiều, nếu so với những cái bắt tay trước đó với các cường quốc quân sự như Anh, Ấn Độ, hay Australia.

Song về mặt ngoại giao, đây có thể coi là một lời đáp trả trực tiếp nhắm vào các động thái ngày một ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian qua.

Về phần mình, Philippines đã đưa những tranh chấp Biển Đông ra tòa trọng tài quốc tế (PCA) tại The Hague, và đã nhận được phán quyết sơ bộ có lợi cho mình khi PCA khẳng định họ có quyền tài phán xét xử vụ tranh chấp này.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng ngay lập tức tuyên bố sẽ không công nhận phán quyết của PCA trong vụ kiện. Trước tình hình này, Philippines hiểu rằng họ cần tìm kiếm mọi sự giúp đỡ có thể để bảo vệ quyền lợi trên biển trước một Trung Quốc hung hăng và bất chấp.

Đây cũng chính là bối cảnh thúc đẩy cái bắt tay giữa Nhật Bản và Philippines. Trong bản chiến lược an ninh quốc gia và sách trắng quốc phòng của mình, Nhật Bản đã nhấn mạnh việc cải thiện năng lực quốc phòng cho Đông Nam Á là ưu tiên hàng đầu của Tokyo.

Trước khi thiết lập Bộ 3 Quy tắc Chuyển giao Trang thiết bị Quốc phòng hồi 2014, ưu tiên trên chỉ tập trung vào việc huấn luyện nhân lực, chuyển giao các trang thiết bị phi quân sự, và hỗ trợ về mặt tài chính.

Song giờ đây, Nhật Bản đã sẵn sàng nâng hợp tác quốc phòng với Đông Nam Á lên tầm cao mới, bằng việc trực tiếp hỗ trợ vũ khí. Hiện nay, có thông tin cho rằng Manila đã đặt hàng mượn của quân đội Nhật Bản 5 chiếc máy bay huấn luyện TC-90.

Một khi thương vụ này được hoàn tất, đó sẽ là một tiền đề vô cùng quan trọng mở đường cho các thỏa thuận tương tự nhằm cải thiện khả năng phòng vệ trên biển của các nước Đông Nam Á, đồng thời là một lời thách thức nhắm vào những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.

Vừa khẳng định vị thế nước lớn với việc công khai đáp trả Trung Quốc, vừa có thể “quảng cáo” các trang thiết bị Made-in-Japan để thu hút đầu tư từ các đối tác nước ngoài, có thể thấy việc bắt tay hợp tác quốc phòng với các nước Đông Nam Á sẽ là một bước đi “một công đôi việc” cho người Nhật.

theo Trí Thức Trẻ

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc