Home » Thế giới » Những chiêu dằn mặt Mỹ – Hàn của Triều Tiên
Triều Tiên vẫn thường xuyên thử nghiệm tên lửa tầm ngắn và các hệ thống pháo nhưng sẽ gia tăng cường độ triển khai vào những thời điểm xảy ra mâu thuẫn với các quốc gia khác.
Bắn tên lửa ra biển, tung thông tin về năng lực hạt nhân của bản thân hay dọa nhấn chìm đối thủ trong biển lửa là các cách mà Triều Tiên thường dùng để truyền đi thông điệp răn đe và phản ứng trước những áp lực hướng vào mình.
trieu-tien-muon-gi-khi-de-doa-tan-cong-my-han

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp các nhà khoa học tại cơ sở nghiên cứu vũ khí hạt nhân. Ảnh: Reuters

Bộ Ngoại giao Triều Tiên hôm qua tuyên bố quân đội nước này đã nhận lệnh chuyển từ trạng thái chuẩn bị ứng phó với các cuộc tấn công sang sẵn sàng tấn công phủ đầu. Bộ trưởng Ngoại giao Lee Su-yong nhấn mạnh “bán đảo Triều Tiên đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: một cuộc chiến tranh nhiệt hạch hay hòa bình”.

Thế nhưng, đây không phải lần đầu tiên Bình Nhưỡng tung ra lời đe dọa kiểu này. Triều Tiên năm nào cũng sử dụng những phát ngôn cứng rắn, gây sốc, tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí hoặc bắn tên lửa ra biển để răn đe Mỹ và Hàn Quốc hay bất kỳ quốc gia nào chống lại họ, theo AP.

Điển hình như hôm 25/3, các cơ quan truyền thông Triều Tiên cho biết quân đội nước này đã tổ chức một cuộc tập trận pháo binh tầm xa lớn nhất từ trước tới nay với mục tiêu mang đến “một kết cục khốn khổ tận cùng cho Mỹ và những con rối phản bội Hàn Quốc”.

Hành động này rõ ràng nhằm thể hiện phản ứng trước các cuộc tập trận chung thường niên Mỹ – Hàn đang diễn ra. Triều Tiên coi đây là một bài diễn tập xâm lược. Nếu dựa trên các diễn biến trong quá khứ, hầu hết những đe dọa mang hơi hướng kích động chiến tranh của Bình Nhưỡng cuối cùng đều chỉ là lời tuyên truyền sáo rỗng và sẽ lắng dịu dần khi cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn kết thúc vào cuối tháng 4.

Nhưng khả năng Triều Tiên tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vẫn tồn tại, dù rất nhỏ. Ví dụ như vào năm 2010, không ai có thể lường trước được việc Bình Nhưỡng nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc và nước này còn bị cáo buộc dùng ngư lôi bắn chìm chiến hạm Cheonan. Hai vụ việc đã khiến 50 người phía Hàn Quốc thiệt mạng.

Bên cạnh đó, tần suất cũng như mức độ nghiêm trọng của những lời hăm dọa mà Triều Tiên đưa ra suốt ba tháng qua đang ngày càng tăng tiến, khiến giới chuyên gia lo ngại một kịch bản như năm 2010 sẽ tái diễn.

Đẹ dọa tấn công hạt nhân

Khi cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn vừa khởi động hồi đầu tháng trước, Ủy ban Quốc phòng, nằm dưới quyền điều hành trực tiếp của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đã cảnh báo về “một cuộc tấn công phủ đầu hạt nhân vì công lý” nhằm vào Washington và Seoul.

Dù những phát ngôn như trên được cho là khá phổ biến đối với Triều Tiên nhưng thời điểm đó nó vẫn thu hút sự quan tâm của dư luận. Giới quan sát đánh giá, đây là cách để Triều Tiên thể hiện sự phản đối trước lệnh trừng phạt tăng cường mà Liên Hợp Quốc áp đặt lên nước này sau vụ việc Bình Nhưỡng thử bom nhiệt hạch hồi tháng một và phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh vào quỹ đạo hồi tháng hai.

Triều Tiên có thể nắm giữ một số lượng nhất định bom nguyên tử thô sơ trong tay, nhưng theo các nhà phân tích, những lời hăm dọa trên sẽ có rất ít cơ hội trở thành hiện thực bởi Bình Nhưỡng dù cứng rắn trong lời nói nhưng cũng rất lo sợ trước viễn cảnh phải hứng chịu đòn trả đũa tổng lực từ Mỹ và Hàn Quốc.

Hai tuần trước, kênh truyền hình nhà nước Triều Tiên đưa tin ông Kim đã ra lệnh thử nghiệm nổ đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân, song các chuyên gia không phát hiện dấu hiệu nào cho thấy Bình Nhưỡng thực sự tiến hành chúng.

Hôm 26/3, Triều Tiên tung ra một video với tiêu đề “Cơ hội cuối cùng”. Đoạn phim dài 4 phút, điểm lại lịch sử quan hệ Mỹ – Hàn và kết thúc bằng cảnh tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm, lao lên không trung, xuyên qua các đám mây rồi chuyển hướng quay trở lại Trái Đất, lao xuống con đường phía trước đài tưởng niệm Lincoln ở Washington. Thủ đô của Mỹ bị phá hủy hoàn toàn.

Một thông điệp bằng tiếng Triều Tiên nhấp nháy hiện trên màn hình: “Nếu Mỹ tiến về phía chúng tôi dù chỉ một inch, chúng tôi sẽ lập tức tấn công đáp trả bằng vũ khí hạt nhân”.

Bắn tên lửa

trieu-tien-muon-gi-khi-de-doa-tan-cong-my-han-1

Kim thị sát một cơ sở vệ tinh không gian vào tháng 5/2015. Ảnh: KCNA

Bình Nhưỡng vài tuần qua liên tục nã pháo và tên lửa tầm ngắn ra biển. Triều Tiên hôm 18/3 lần đầu tiên kể từ năm 2014 khai hỏa một tên lửa đạn đạo tầm trung hướng ra vùng biển phía đông nước này. Đây dường như là một cách khác nhằm phản ứng với cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn

Theo AP, Triều Tiên vẫn thường xuyên thử nghiệm tên lửa tầm ngắn và các hệ thống pháo nhưng sẽ gia tăng cường độ triển khai vào những thời điểm xảy ra mâu thuẫn với các quốc gia khác.

Nguy hiểm nhất trong số vũ khí mà Triều Tiên thử nghiệm tháng trước là một hệ thống mà nước này gọi là pháo tên lửa cỡ nòng lớn thế hệ mới. Các chuyên gia quân sự tin rằng nó có khả năng bắn tới thủ đô Seoul của Hàn Quốc, nơi có tới 10 triệu dân.

Tung hỏa mù hạt nhân

Công bố thông tin về năng lực hạt nhân của bản thân cũng là một trong những “chiêu” Bình Nhưỡng hay dùng để truyền đi thông điệp răn đe. Hôm 9/3, Triều Tiên tung ra một bức ảnh, trong đó ông Kim đang tươi cười đứng bên cạnh các nhà khoa học nguyên tử và quan sát một vật thể được cho là mô hình thiết bị kích hoạt đầu đạn hạt nhân. Ông Kim khẳng định Triều Tiên đã có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn trên tên lửa đạn đạo.

Vài ngày sau, Bình Nhưỡng tiếp tục loan báo rằng nước này đã làm chủ công nghệ bảo vệ đầu đạn gắn trên tên lửa trước sức nóng cũng như các yếu tố tác động khác.

Triều Tiên hôm 24/3 tiếp tục tạo nên một cơn chấn động khi thông báo tiến hành thành công một cuộc thử nghiệm động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn. Thông tin này vẫn chưa được kiểm chứng. Hàn Quốc trong khi đó cho hay họ cần thời gian để phân tích những gì mà Triều Tiên công bố.

Biển lửa

trieu-tien-muon-gi-khi-de-doa-tan-cong-my-han-2

Triều Tiên không ít lần đe dọa nhấn chìm Mỹ – Hàn trong biển lửa. Ảnh minh họa:Reuters

Triều Tiên năm 1994 đe dọa sẽ biến Seoul thành “biển lửa”. Tuyên bố gây sốc này khi ấy khiến người dân tại thủ đô của Hàn Quốc vô cùng sợ hãi, phải gấp rút tích trữ mỳ ăn liền cùng các nhu yếu phẩm khác. Nhưng sau khi những lời đe dọa như trên được lặp lại vô số lần mà chưa bao giờ thành hiện thực, người dân Hàn Quốc giờ đây dường như đã chai lỳ.

Bình Nhưỡng hôm 23/3 cũng cảnh báo sẽ vùi phủ thủ tướng Hàn Quốc trong biển lửa. Hơn một tuần trước, Triều Tiên lại thề sẽ biến New York, Mỹ, thành tro bụi bằng bom nhiệt hạch. Hồi năm 2012, nước này thậm chí còn tự nhận là “đang sở hữu những vũ khí hiện đại đầy uy lực và có thể đánh bại Mỹ chỉ bằng một đòn duy nhất”.

Trong khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cảnh giác, yêu cầu tăng cường các biện pháp an ninh trên cả nước, thì người dân lại tỏ ra thờ ơ. Họ hiện chỉ quan tâm tới cuộc bầu cử quốc hội sắp diễn ra trong tháng này, sự kiện khai mạc mùa giải bóng chày mới và bộ phim đình đám “Hậu duệ Mặt Trời”.

Không từ bỏ

Chưa biết lợi ích mà những hành động đe dọa mang lại cho Triều Tiên là gì nhưng những tác động bất lợi mà nước này phải chịu thì đã rõ.

Liên Hợp Quốc tháng trước nhất trí thông qua biện pháp trừng phạt nặng nhất 20 năm đối với Triều Tiên. Theo đó, tất cả hàng hóa đến và đi từ Triều Tiên đều phải qua kiểm tra, mọi hoạt động buôn bán vũ khí với quốc gia này đều bị cấm, danh sách các cá nhân, tổ chức ở Triều Tiên bị áp dụng trừng phạt cũng được mở rộng.

Nhưng theo một số nhà quan sát Triều Tiên lâu năm, những biện pháp trừng phạt vẫn chưa thể buộc lãnh đạo Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.

“Kể cả khi phải thắt lưng buộc bụng, thứ cuối cùng mà họ cắt giảm là quân sự”, John Delury, giáo sư tại Đại học Yonsei ở Seoul, bình luận. Ông đưa ra dẫn chứng về nạn đói khủng khiếp ở Triều Tiên vào giữa những năm 1990, cướp đi sinh mạng của hơn một triệu ngươi. “Ở vào hoàn cảnh ấy, họ có cắt giảm quân sự không? Không hề”, Delury nhấn mạnh.

Chính quyền Triều Tiên khi đó thậm chí còn thực thi một chính sách đặt ưu tiên hàng đầu cho quân sự và dồn mọi nguồn lực kinh tế đầu tư cho các lực lượng vũ trang.

Ông Kim hiện cũng theo đuổi một chiến lược tương tự, dành nguồn thu hạn hẹp của quốc gia để chế tạo vũ khí. Không lâu sau khi lên nắm quyền, ông xác định phát triển vũ khí hạt nhân là một trong những nguyên tắc hoạt động bản lề của chính phủ.

Theo nhà phân tích Suh Choo-suk từ viện Phân tích Quân sự Hàn Quốc, trong bối cảnh Triều Tiên liên tục truyền đi các thông điệp cứng rắn nhằm răn đe như hiện nay, nguy cơ xung đột vẫn rất dễ xảy ra bởi những tính toán sai lầm từ cả hai phía. 

“Các cuộc chạm trán hoặc xung đột nhỏ có thể bùng phát trong thời gian căng thẳng cao độ này”, ông Suh nói. “Chính những xung đột nhỏ lại có khả năng gây ảnh hưởng lớn”.

Theo Vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc