Home » Xã hội » Hơn 5.000 ngày cay đắng làm dâu xứ người vì bị lừa
Thuyết phục mãi, bà Ng. mới kể lại rằng, bà sinh ra trong một gia đình khó khăn, năm 22 tuổi, bà quen một người đàn ông đi bán thuốc lào.

5.000 ngày cay đắng làm dâu xứ người và những lá thư không hồi đáp

Vì tin bạn thân mà 14 năm bà phải lận đận, lang thang, làm đủ thứ nghề bên xứ người để góp tiền trở về quê hương.

Khi nhắc đến quá khứ, trên gương mặt bà Hoàng Thị Ng. (51 tuổi, Cẩm Khê, Phú Thọ) còn in hằn những nỗi khổ tâm, sự vất vả của quá khứ ê chề nơi đất khách quê người.

Thuyết phục mãi, bà Ng. mới kể lại rằng, bà sinh ra trong một gia đình khó khăn, năm 22 tuổi, bà quen một người đàn ông đi bán thuốc lào. Gia đình bà phải kiếm ăn từng bữa. Cũng vì quá nghèo khổ mà khi bà bị hen phế quản, bà không có tiền chạy chữa. Bệnh ngày càng nặng hơn, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè lên vai người mẹ già.

“Ngày ấy nhà nghèo quá, không có tiền mua thuốc. Tôi có quen một người bạn tên Lợi quê Thanh Ba, Phú Thọ. Anh ta nói muốn chữa được bệnh hen thì theo anh ta lên Lạng Sơn, có bà lang lấy thuốc giỏi lắm, không những thế, biết đâu còn được đổi đời. Nghe vậy, tôi không ngần ngại, khăn gói lên đường để lấy thuốc.

Nhưng đi được một ngày, sau khi ăn tối xong, tôi ngủ mê man không biết gì. Sáng hôm sau ngủ dậy thì thấy mình đang ở trong một căn phòng kín mít. Gọi người đưa mình đi nhưng không thấy thưa, cũng không ai trả lời”, bà Ng. chia sẻ.

Nhìn trong căn phòng chỉ thấy dán toàn chữ Trung Quốc, 5 người con gái khác cũng đang khóc lóc, van xin được trở về quê, bà mới biết mình bị tên Lợi lừa bán sang Trung Quốc. Hơn 1 tháng trong phòng, và được cho ăn uống đầy đủ nhưng không được phép ra ngoài.

“Hàng ngày, chúng tôi chỉ biết nhìn qua khe cửa, cuộc sống lúc này như mảng sương tối tăm bao phủ trước mắt. Dù có khóc hàng đêm, kêu cứu hàng giờ cũng không có ai lên tiếng, không thay đổi được số phận nữa rồi. Chị ngày đêm thương nhớ con nhỏ, mẹ già ở nhà. Hàng ngày, đưa cơm vào, họ nói với chúng tôi rằng, cứ ngoan ngoãn ở đây, họ sẽ kiếm cho một tấm chồng, sẽ được ăn sung mặc sướng”, bà Ng. tâm sự.

Bà Ng. kể lại rằng, sau một tháng, có một người phụ nữ khoảng 50 tuổi quê Bắc Giang dẫn bà và 5 cô gái kia đi theo. Người phụ nữ đó nói với bà, cứ đi theo họ, sau một thời gian ở bên này, làm ăn, kiếm được nhiều tiền sẽ cho về quê hương.

5.000 ngày cay đắng làm dâu xứ người và những lá thư không hồi đáp - Ảnh 1

Người phụ nữ 14 năm lưu lạc nơi xứ người.

Nhưng chính người phụ nữ đó một lần nữa đẩy bà đến cuộc sống lận đận, 14 năm làm dâu, lưu lạc nơi xứ người. Bà và những cô gái kia đã đi theo người phụ nữ quê Bắc Giang kia.

“Không ngờ nó đưa chúng tôi đến Quảng Tây bán, họ coi chúng tôi như một món hàng, cứ trao tay người nọ đến người kia. Nhưng họ vẫn cứ dỗ dành chỉ là gả chúng tôi vào những nhà thật giàu có, chúng tôi sẽ có một cuộc sống sung sướng. Có tiền gửi về cho gia đình. Thực chất, họ bán chúng tôi làm dâu trong một gia đình người Trung”, bà Ng. cho biết.

Hạnh phúc vỡ òa trong căn nhà nhỏ

Cuộc sống bên xứ người, không biết tiếng, không hiểu gì về văn hóa, ở với những người hoàn toàn xa lạ khó khăn, khổ cực trăm bề.

Khi mang bà và 5 cô gái kia đi bán, họ cũng cho bà quyền lựa chọn chồng, chọn gia đình. Thực sự, lúc ấy, bà và những người con gái kia chỉ biết nhắm mắt đưa chân, may thì được vào gia đình tử tế, không may thì phải làm “trâu ngựa” cho cả gia đình nhà chồng.

Sau đó, bà được gả bán vào gia đình tử tế, nhưng họ cũng nghèo, quanh năm làm ruộng, nuôi lợn như ở quê nhà. Ban đầu bà sợ hãi, giam mình trong phòng khóc suốt. Sau đó, gia đình nhà chồng có đưa đến một cô dâu Việt, lấy chồng ở đây khá lâu, người này bắt đầu dạy bà tiếng Trung. Chỉ sau 6 tháng, bà đã học thuộc và giao tiếp được với gia đình nhà chồng.

Cứ thế, bà sống và chịu đựng, bà đã tìm cách viết thư, liên lạc về quê nhưng chờ đợi bao lâu bà cũng không thấy hồi âm. Nỗi nhớ quê, con nhỏ và mẹ già khiến bà luôn mong ngóng ngày trở về.

Bà đi lang thang khắp nơi làm thuê, làm đủ thứ nghề: làm gối, gấu bông, móc áo… Bà dành dụm từng đồng, chịu khổ, chịu cực để có tiền về quê với con và gia đình. Cuộc sống cứ tăm tối kéo dài, cho đến năm 2008, đứa con thứ 2 đã lớn, bà xin phép gia đình nhà chồng trở về Việt Nam.

Đó là ngày 28/8/2008, sau 14 năm lưu lạc xứ người, bà được trở về quê hương. Đặt chân về nhà như một điều kỳ diệu, không chỉ đối với bản thân chị mà còn đối với người thân, gia đình, hàng xóm của bà.

Được trở về với gia đình, gặp lại con trai mà ngày bà đi mới được 6 tuổi, giờ đã khôn lớn, bà không còn mong ước gì hơn. Bà chỉ thương những người bị bán sang bên đó, có người phải làm thân “trâu ngựa” phục vụ nhà chồng, không biết họ có ngày trở về hay không.

Phương Quỳnh – Theo Vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc