Home » Xã hội » Hiểm họa ‘Đuối nước’ ở trẻ em
Những năm gần đây, dưới sự tác động của những điều kiện khách quan và chủ quan, tình trạng tai nạn sông nước đối với trẻ em tại các ao hồ, đầm phá, sông suối, biển… ngày càng gia tăng về số vụ, lẫn số người chết.

Trẻ đuối nước và những điều cần bàn

Tại sao những người bơi giỏi lại vẫn có thể bị chết đuối và hủ tục thấy người chết đuối thì không cứu? Xung quanh vấn đề này có rất nhiều chuyện cần phải suy ngẫm.

Vụ năm em học sinh ở Bắc Giang bị đuối nước không khỏi khiến nhiều người cảm thấy xót xa. Và còn đau buồn hơn khi nó chỉ là một trong số những vụ đuối nước xảy ra liên tiếp trong thời gian qua.

Sau sự việc, một lần nữa việc dạy bơi cho học sinh được nhiều người mang ra bàn luận và có lẽ cũng đã đến lúc ngành giáo dục cần quyết liệt hơn trong vấn đề này.

Trẻ đuối nước và những điều cần bàn - Ảnh 1

Mùa hè là khoảng thời gian các vụ đuối nước tăng mạnh. Ảnh: Ngọc Tuấn.

Bơi lội vừa là môn thể thao tốt cho sức khỏe, vừa rèn luyện kĩ năng ứng phó với những tình huống tai nạn liên quan đến nước nên việc đưa vào chương trình dạy và học không có gì phải bàn cãi.

Tuy vậy, khi nói đến phòng chống tai nạn đuối nước, có lẽ khả năng bơi lội chưa hẳn đã là thứ quan trọng nhất.

Chắc chắn rằng, trong số rất nhiều vụ đuối nước xảy ra thời gian gần đây, không có chuyện 100% số người bị nạn đều không biết bơi, bởi thậm chí có người còn bơi giỏi.

Ở dưới nước thì không ai biết trước được chuyện gì, kể cả một vận động viên bơi lội chuyên nghiệp trong một ngày kém may mắn cũng có thể đuối nước chứ chưa kể người thường.

Vậy thì, điều cần nhất để phòng chống đuối nước chính là giáo dục cho trẻ nhận thức rõ rằng không được mạo hiểm khi xuống nước, đừng liều lĩnh khám phá những vùng nước không quen thuộc hay tuyệt đối không chơi đùa ở những khu vực nguy hiểm, vắng người.

Nếu không giáo dục kỹ cho trẻ điều đó, thì việc dạy bơi cho các em sẽ không phát huy hiệu quả trong việc phòng chống tai nạn mà còn có thể gây họa, khi các em chủ quan cho rằng mình bơi giỏi nên có thể tự do bơi lội ở đâu cũng được.

Một vấn đề nữa mà nhiều người đề cập, là dạy kỹ năng cứu người khi gặp tai nạn đuối nước cho trẻ em. Vấn đề là có nên như thế hay không? Tại sao ở một số vùng sông nước, lại có một hủ tục là thấy người chết đuối thì không cứu vì sẽ gây thù với thần sông, hà bá?

Tất nhiên đây là một hủ tục lạc hậu không nên có trong xã hội văn minh, nhưng không phải ngẫu nhiên mà người xưa lại có suy nghĩ đó. Theo thiển ý cá nhân người viết, có lẽ do chứng kiến quá nhiều vụ cứu người chết đuối nhưng cuối cùng bị dìm chết chung với nạn nhân, mà người xưa đã nâng nó lên thành một “tập tục” để khuyên răn con cháu tránh tai vạ.

Rõ ràng, cứu người chết đuối, nhất là khi họ đang dùng hết sức bình sinh để vật lộn giữa sự sống và cái chết là kỹ năng rất khó, phải là người được đào tạo kỹ lưỡng, có điều kiện thực hành hoặc gắn bó với sông nước lâu năm may ra mới có xác suất thành công cao.

Còn với trẻ em, có lẽ kỹ năng cứu người duy nhất cần trang bị cho các em là cố gắng bình tĩnh, chạy thật nhanh về phía có người lớn và kêu cứu thật to.

Việc học bơi có lẽ sẽ không thể triển khai sớm trong ngày một ngày hai trên cả nước, nhưng nâng cao nhận thức cho trẻ em thì có thể làm ngay, và cần phải làm thật quyết liệt.

Phan Huỳnh Tuấn – Theo Vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc