Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Ngôi trường làng của các thủ khoa
Đó là trường THPT Vĩnh Bảo ở huyện Vĩnh Bảo, ngoại ô TP Hải Phòng. Đây là ngôi trường làng thuần nông, đa số học sinh thuộc diện gia đình nghèo. Trường không thuộc diện trường trọng điểm nên không được đầu tư gì nhiều, đội ngũ giáo viên cũng bình thường như bao trường không thuộc diện trọng điểm khác.
Trường THPT Vĩnh Bảo từng được tôn vinh là “ngôi trường làng của các thủ khoa”. Ảnh báo Lao Động

Trường THPT Vĩnh Bảo từng được tôn vinh là “ngôi trường làng của các thủ khoa”. Ảnh báo Lao Động

Đây là ngôi trường làng nằm xa thành phố nhất (hơn 40km), trang thiết bị hầu như chẳng có gì, thế nhưng nhiều năm liền trường có rất nhiều thủ khoa khiến ngành giáo dục Hải Phòng phải ngỡ ngàng.

Năm 2012 trường có 4 thủ khoa đại học và được “Hội đồng xác lập kỷ lục gia Việt Nam” trao tăng danh hiệu kỷ lục Trường THPT nông thôn có nhiều học sinh thi đỗ thủ khoa đại học.

Năm 2013 trường lại tiếp tục có thêm 5 thủ khoa và 2 á khoa đại học mới, nếu tính các trường cấp huyện thì trường Vĩnh Bảo có số thủ khoa cao nhất trong năm, từ năm 2006 đến nay nhà trường có 25 thủ khoa và 7 á khoa các kỳ thi đại học

Dù là trường làng nằm xa thành phố nhất, nhưng trường Vĩnh Bảo được đánh giá là có học sinh giỏi hơn các trường nội thành. Hàng năm trên 80% đậu đại học, khiến bất cứ trường chuyên nào cũng phải thán phục.

Người dân thành phành có con em thi đại học bàn tán rằng: Cái trường huyện ấy làm gì mà học sinh giỏi thế. Học sinh thành phố chỉ có ăn rồi học, học ở trường, rồi còn học thêm còn chẳng hơn ai; thế mà trường ấy học sinh sáng đi học, chiều ra đồng rồi về nhà nấu cơm, băm bèo, thái khoai… lại có tỉ lệ đỗ ĐH cao ngất ngưởng.

Không chỉ có thành tích cao khi thi đại học, mà tại các cuộc thi học sinh giỏi toàn thành, trường Vĩnh Bảo cũng đạt rất nhiều giải thưởng.

Vậy nguyên nhân nào khiến trường làng này đạt thành tích cao đến vậy

 Nguyên nhân

Nhiều người tự hỏi vì sao thành tích học sinh trường Vĩnh Bảo tốt thế? Chắc hẳn học sinh nơi đây giỏi sẵn rồi, hoặc đội ngũ giáo viên giỏi.

Thế nhưng đội ngũ giáo viên không được đánh giá cao như các trường nội thành, trong các kỳ thi giáo viên giỏi thì đội ngũ giáo viên trường không được đánh giá cao, không được xếp loại cao như các giáo viên nội thành.

Vậy phải chăng là do có sẵn học sinh giỏi? Thực tế điểm thi đầu vào trường Vĩnh Bảo cho thấy thấp hơn nhiều so với tất cả các trường nội và ngoại thành

Một trường không đầu tư gì nhiều, cơ sở vật chất hầu như không có gì, giáo viên và học sinh đều không giỏi, vậy đâu là nguyên nhân giúp trường đạt thành tích cao?

1/ Giáo viên và học sinh hiểu nhau

Những giáo viên của trường rất đồng cảm với ước mơ vượt khó của các học sinh nghèo nơi đây.

Điển hình như trường hợp thầy Phạm Quốc Hiệu dạy toán được xem là người thầy của các thủ khoa, được mời về trường nội thành với mức lương cao hơn nhiều, thu nhập nếu về nội thành có thể là 100 triệu/tháng, thế nhưng thầy từ chối để ở lại trường với thu nhập chỉ 10 triệu đồng/tháng.

Không chỉ thầy Hiệu mà nhiều giáo viên khác cũng được trải thảm đỏ nhưng họ vẫn quyết định ở lại gắn bó với trường.

Giáo viên chủ nhiệm không chỉ nắm được lực học của học sinh, mà còn hiểu được hoàn cảnh gia đình, cũng như mơ ước của các em, từ đó nắm được điểm yếu và điểm mạnh của từng em để giúp các em có hướng học tập đúng đắn, kích thích khả năng học tập của các em.

Không chỉ là những người trao kiến thức, các giáo viên còn hướng dẫn học sinh biết cách tự học, tự trang bị kiến thức cho mình.

Nơi vùng quê này, khoảng cách gia đình thầy cô và học sinh rất ngắn, tình cảm giữa con người với nhau rất thân thiện, thầy cô giáo hiểu học trò, xem học trò như con em trong nhà; học trò cũng thân thiện với thầy cô của mình nên rất dễ dàng chia sẻ với nhau.

Báo Lao Động dẫn lời cô Trần Thị Trang Nhung chia sẻ một câu chuyện khi cô tham dự chuyến đi giao lưu với các trường THPT khác, một lãnh đại trường nọ nói rằng: “Ở trường tôi, cơ sở giảng dạy tốt hơn, thu nhập của giáo viên cao hơn, nhưng giáo viên không gắn bó, còn chất lượng đào tạo thì thua xa Trường THPT Vĩnh Bảo”.

2/ Nguyên tắc học “vừa sức”

Học sinh thi tuyển được vào trường sẽ phân lớp từ điểm cao xuống thấp, trong quá trình học sẽ căn cứ vào học lực của học sinh để xếp lớp theo học lực. Điều này nhằm giúp học sinh học trong lớp có học lực gần tương đồng nhau, giáo viên cũng dễ dàng biết lực học của lớp nên biết mình nên dạy ở cường độ nào, mức độ nào phù hợp với học lưc của học sinh và giúp học sinh học tập tốt.

3/ Thần tượng của học sinh nơi đây

Ở nơi làng quê bình lặng này cũng khác xa thành phố. Trong khi học sinh ở thành phố xem ngôi sao ca nhạc, điện ảnh là thần tượng của mình. Thì học sinh ngôi trường này xem những tấm gương gần gũi với mình nhất là thần tượng.

Thần tượng ấy có thể là người anh hay chị của mình từng đậu thủ khoa hay á khoa trường đại học lớn, hay thần tượng là người trong gia đình từng đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố.

Thủ khoa ĐH Nông Nghiệp Hà Nội năm 2013 (29 điểm) Nguyễn Hải Hà thì xem cô em họ học cùng lớp ở cùng nhà với mình là thần tượng. Bởi nhà nghèo bố mẹ làm ăn xa nên cô em họ này ở cùng nhà với Hải Hà, dù thế cô em họ rất nghị lực, tự lập trong cuộc sống và chú tâm học tập tốt khiến Hải Hà ngưỡng mộ và xem đó là tấm gương của mình.

Còn Phạm Thu Hà thủ khoa ĐH Hải Phòng năm 2013 lại thần tượng người chị gái của mình bởi chị ấy học rất giỏi, á khoa Học Viện Ngân Hàng năm 2007 và hiện đang làm việc tại một ngân hàng ở Hà Nội.

Đối với học sinh nơi đây thì đấy mới là thần tượng của mình, ở đây thì các thần tượng giới trẻ ở thành phố như ca sỹ, diễn viên điện ảnh được xem là có lối sống quá xa lạ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục nơi vùng quê này.

Ánh Sáng


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc