Home » Cổ truyền, Văn hóa » Tam Tự Kinh – Tập 12 – Uống nước nhớ nguồn
Tam tự Kinh là cuốn sách nổi tiếng bậc nhất trong văn hóa cổ truyền Trung Quốc. Theo thể thơ 3 chữ dễ nhớ mang tính nhân văn rất tốt cho việc bồi bổ tâm hồn con người. Đến nay dù lịch sử thay đổi nhưng cuốn sách này vẫn giữ nguyên giá trị của nó.

12

Phiên âm Hán Việt

Cao tằng tổ, phụ nhi thân,

Thân nhi tử, tử nhi tôn

Tự tử tôn, chí huyền tằng,

Nãi cửu tộc, nhân chi luân.

 

Tạm dịch

Ông sơ, ông cố, ông nội, cha rồi đến mình

Mình rồi đến con, đến cháu

Cháu rồi đến chắt, đến chút

Chín thế hệ này

Lập thành thứ bậc luân thường của con người.

Dịch nghĩa

Cao tằng tổ (kị) sinh ra tằng tổ phụ (cụ hay cố), tằng tổ phụ sinh ra tổ phụ (ông nội), tổ phụ sinh phụ thân (cha), phụ thân sinh ra chúng ta, chúng ta sinh ra con, con sinh ra cháu, cứ như thế từng đời nối tiếp nhau phát triển.

Người xưa gọi là cửu tộc tức là từ cao tổ, tằng tổ, tổ phụ, phụ thân, bản thân mình, con, cháu, chắt, chút. Bao gồm bốn thế phía trên mình và bốn thế phía dưới mình, là có quan hệ huyết thống và thân thiết nhất với mình. Cửu tộc đại biểu cho mối quan hệ luân thường có tôn ti trật tự có lớn có nhỏ của nhân loại.

Đàm luận

 

Đạo lý về uống nước nhớ nguồn thì ai cũng biết nhưng có lẽ ít ai có thể giải thích được tại sao con người phải biết uống nước nhớ nguồn. Từ những mối quan hệ trong dòng họ, chúng ta có thể thấy rõ rằng không có sự sinh thành, nuôi nấng vào giáo dục của người đời trước thì sẽ không có chúng ta, những thế hệ sau tồn tại.

Điều này cũng liên hệ đến mối quan hệ khác ngoài xã hội. Trong nhà chúng ta có mối quan hệ trên dưới, ngang bằng thì ngoài xã hội cũng vậy. Nếu như trong gia đình mà ai cũng biết cách cư xử đúng mực, “kính trên nhường dưới” thì khi ra ngoài xã hội chúng ta sẽ hành xử đúng mực, tạo nên trật tự từ lớn nhất là xã hội và nhỏ nhất là gia đình. Cũng chính vì lý do này nên người ta thường vẫn nói “gia đình là một xã hội thu nhỏ”.

Thử tưởng tượng nếu như trong gia đình mà mọi người không tôn trọng, yêu thương lẫn nhau, thì xã hội cũng ắt sẽ đảo loạn. Không có tình nghĩa thì ắt sẽ hủy diệt lẫn nhau. Xã hội hiện đại bây giờ người ta hại nhau, kèn cựa đấu đá tranh giành nhau và đủ chuyện loạn luân xảy ra thì chứng tỏ văn hóa gia đình đã mất. Cái gốc đã không còn nữa thì ngọn chắc chắn sẽ chết dần chết mòn. Cũng như việc tuân theo câu “uống nước nhớ nguồn”. Khi con người không biết ơn đời trước và những người từng giúp đỡ mình thì cũng giống như cầm thú, chỉ sống mà ăn thịt lẫn nhau, chà đạp nhau để sinh tồn. Đó hẳn không phải là con người nữa. Tình nghĩa hàm chứa trong thành ngữ này chính là đạo làm người, nếu con người không tuân theo thì thật đáng sợ.

Câu chuyện “Uống nước nhớ nguồn”

Dữu Tín là người thuộc Nam triều thời kỳ Nam Bắc triều. Lương Nguyên Đế phái ông đi sứ sang Bắc triều nhà Tây Ngụy. Trong thời gian ông đi sứ, triều Lương bị Tây Ngụy tiêu diệt, Dữu Tín bị giữ lại Trường An (đô thành của Tây Ngụy). Năm đó Dữu Tín 42 tuổi.

Mặc dù Bắc triều phong ông làm đại tướng quân, nhưng ông lại rất muốn trở về quê hương, Nam triều cũng mấy lần đòi Dữu Tín từ Bắc triều nhưng đều không được. Trong 28 năm ở Bắc triều, Dữu Tín thường xuyên nhớ về cố quốc và quê nhà, trong bài “Chủy điệu khúc” ông viết: “Lạc kỳ thực giả tư kỳ thụ, ẩm kỳ lưu giả hoài kỳ nguyên” (tức là khi ăn trái phải nhớ tới cây đã cho ta trái, khi uống nước cần nhớ về nguồn nước).

Câu thành ngữ “Uống nước nhớ nguồn” có nguồn gốc từ đó với ý nghĩa làm người thì không được quên nguồn gốc của mình, luôn phải nhớ đến công ơn của những người đã giúp cho ta có được thành quả như ngày hôm nay.

Phim hoạt hình

https://www.youtube.com/watch?v=izAm3VTOKz8

Theo chanhkien

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc